Vị tiến sĩ một đô đến triệu đô
Anh là tiến sĩ trong ngành Robot sinh học được bạn bè quốc tế đánh giá cao. Anh từng từ chối lời mời lương hàng nghìn đô để về nước làm việc. Đó là Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2014, TS Nguyễn Bá Hải (sinh năm 1983), Giám đốc Trung tâm dạy học số, cha đẻ kính “Mắt thần” đầu tiên cho người khiếm thị Việt Nam.
TS Nguyễn Bá Hải tại khóa học 1 đô la.
Thuyết phục Thủ tướng
Tôi có hai lần được gặp tiến sĩ trẻ tràn đầy nhiệt huyết Nguyễn Bá Hải. Đó là dịp Hải cùng Hội LHTN Việt Nam trao kính “Mắt thần” miễn phí cho người khiếm thị tại trụ sở báo Tiền Phong tháng 7/2013 và những ngày Hải tham gia sự kiện và nhận giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2014.
Lần nào Hải cũng “truyền lửa” đam mê khoa học và tinh thần cống hiến không ngừng cho những người xung quanh. Nhưng ít ai ngờ, chỉ trong chưa đầy 10 phút thuyết trình về các dự án sáng tạo của mình, Hải đã thuyết phục được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng quyết định đầu tư khoản kinh phí 1 triệu đô la để thực hiện dự án sản xuất kính “Mắt thần” dành cho người khiếm thị. Việc này trở thành sự kiện nóng nhất trong cuộc gặp gỡ của Thủ tướng với các nhà khoa học trẻ tiêu biểu diễn ra sáng 11/9/2015 tại Hà Nội.
“Mình chỉ sống một lần duy nhất trong cuộc đời thôi, chính vì thế mình phải sống thấy vui, thăng hoa và thoải mái nhất mỗi ngày. Mình sống theo lẽ hoặc chết hoặc sống dấn thân cho những đam mê cháy bỏng của con tim mình. Hãy biến ý tưởng, khát khao sáng tạo khoa học công nghệ thành những sản phẩm phục vụ cho cuộc sống ngay lúc này thay vì những lý thuyết suông”.
TS Nguyễn Bá Hải
Những thông tin của TS Hải thu hút được sự quan tâm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Thủ tướng hỏi cặn kẽ từ tác dụng của kính dẫn đường đến giá thành và nhu cầu thực tế của sản phẩm. Hải cho biết, anh sẵn sàng tặng sáng chế này cho xã hội, cho Nhà nước.
Trên thực tế, trong những năm qua, Hải đã sản xuất hàng ngàn sản phẩm với mục đích phi lợi nhuận từ kinh phí của bản thân và các nhà tài trợ, hảo tâm để cùng T.Ư Đoàn tặng cho người khiếm thị nghèo ở những địa bàn khó khăn.
Sau khi nghe TS Hải báo cáo từ sáng chế ban đầu cách đây hơn bốn năm, sản phẩm đầu tiên nặng tới 20kg và có giá thành hơn 20 triệu đồng, nay, qua chín lần nghiên cứu cải tiến để hoàn thiện thành sản phẩm gọn nhẹ với giá 2 triệu đồng/chiếc, đã sản xuất hàng ngàn chiếc tặng cho người sử dụng và có phản hồi tốt, Thủ tướng đã quyết định hỗ trợ để nhóm nghiên cứu mở rộng dự án có ý nghĩa xã hội này.
Ước tính, hiện nay ở nước ta có khoảng 300.000 người hỏng mắt hoàn toàn và khoảng 1,2 triệu người khiếm thị ở các mức độ khác nhau cần sử dụng sản phẩm này. Thủ tướng đề nghị anh Hải mở rộng quy mô sản xuất.
Anh Hải cho biết, khi từ Hàn Quốc trở về, anh tới những vùng khó khăn, thấy người mù rất vất vả trong cuộc sống, sinh hoạt thường ngày. Suy nghĩ đó thôi thúc anh nghiên cứu, sáng tạo ra “Mắt thần” - loại kính dành cho người mù. Hơn 1.000 kính “Mắt thần” phiên bản 2 được tặng miễn phí cho người khiếm thị Việt Nam và nhiều người mù ở Mỹ, Đức đặt mua. Phiên bản kính Mắt thần 3 đang được TS Hải cải tiến để người khiếm thị có thể nhìn được màu sắc, hình ảnh được công bố cuối năm 2015.
TS Hải tại phòng nghiên cứu và khóa học 1 đô la.
Dấn thân hoặc chết
Ông Markku Rissanen, giảng viên Trường ĐH Sư phạm Jamk (Phần Lan) trầm trồ: “Anh ấy thực sự rất nổi bật và giỏi. Một tấm lòng thiện lương hướng đến cộng đồng”. Để có được thành công ngày hôm nay, Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2014 từng có tuổi thơ nghèo khó. Anh đặt ra con đường “dấn thân hoặc chết” để tạo động lực cho mình tìm con đường nâng tầm khoa học công nghệ nước nhà.
Hải cho biết, trước đây cậu rất tò mò trước các quốc gia phát triển giàu có và đặt câu hỏi: Tại sao Việt Nam mình cứ nghèo khổ hoài và công nghệ lạc hậu mãi vậy? Công nghệ Việt Nam không có nét riêng? Khát khao du học thổn thức hàng ngày trong tâm trí cậu học trò nghèo xứ Thanh, phải đi du học, sang các nước giống như thời trẻ của Nguyễn Tất Thành thôi thúc ra đi tìm đường cứu nước vậy.
Năm 2001, cậu học trò nghèo của huyện Đông Sơn, Thanh Hóa thi đỗ ngành cơ khí động lực học của ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM. Trong suốt thời gian theo học, Hải phải nỗ lực gấp nhiều lần để tự trang trải việc ăn học. Hải làm đủ nghề, từ nhân viên photo copy, đánh máy tính đến bán mắt kính, đồng hồ… với khoảng 20 nghề khác nhau. Hải cho biết, để có tiền theo đuổi đam mê “chơi” Robocon (Cuộc thi cổ vũ phong trào sáng tạo trong sinh viên do Hiệp hội Phát thanh và Truyền hình châu Á - Thái Bình Dương tổ chức thường niên từ 2002 đến nay).
TS Nguyễn Bá Hải tặng kính “Mắt thần” cho người khiếm thị tại Hà Nội tháng 7/2013. Ảnh: Xuân Tùng.
Chính những ngày tháng đó đã nuôi dưỡng niềm đam mê sáng tạo của Hải, thôi thúc Hải thực hiện giấc mơ du học để bắt nhịp với khoa học công nghệ thế giới. Hải tốt nghiệp Thủ khoa ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM ngành công nghiệp cơ khí động lực và nhận được học bổng toàn phần đào tạo cao học của Chính phủ Hàn Quốc ngành Robot sinh học, ngành được cho là tương lai công nghệ sau kỷ nguyên internet.
Tuy nhiên, đây là ngành còn mới mẻ trên thế giới, đặc biệt là ở Việt Nam. “Khi sang Hàn Quốc, đầu tôi giống như tổ ong trống rỗng, thiếu mọi thứ, đặc biệt khi chuyển ngành từ ô tô sang robot dù đã “chơi” robocon 3 năm ở Việt Nam. Nhiều lúc việc học quá khó khăn khiến tôi muốn bỏ học, nhưng sau đó phải tự cố gắng vượt qua”, Hải kể.
Thường những nghiên cứu sinh phải tuân theo hướng dẫn của các giáo sư nhưng Hải có lối riêng không bị ràng buộc. Chỉ trong 2 năm, Hải lấy được 3 bằng sáng chế được chuyển giao cho các công ty tại Hàn Quốc. Với luận văn tốt nghiệp xuất sắc, Hải được cấp tiếp học bổng tiến sĩ.
Trong khi đa số các nghiên cứu sinh tại Hàn Quốc phải kéo dài thời gian từ 3-4 năm trở lên nhưng Bá Hải lập thành tích đặc biệt, báo cáo thành tích tốt nghiệp chỉ trong 2 năm làm nghiên cứu sinh ở tuổi 27! Hải nhận bằng tốt nghiệp tiến sĩ xuất sắc nhất của trường. Ngày nhận bằng, anh được các giáo sư Hàn Quốc mời ở lại làm tại Viện nghiên cứu quốc gia hàng đầu với mức lương khởi điểm 5.000 USD, tuy nhiên anh từ chối và trở về Việt Nam ngay sau ngày nhận bằng tiến sĩ để bắt đầu hành trình mới.
Đa số các trường, giảng viên tốt nghiệp tiến sĩ ở nước ngoài về dù trong thời gian du học họ có nhiều nghiên cứu, sáng chế đạt tới đỉnh cao công nghệ thế giới nhưng khi về nước họ hẫng hụt vì chỉ biết đi dạy vì thiếu hụt đủ thứ. Khắc phục điều đó, Hải bắt đầu từ phòng nghiên cứu thiếu thốn đủ bề để truyền lửa đam mê khoa học tới mọi người.
Từ phòng nghiên cứu của trường, Hải tạo được khóa học khoa học đầu tiên cho một doanh nghiệp Nhật Bản. Cuối năm 2010, Hải mở khóa học 1 đô la - người học chỉ đóng phí tượng trưng để tránh tình trạng đăng ký tràn lan. Số tiền đó để học khóa học ngắn hạn LabWIEW - ngôn ngữ lập trình trực quan, sáng tạo kỹ thuật dành cho bất cứ ai mê kỹ thuật đều có thể đăng ký học vào mỗi dịp cuối tuần. Đến nay, khóa học 1 đô la của tiến sĩ trẻ đã mở được ở 6 tỉnh thành, thu hút khoảng 10.000 người, từ học sinh, sinh viên cho đến những người già theo học.
Dù chưa có nhà, chưa có xe, mỗi lần đi đâu phải nhờ xe máy của học trò, nhưng hễ có lương hay thu được khoản phí nào, Hải dồn hết vào các khóa học 1 đô, mua sắm thiết bị nghiên cứu. Ngoài giờ làm, chàng tiến sĩ trẻ còn đi dạy, tư vấn kĩ thuật ngoài giờ cho các doanh nghiệp, rồi tiết kiệm chi tiêu cho bản thân ở mức tối đa để đủ tài chính duy trì khóa học.
Khi đó, một doanh nghiệp muốn mua lại bản quyền công nghệ chế tạo kính “Mắt thần” với giá 2,3 tỷ đồng. Đó là số tiền rất lớn đối với cả nhóm nghiên cứu còn đang nghèo khó nhưng Hải từ chối không bán. Hải suy nghĩ: “Thà bỏ tiền túi nghiên cứu để khi nào tìm được mạnh thường quân đầu tư cho cốt làm sao để “Mắt thần” đến với người mù khó khăn được hoàn toàn miễn phí!”.
Ông Nguyễn Hữu Quý, Chủ tịch HĐQT Cty TNHH Kiến Bình Minh khẳng định, hiếm khi ông gặp người trẻ giỏi, bằng tuổi con thứ 2 của ông nhưng ông vẫn gọi bằng thầy! “Vì thế tôi muốn chuyển tất cả tài trợ sang cho nghiên cứu của thầy Hải mà không đắn đo toan tính”, ông Quý nói. Các học trò trong nhóm nghiên cứu của Hải cho biết, mấy thầy trò thường ở lại phòng nghiên cứu tới 22-23h đêm, nhiều hôm kéo dài tới 1-2h sáng.
Thời gian này, TS Nguyễn Bá Hải cùng các cộng sự phát triển chuỗi cà phê Take-Away với công nghệ pha chế độc quyền Nhật - Việt - Ý lần đầu tiên tại Việt Nam để khai thác nguồn nguyên liệu dồi dào, chất lượng của Việt Nam. Đồng thời bộ thí nghiệm đa năng cho người học lập trình robot, robot sửa khuyết tật các đường cống, cùng nhiều dự án nghiên cứu, sáng tạo khác đồng loạt triển khai.