Vì sao xã hội chưa chấp nhận trường NCL?
Sau 20 năm tồn tại, số sinh viên của các trường ngoài công lập đã chiếm khoảng 17% tổng số sinh viên cả nước. Thế nhưng, hệ thống các trường này vẫn thiếu bền vững.
Nhìn thẳng vào những vấn đề của các trường ngoài công lập (NCL) tại hội nghị tổng kết 20 năm phát triển mô hình giáo dục ĐH NCL, GS Trần Hồng Quân - Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ NCL - cho rằng dù đã có những đóng góp đáng kể cho nền giáo dục nhưng hệ thống các trường ĐH, CĐ NCL chưa được cơ quan quản lý vui vẻ thừa nhận, xã hội chưa vui vẻ hoan nghênh.
“Mượn” thầy, “thuê” giáo sư
Vẫn còn không ít trường để xảy ra mâu thuẫn về quyền lợi, nảy sinh mất đoàn kết. Ở một số trường, các nhà đầu tư tài chính thuần túy nắm quyền làm chủ hoàn toàn; các nhà giáo, nhà khoa học trở thành người làm thuê. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Phạm Vũ Luận cũng công nhận thực tế là bên cạnh những trường tuyển sinh - đào tạo tốt thì cũng có một số trường NCL chỉ tuyển được dưới 100 thí sinh. Theo ông Luận, đó là những trường chưa quan tâm đúng mức đến xây dựng và phát triển đội ngũ giảng viên, chưa đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, chất lượng đào tạo còn hạn chế, chưa tạo được uy tín trong xã hội. Cá biệt, có một số trường, nội bộ mất đoàn kết kéo dài, làm mất môi trường sư phạm.
GS Trần Phương, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, phát biểu tại hội nghị Ảnh: Xuaan Trung
GS Trần Phương, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, không ngại ngùng chỉ thẳng: Có những trường ở tỉnh Nam Định đặt vấn đề “mượn” tên giảng viên của Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội để mở ngành học nhằm qua mặt Bộ GD-ĐT. Lại có những trường không có nổi một giáo sư nên phải “thuê” một giáo sư chuyên ngành hóa học làm hiệu trưởng dù trường hoàn toàn không đào tạo ngành này. Có trường còn “mượn” của sinh viên của trường khác để đào tạo!
Nhiều rào cản về cơ chế
Lý giải những khó khăn dẫn đến những yếu kém trong hoạt động của các trường NCL hiện nay, GS Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng Trường ĐH Dân lập Hải Phòng, ví von: Bộ GD-ĐT “một cửa” nhưng… nhiều khóa. “Chúng tôi chờ tự chủ, rồi chờ khảo sát, đánh giá rất lâu. Chưa bao giờ tôi có cảm giác càng làm càng khó như bây giờ. Trước đây, tất cả cùng xã hội hóa rất hưng phấn nhưng bây giờ chúng tôi như “dân phe phẩy” đi làm, chịu nhiều sức ép” - GS Nghị bức xúc.
GS Hoàng Xuân Sính, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Dân lập Thăng Long, nhấn mạnh chính các quy chế quy định hoạt động và tổ chức các cơ sở giáo dục ĐH NCL cùng với mạng lưới các trường ĐH hình thành trong 3 năm gần đây đã gây cản trở nhiều cho việc phát triển mô hình này. GS Sính dẫn chứng: Theo Luật Giáo dục ĐH vừa có hiệu lực, HĐQT các trường NCL phải có thêm thành viên mới, đó là người đại diện cho chính quyền địa phương nơi trường đặt trụ sở. “Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, người này có mặt trong HĐQT để trông nom tài sản chung của trường nhưng người này ở cấp nào, phường, quận hay tỉnh - thành, có am hiểu gì về giáo dục không? - GS Sính băn khoăn.
Sẽ có cơ chế cho trường ngoài công lập
Trước những bức xúc của đại diện các trường NCL, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết sắp tới đây, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, sau hội nghị tổng kết 20 năm hoạt động của các trường NCL, Bộ GD-ĐT sẽ trình Chính phủ cơ chế chính sách để tạo điều kiện phát triển cho các trường NCL. Tuy nhiên, ông Ga cũng cho rằng có 3 vấn đề lớn của các trường NCL nên bàn thảo và đưa ra phương pháp xử lý tập trung, đó là cơ chế chính sách, vấn đề tuyển sinh và việc xác định chiến lược để phát triển bền vững. Khó khăn trước mắt và vấn đề lớn nhất của các trường NCL hiện nay là việc tuyển sinh vì không tuyển được học sinh thì sẽ rất khó khăn trong hoạt động. Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, Bộ GD-ĐT đã lắng nghe Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ NCL và có điều chỉnh để số lượng thí sinh trên điểm sàn dồi dào hơn nhằm tạo nguồn tuyển cho các trường nhưng nhiều trường vẫn khó khăn. “Điều đó cho thấy không phải vì vấn đề học phí mà vì chất lượng. Các trường cần phân tích cụ thể xem nguyên nhân từ đâu” - ông Ga gợi ý.
Theo Nghị quyết 50 của Quốc hội, các trường ĐH, CĐ NCL không có cơ sở vật chất sẽ bị xem xét lại hoạt động. Chia sẻ vấn đề này, ông Ga nói có những trường thành lập tới 10 năm mà trụ sở vẫn phải đi thuê mướn, chắp vá, đó thực sự là bài toán cần phân tích, mổ xẻ.
Về lâu dài, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho rằng các trường cần bàn bạc để xác định chiến lược phát triển bền vững. “Hai mươi năm chưa phải là dài nhưng đủ để các trường nhìn lại xem đã phù hợp chưa, cái được và chưa được, làm sao để tiếp tục duy trì và phát triển” - ông Ga nói.
Cho phép tuyển sinh riêng Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết Bộ GD-ĐT đã và đang thực hiện các giải pháp như rà soát, đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, điều chỉnh quy hoạch mạng lưới các trường ĐH, CĐ trong cả nước. Bên cạnh đó cũng tháo gỡ khó khăn cho các trường trong việc được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp và các ưu đãi khác của nhà nước. Bộ trưởng Luận khẳng định: Nếu trường nào có phương án tuyển sinh khả thi, bảo đảm chất lượng nguồn tuyển thì bộ sẽ cho phép các trường thực hiện. |