Vì sao trường đại học nên lùi thời gian công bố kết quả xét tuyển sớm?
Trong phương án tuyển sinh năm 2025, Bộ GD&ĐT đề xuất các trường đại học chỉ được công bố kết quả xét tuyển sớm sau khi kết thúc chương trình và kế hoạch năm học.
Mới đây, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2020 - 2024 và chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, tại đây, Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) đưa ra đề xuất, các trường đại học không công bố kết quả xét tuyển sớm trước ngày 31/5, tức là, kết quả xét tuyển sớm chỉ được công bố sau khi kết thúc chương trình và kế hoạch năm học, tránh ảnh hưởng đến kỳ thi tốt nghiệp THPT và việc học tập của học sinh.
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, các trường sử dụng hơn 20 cách xét tuyển, chủ yếu là xét tuyển sớm (xét học bạ, chứng chỉ quốc tế...). Mỗi năm, khoảng 50% trong hơn 600.000 thí sinh vào đại học bằng cách này. Nhiều trường công bố điểm chuẩn xét tuyển sớm từ tháng 3, 4, thậm chí từ tháng 1. Căn cứ xét thường là điểm học bạ 3-5 học kỳ, không có kỳ II lớp 12 do học sinh chưa kết thúc năm học.
Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) đề xuất, từ năm 2025, kết quả xét tuyển sớm phải được công bố sau ngày 31/5. Ảnh minh hoạ
Sau khi Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) đưa ra đề xuất trên, đa số thầy cô các trường đại học và trường phổ thông bày tỏ đồng tình.
Trao đổi với PV Báo Sức khỏe và Đời sống, thầy Nguyễn Văn Đường - giáo viên Trường THPT Phú Xuyên A (huyện Phú Xuyên, Hà Nội) cho rằng, nếu đề xuất này được chấp nhận thì sẽ tạo công bằng cho thí sinh cũng như giữa các địa phương trên cả nước.
Theo thầy Đường, số học sinh đủ điều kiện đỗ đại học thông qua xét tuyển sớm bằng các phương thức xét điểm học bạ, điểm thi đánh giá năng lực, giải thưởng học sinh giỏi, điểm IELTS… có năm lên tới hơn 50%. Khi đó, thi tốt nghiệp THPT chỉ còn là điều kiện nên các em không chú tâm ôn luyện. Điều này dẫn đến tinh thần học tập cả lớp ở giai đoạn nước rút đi xuống rõ rệt, giáo viên cũng mất động lực trong khi vẫn còn học sinh muốn tập trung ôn thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển đại học.
Mặt khác, do các trường, các địa phương xây dựng khung chương trình không giống nhau cho nên có những môn học đến thời điểm tháng 3 sẽ còn rất ít tiết hoặc còn khối lượng khá nhiều, khi các em đã có kết quả xét tuyển thì trên lớp các em gần như không học nữa, như vậy sẽ làm ảnh hưởng đến những bạn thi tuyển mà không tham gia xét tuyển, cũng như công tác giảng dạy của nhà trường.
"Sau khi kết thúc năm học các trường đại học mới được công bố kết quả xét tuyển thì sẽ không làm khó các trường phổ thông trong mục tiêu giáo dục của họ mà vẫn đảm bảo công tác tuyển sinh, chất lượng đầu vào của mình", thầy Đường nêu quan điểm.
ThS. Phạm Doãn Nguyên - Giám đốc Trung tâm Phát triển kỹ năng và Hướng nghiệp, ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM cho rằng, ngoài tác động tiêu cực đến chất lượng dạy và học bậc THPT thì với các trường đại học, xét tuyển sớm cũng làm tăng lượng thí sinh ảo, các trường khó dự báo được tỷ lệ nhập học, gây nhiễu trong xét tuyển.
Liên quan đến đề xuất lùi công bố điểm trúng tuyển sớm, TS. Trần Mạnh Hà - Trưởng phòng Đào tạo, Học viện Ngân hàng bày tỏ đồng tình và cho rằng, các trường chỉ bớt chút lợi thế trong việc thu hút thí sinh sớm. Trong khi đó, tác động tích cực mà quy định này mang đến rất lớn, tạo sự công bằng cho thí sinh và giữa các trường đại học.
TS. Nguyễn Trung Nhân - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM cho biết, việc công bố kết quả xét tuyển sớm sau khi kết thúc chương trình học là phù hợp. "Tôi nghĩ không chỉ yêu cầu các trường không được công bố kết quả xét tuyển sớm trước ngày 31/5 mà nên quy định các trường không được công bố trước kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra, như vậy sẽ phù hợp hơn".
Nhiều trường đại học dự kiến sẽ bỏ xét tuyển học bạ từ năm 2025. Trong khi, hàng loạt trường đã không sử dụng phương thức này từ nhiều năm trước.
Nguồn: [Link nguồn]