Vì sao trẻ phải học trước lớp 1?
Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các chuyên gia giáo dục thực hiện đề án đổi mới chương trình - sách giáo khoa nên đi sâu khảo sát thực trạng việc dạy và học lớp 1, để biết rõ lý do vì sao trẻ phải học trước
Nhiều phụ huynh có con sắp vào lớp 1 đã phải chạy đôn chạy đáo tìm chỗ cho trẻ học chữ trong dịp hè này. Nỗi bức xúc của những phụ huynh có con học lớp 1 không cho trẻ học trước khiến các cháu bị đuối sức, phải chật vật, vất vả mới theo được chương trình đã được phản ánh khá nhiều. Cả thầy, trò và phụ huynh đều mệt mỏi.
Đuối vì chương trình lớp 1
Tình trạng phụ huynh phải cho con đi học chữ trước khi vào lớp 1 là một thực tế phổ biến trên cả nước, không chỉ ở các thành phố lớn mà còn cả những vùng nông thôn. Nếu không học trước ở lớp hay được gia đình dạy thêm ở nhà thì trẻ thường học đuối, không theo kịp chương trình. Đây là một thực tế mà Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cần phải nhìn nhận và tiếp thu những ý kiến đóng góp của mọi người, từ các chuyên gia giáo dục, thầy cô giảng dạy đến các bậc phụ huynh…
Học sinh lớp 1 chưa đọc thông viết thạo nhưng phải học khá nhiều môn. Ảnh: GIA THÙY
Một lãnh đạo Bộ GD-ĐT khẳng định chương trình giáo dục tiểu học hiện hành không quá tải so với trình độ nhận thức tâm sinh lý lứa tuổi học sinh, đồng thời cho rằng nguyên nhân chính của tình trạng bắt trẻ học trước chương trình lớp 1 là do bệnh thành tích của phụ huynh, giáo viên. Tôi nghĩ rằng nhận định này chưa hoàn toàn sát với thực tế.
Đúng là với chương trình tiếng Việt lớp 1, học sinh được học từ những chữ cái đầu tiên, học đọc, học viết các âm, ghép vần… Nhưng song song với việc bắt đầu học chữ cái, ghép vần thì ngay từ học kỳ I, học sinh đã phải học thêm các môn khác. Trong đó, toán, đạo đức, tự nhiên và xã hội là những môn mà nếu trẻ chưa biết đọc thành thạo sẽ rất lúng túng khi học và làm bài tập.
Đặc biệt với môn toán, rất nhiều thầy cô và phụ huynh than thở là chương trình quá nặng. Sách bài tập toán lớp 1 có rất nhiều trang với những bài tập và hình vẽ rắc rối, yêu cầu của đề bài mơ hồ, không rõ ràng nên rất nhiều phụ huynh không thể hiểu và giảng giải cho con mình một cách tường tận. Các bé học trước chương trình, đã biết ghép vần, biết đọc mà học còn chật vật, huống hồ những cháu chưa thuộc bảng chữ cái thì làm sao có thể đọc và hiểu được yêu cầu của đề bài? Đành rằng thầy cô có hướng dẫn nhưng ở lứa tuổi lớp 1, không phải học sinh nào cũng tập trung lắng nghe một cách đầy đủ nên giáo viên phải rất vất vả nhắc đi nhắc lại các yêu cầu, nội dung của bài học.
Sẽ rất khó khăn cho học sinh cũng như thầy cô giảng dạy vì mỗi bài tập phải chỉ dẫn cặn kẽ cách làm cho từng bé khi trẻ không tự mình đọc được các yêu cầu của đề bài. Với các lớp học có sĩ số phổ biến trên 40 học sinh, điều này là không thể. Những trẻ không nghe kịp thầy cô nói, không tự mình đọc được, nếu không được kèm cặp đặc biệt thì sức học sẽ đuối dần… Tất nhiên, cá biệt cũng có những học sinh thông minh, khả năng tập trung cao hơn một số cháu khác, dù chưa học trước vẫn có thể tiếp thu và theo kịp chương trình nhưng số này là không nhiều.
Cần xây dựng chương trình sát với thực tế
Vì vậy, Bộ GD-ĐT rất nên tham khảo ý kiến của các chuyên gia giáo dục về việc cần có một sự liên thông giữa 2 bậc mầm non và tiểu học. Bộ GD-ĐT nên xem xét theo 2 hướng:
Hướng 1: Đưa toàn bộ phần ghép vần của chương trình lớp 1 xuống lớp lá của cấp học mầm non, giám sát chặt chẽ việc dạy và học ở lớp học này như giám sát chương trình học ở phổ thông. Như vậy, các bé trước khi vào lớp 1 bắt buộc phải biết ghép vần.
Cháu nào không có điều kiện học lớp lá và chưa nhận biết được chữ cái, chưa biết ghép vần sẽ được xếp lớp riêng và có chương trình phụ đạo đặc biệt. Đồng thời, giảm tải một số nội dung của chương trình lớp 1 hiện hành, đặc biệt là cải tiến cách thiết kế nội dung chương trình của sách giáo khoa môn toán.
Hướng 2: Học kỳ I của lớp 1, trẻ chỉ học chữ cái, ghép vần, tập viết và các môn nhạc, họa, thủ công. Có thể coi học kỳ I của lớp 1 là giai đoạn chuyển tiếp như lớp “Vỡ lòng” của nhiều năm trước.
Chỉ khi đã biết đọc (học kỳ II), trẻ mới học thêm các môn toán, đạo đức, tự nhiên và xã hội. Nội dung những môn học này của chương trình lớp 1 cần được giảm tải và điều chỉnh cho phù hợp. Các lớp tiếp theo của cấp tiểu học là 2, 3, 4, 5 thì chương trình học cũng cần điều chỉnh tương ứng.
Bộ GD-ĐT đang xây dựng đề án đổi mới chương trình - sách giáo khoa phổ thông mới. Rất mong trước khi xây dựng chương trình, Bộ GD-ĐT và các chuyên gia giáo dục làm đề án đi khảo sát thực trạng việc dạy và học lớp 1, lớp lá ở bậc mầm non trên cả nước để có một cái nhìn xác thực hơn, đặc biệt là để chấm dứt tình trạng trẻ phải học trước chương trình khi vào lớp 1.
Nguyễn Thị Dung (Giảng viên Trường CĐ Công Thương TP HCM)