Vì sao tiến sĩ non kém, ra Hội đồng vẫn “thoát”?
“Nếu Hội đồng chấm luận án tiến sĩ còn dính vào cơ chế phong bì thì còn chết, thà rằng nhà nước trả người hướng dẫn một khoản tiền lớn còn hơn để họ nhận phong bì rồi cho “ra lò” tiến sĩ kém”, GS.TS. Phạm Tất Dong chia sẻ.
GS.TSKH. Phạm Tất Dong, Phó chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam
Sau khi dư luận xôn xao về việc không đảm bảo chất lượng trong đào tạo tiến sĩ tại Việt Nam trong thời gian qua, Bộ GD-ĐT yêu cầu rà soát về chất lượng đào tạo. Nhiều chuyên gia giáo dục ủng hộ và mong muốn Bộ GD-ĐT sớm rà soát, tìm nguyên nhân khiến nhiều tiến sĩ còn yếu kém vẫn được “ra lò”.
Chất lượng lỏng lẻo
GS.TSKH. Phạm Tất Dong, Phó chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam cho biết, ông rất hoan nghênh động thái “rà soát tiến sĩ” của Bộ GD-ĐT.
Theo ông Dong, hiện tại Việt Nam còn nhiều lỗ hổng trong đào tạo tiến sĩ, chất lượng và trình độ chuẩn tiến sĩ còn quá lỏng lẻo, nhiều tiến sĩ không nắm được kiến thức xã hội, trình độ ngoại ngữ non kém nhưng vẫn được Hội đồng cho qua.
“Tôi không hiểu sao nhiều tiến sĩ chất lượng kém như thế vẫn được Hội đồng cho qua, thậm chí nhiều tiến sĩ không thể viết được một bài báo bình thường”, GS.TS. Phạm Tất Dong bức xúc.
Phó chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam cho rằng, trình độ tiến sĩ non kém do người hướng dẫn không có trách nhiệm. Họ chỉ có trách nhiệm làm thế nào giúp tiến sĩ ra Hội đồng “thoát”, bảo vệ thành công.
Bên cạnh đó, nhiều nơi đào tạo nhưng không đủ người đúng chuyên môn để chấm luận án. Người chấm có thể khác ngành với luận án được bảo vệ, có khi trong một hội đồng có tới 3, 4 chuyên môn khác nhau.
Ngoài ra, theo ông, ngành giáo dục quản lý không chặt, chưa công minh, còn dính cơ chế phong bì. Thà rằng nhà nước trả cho người hướng dẫn một khoản tiền lớn còn hơn để họ nhận phong bì rồi cho “ra lò” tiến sĩ kém. Tuy nhiên, chế độ cho người hướng dẫn, người chấm còn quá rẻ mạt nên người hướng dẫn chỉ làm cho xong.
Do đó, để công minh, người hướng dẫn nên quy định: Làm luận án tiến sĩ mà tiếng Anh, tiếng Pháp không đảm bảo sẽ không cho bảo vệ; Tiến sĩ phải chỉ ra khối lượng kiến thức mà một nghiên cứu sinh phải nắm trong một lĩnh vực.
“Xã hội kêu là đúng”
Theo ông Dong, ngành giáo dục nên kiểm tra cách tiến sĩ thi cử chặt chẽ sao cho 24.000 tiến sĩ trên cả nước phải có 20.000 người giỏi có đóng góp cho xã hội. Tuy nhiên, trên thực tế, con số này ngược lại. Số tiến sĩ ra đời có tác dụng quá mờ nhạt.
“Tôi chỉ sợ nếu thêm tiến sĩ nhiều nữa mà tình hình xã hội, văn hóa vẫn không đáp ứng được thì hỏng. Xã hội kêu là đúng”, ông Dong nói.
Trong khi đó, GS.TSKH. Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, ĐH Quốc gia Hà Nội cũng nhận định, hiện nay có nhiều tiến sĩ trôi nổi, đua chen làm bằng cấp, trong khi xã hội chưa chắc đã cần.
GS.Vũ Minh Giang chia sẻ, theo kinh nghiệm của ông, không phải công việc nào cũng cần đến trình độ tiến sĩ khoa học, nhất là có thời kỳ chúng ta đề bạt dựa vào bằng cấp - một tiêu chí hình thức, không có, không đề bạt. Do đó, không nhất thiết phải chạy đua học tiến sĩ.
Vì thế, theo ông, Bộ GD-ĐT phải rà soát chất lượng đào tạo tiến sĩ xem nguyên nhân nào khiến tiến sĩ không phát huy được tác dụng. Hơn nữa, ngành giáo dục muốn đào tạo tiến sĩ, không nên chạy theo số lượng mà nên chạy theo chất lượng.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT cho biết, từ năm 2015, Bộ GD-ĐT đã có kế hoạch dự thảo Quy chế đào tạo trình độ tiến sĩ mới. Chẳng hạn: Những vấn đề về đào tạo tiến sĩ theo hình thức tập trung, giảm số nghiên cứu sinh, giảng viên là tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư… cũng được đặt ra. Theo bà Phụng, dư luận bất an về chất lượng đào tạo là điều tích cực. Nếu xã hội quan tâm đến chất lượng đào tạo thì sẽ tạo ra yêu cầu, sức ép, buộc các cơ sở đào tạo phải đầu tư tốt hơn và khắt khe hơn trong đánh giá để nâng chất lượng. Do đó, nếu cơ sở nào không đủ điều kiện sẽ phải tự dừng tuyển sinh từ tháng 6/2016 đối với các ngành không còn đủ điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo theo quy định hiện hành. |