Vì sao phụ nữ thường hay nuông chiều con?
Trong quá trình nuôi dạy, phụ nữ thường có một nhược điểm là hay nuông chiều con. Có phải vì phụ nữ yêu con hơn đàn ông hay vì lý do gì?
Khi đứa trẻ mang nước mắt ra “dọa” người lớn
Mặc dù mới lên 3 tuổi, nhưng bé Bông con chị Nguyễn Mai Hoa ở quận Hoàng Mai (ở Hà Nội) đã có khả năng bắt nạt người khác. Cách mà bé Bông thường bắt nạt người khác đó là dùng… nước mắt. Bé thường gào lên mỗi khi ai đó làm trái ý bé. Đang thi chạy với một bé hàng xóm, nhỡ bé kia chạy trước là bé Bông sẽ lăn quay ra khóc lóc thảm thiết. Sang nhà hàng xóm, bé Bông leo lên bàn để nhảy từ bàn xuống. Sợ bé Bông ngã, lại không có bố mẹ ở đó trông nên chị Na (chủ nhà) nhẹ nhàng bảo bé Bông: “Bé Bông nhảy như vậy rất nguy hiểm, bị ngã gãy chân gãy tay đấy. Bé không được nhảy nữa nhé”. Nghe vậy, bé Bông lập tức chạy về nhà và khóc òa lên. Mẹ bé hỏi “Sao con khóc?”, bé Bông liền chỉ tay sang nhà chị Na nói: “Cô Na bắt nạt”. Sợ bố mẹ bé Bông hiểu nhầm nên chị Na phải chạy sang nhà chị Hoa giải thích. Sau khi biết rõ lý do vì sao con mình khóc, biết việc chị Na không cho nhảy từ bàn xuống là đúng nhưng chị Hoa vẫn quay sang nói với bé Bông: “Ừ, mẹ biết rồi. Cô Na không cho con nhảy phải không? Nín đi rồi mẹ xử lý cô Na cho”.
Một lần khác chị Na và chị Hoa rủ nhau đưa con đi ăn quán (con chị Na cũng trạc tuổi con chị Hoa). Lúc đang ăn, bé Bông bị ngã từ trên ghế xuống. Mặc dù chỉ ngã nhẹ nhưng bé Bông gào khóc rất to. Thấy con khóc, chị Na liền lấy tay đánh vào cái ghế mấy cái rồi nói với bé Bông: “Cái ghế này hư này, làm bé Bông ngã. Mẹ xử lý rồi đấy, con nín đi”?!
Gia đình bé Bông và gia đình chị Na chơi khá thân nên những trò khóc lóc mách lẻo của bé Bông không ảnh hưởng gì tới mối quan hệ láng giềng. Một số lần chị Na nhắc chị Hoa không nên chiều con kiểu đó nhưng chị Hoa bảo con nít, nó biết gì nên chị Na thôi không nói nữa. Tuy nhiên, cách chiều con của chị Hoa đã khiến cho chị chịu hậu quả đầu tiên. Đó là mỗi khi làm trái ý con cái gì thì chị đều phải chịu cảnh bị con bé hành hạ bằng trò khóc lóc. Bé chỉ nín khi nào mẹ xử lý “đối tượng”. Đối tượng đó có thể là cái ghế, là cái ti vi, có thể là bé hàng xóm, có thể là cả chính mẹ bé…
Điều nguy hiểm của việc nuông chiều con của chị Hoa không chỉ khiến cho bé Bông trở nên khó bảo hơn mà còn khiến cho bé không biết phân biệt đúng, sai; cái gì nên cái gì không nên thậm chí còn dạy bé cách “bẻ cong” sự thật theo ý chí của bản thân mình.
Thực tế không chỉ chị Hoa mà chị em nói chung thường hay mắc bệnh quá nuông chiều con của mình. Trong mắt các bà mẹ, con mình lúc nào cũng là nhất, là xinh đẹp nhất, là thông minh nhất. Khi con đánh nhau với trẻ hàng xóm, bà mẹ nào cũng chỉ biết xót xa cho con mình, chỉ thấy con mình là tội nghiệp, chỉ thấy cái sai của con hàng xóm còn con mình là đúng hết. Chính bởi vậy nên dân gian mới có câu “con hát mẹ khen hay”. Hay sâu xa hơn, khi nói về nhược điểm này ở phụ nữ, các cụ xưa có câu “con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”.
Nuông chiều con-nhược điểm của người mẹ
Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Diệu Hoa, Tổng đài tư vấn tâm lý 1088, ý nghĩa của câu “con hư tại mẹ, cháu hư tại bà” ngẫm thật sâu thì thấy có phần đúng. Đúng ở chỗ là câu thành ngữ đã đề cập đến một khía cạnh tâm lý ở phụ nữ, cụ thể hơn là đề cập đến nhược điểm trong vấn đề dạy dỗ con cái ở họ. Phụ nữ thường có một nhược điểm rất lớn là họ thường yêu con vô điều kiện, yêu một cách mù quáng, thiếu lý trí. Không chỉ trong tình yêu đôi lứa mà ngay trong mối quan hệ mẹ con, bà cháu; phụ nữ cũng thường thiếu sáng suốt hơn. Vì quá yêu mà họ thường cưng chiều con cháu của mình. Mà theo lôgic tâm lý trong việc dạy dỗ giáo dục con cái thì sự cưng chiều bao giờ cũng mang lại những điều tai hại cho đứa trẻ đó. Một đứa trẻ được nuông chiều thường là những đứa trẻ thiếu chí khí, lười biếng, ỉ lại, hay đòi hỏi, thích hưởng thụ và thường sống theo phương châm người khác phải theo ý mình. “Hư” là hư theo ý này.
Khác với phụ nữ, đàn ông họ cũng rất yêu con nhưng họ thường nghiêm khắc với con hơn. Lý do là bởi, trong tình yêu đàn ông thường lý trí và rõ ràng hơn phụ nữ (Tình yêu đó là bao gồm cả việc yêu con). Phụ nữ có thể vì thương con, họ có thể làm tất cả vì con, có thể hy sinh cả bản thân mình cho mạng sống của con. Thế nhưng, cũng vì yêu con nên chị em cũng có thể “nhắm mắt” khi con phạm lỗi, có thể “nhắm mắt” cho con ăn thêm chiếc bánh ngọt trong khi đứa trẻ đang mắc bệnh béo phì chỉ vì một lý do ấm ớ đó là vì “con nó thèm quá”.
Ở đàn ông, họ cũng rất yêu con, nhưng với họ một là một, hai là hai. Một khi họ đã nói với đứa con của họ rằng, con không được làm điều này thì bất di bất dịch điều đó không thay đổi. Đàn ông ít khi vì thương con mà cho phép đứa con vi phạm chính nguyên tắc mà họ đã đề ra. Ngược lại, chị em phụ nữ lại là “chúa” của việc hay đề ra nguyên tắc nhưng lại hay cho phép đứa trẻ vi phạm nguyên tắc đó. Lý do là bởi, bản năng của người mẹ khi yêu con nhiều khi tình cảm đã lấn át lý trí của họ.
Không chỉ trong tình yêu đôi lứa mà ngay cả trong tình yêu con cái, giữa đàn ông và phụ nữ đã có sự khác biệt trong ứng xử. Đàn ông thường duy ý chí, còn phụ nữ lại dễ bị duy tình, lụy tình. Thế nên các cụ xưa có câu “đàn ông nông cạn giếng khơi, đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu” là cũng chính bởi lý do này.
Trẻ nhỏ thường không tránh được những điều sai trái. Tuy nhiên sự bao dung và tình yêu mù quáng sẽ dễ làm...