Vì sao phải chạy trường?

Chất lượng các trường công khác nhau nên phụ huynh hoặc phải chạy đua hoặc phải chấp nhận cho con mình vào trường chất lượng không tốt.

Bé Ngân, con chị H. Thy, ngụ quận Gò Vấp - TPHCM, năm nay vào lớp 1. Theo tuyến, cháu sẽ học ở Trường Tiểu học Chi Lăng của quận nhưng chị Thy lại muốn xin cho cháu học ở Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, quận 1. Chị Thy cho biết mình công tác tại một ngân hàng có văn phòng tại quận 1. Nếu con chị được chấp nhận học ở quận 1 sẽ rất thuận lợi cho việc đưa đón cháu, đồng thời chị cũng rất hài lòng vì đây là trường “nổi tiếng”.

Đang nóng

Để đạt được mục đích, chị Thy cho biết từ tháng 3, chị đã vận dụng hết các mối quan hệ, từ bạn bè đến đồng nghiệp, hễ ai có dây mơ rễ má với lãnh đạo trường hoặc lãnh đạo ngành giáo dục là tìm đến nhưng đến thời điểm này vẫn chưa có kết quả.

Cơn sốt chạy trường của phụ huynh đã thực sự nóng vào những ngày đầu tháng 4. Hàng loạt tên trường được đưa vào “tầm ngắm” của phụ huynh như Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Ngọc Hân, Đinh Tiên Hoàng (quận 1); Hoàng Diệu, Lương Thế Vinh (quận  Thủ Đức); Đinh Tiên Hoàng (quận 9); Chính Nghĩa, Bàu Sen (quận 5)…; THCS Nguyễn Du (quận 1), Nguyễn Du (quận Gò Vấp); Lê Văn Tám (quận Bình Thạnh), Hồng Bàng (quận 5)... Họ đang tìm mọi cách để kiếm một chỗ học cho con trong năm học tới.

Vì sao phải chạy trường? - 1

Trong giờ học của học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Võ Trường Toản, quận 10 - TPHCM
Ảnh: Tấn Thạnh

TS Lê Ngọc Điệp, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD-ĐT TPHCM), cho rằng hiện các gia đình trẻ chỉ 1 hoặc 2 con nên ai cũng muốn đầu tư những gì tốt nhất cho con mình, đặc biệt là chỗ học. Vì vậy, chạy trường là nhu cầu chính đáng của phụ huynh. Tuy nhiên, TS Điệp cũng cho rằng chất lượng giáo viên bậc tiểu học ở TPHCM rất đồng đều. Ở những trường ít học sinh (HS), giáo viên càng có điều kiện chăm sóc HS.

Ông Đinh Thiện Căn, Trưởng Phòng GD-ĐT quận 1, cho rằng nếu phụ huynh chọn trường vì giáo viên thì không hẳn các trường có tiếng lại có giáo viên giỏi, điển hình như qua các kỳ thi giáo viên giỏi ở quận 1, những giáo viên đạt giải lại là những giáo viên ở các trường không mấy tên tuổi.

Ngoài yếu tố giáo viên, các yếu tố khác như cơ sở vật chất của trường, điều kiện dạy học, các hoạt động ngoài giờ lên lớp… đã tác động không nhỏ đến việc chạy trường của phụ huynh bởi HS đến trường không chỉ học mà các em còn cần được vui chơi. Thực tế hiện nay rất nhiều trường không đáp ứng được yêu cầu đó.

Vực dậy các trường yếu

Nhiều năm nay trong những văn bản do UBND TPHCM ban hành về tuyển sinh đầu cấp đều nghiêm cấm các trường tiểu học nhận HS trái tuyến. Tuy nhiên, vẫn có nhiều HS được vào trường khác tuyến với những cách thức riêng.

Ở những “điểm nóng” về tuyển sinh, quy định HS trong tuyến phải có hộ khẩu mới được gọi nhập học dường như không còn chặt chẽ khi Luật Cư trú mới có hiệu lực. Bà Võ Ngọc Thu, Trưởng Phòng GD-ĐT quận 5, cho biết có những năm, quận bất ngờ khi phát sinh quá nhiều HS trong tuyến vào một số “trường điểm”. Những trường hợp này đều có hộ khẩu trong tuyến hẳn hoi. Tuy nhiên, qua kiểm tra thì phát hiện đây là những HS chuyển hộ khẩu về địa bàn để đúng tuyến vào trường này, trường kia. Khắc phục tình trạng này, năm nay phòng sẽ phối hợp ban chỉ đạo tuyển sinh các phường quản lý chặt chẽ hộ khẩu HS. Thời gian nhập hộ khẩu của học sinh phải từ tháng 1-2013 trở về trước và kèm theo những yêu cầu khác, như người nhập hộ khẩu phải có quan hệ huyết thống, trực hệ với chủ hộ... mới được chấp nhận.

Ngoài cách chạy trường bằng hộ khẩu, hiện nay xuất hiện những phụ huynh vung tiền, tự nguyện làm mạnh thường quân tài trợ cho trường. Cách làm này được cho là hiệu quả hơn chạy trường bằng hộ khẩu.

Thực tế cho thấy những trường được phụ huynh tìm đến đều là những trường “nhà giàu”. Ngoài khoản đầu tư từ ngân sách công, những trường này tận dụng được khá nhiều đóng góp của phụ huynh. Điều này khiến các trường càng có điều kiện đầu tư được nhiều hơn cho dạy, học và trường nghèo thì vẫn tiếp tục khó khăn.

Nghịch lý trường giàu - nghèo

TS Nguyễn Kim Dung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TPHCM, cho rằng chất lượng các trường công có sự khác biệt nên phụ huynh hoặc phải chạy trường hoặc phải chấp nhận cho con mình vào các trường chất lượng không tốt, vì vậy mà tình trạng chạy trường cứ thế diễn ra. Trong khi đó, có thực trạng trường tốt lại nằm ở khu vực phụ huynh có điều kiện kinh tế, đưa đến nghịch lý là có nhiều trường “sống” được mà không cần ngân sách Nhà nước, trường khác thì lại rất cần.

Muốn tránh chạy trường thì “chiếc bánh” ngân sách do Nhà nước đầu tư cần phải thay đổi. Phải tập trung đầu tư và vực dậy các trường yếu trong thời gian nhất định. Nếu không thay đổi được tình hình thì phải áp dụng các biện pháp như thay quản lý, cũng là biện pháp mà nhiều nước trên thế giới đang áp dụng và rất hiệu quả để vực dậy các trường yếu.

Tình trạng chạy trường ở TPHCM không có hồi kết nếu không có biện pháp nâng cao chất lượng các trường nghèo, trường yếu.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đặng Trinh (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN