Vì sao ngôi trường được đầu tư nghìn tỷ lại “ế” sinh viên?

Sự kiện: Giáo dục

Trường Đại học Thủy lợi cơ sở mới ở Phố Hiến (Hưng Yên) được xây dựng với tổng kinh phí trên 1.100 tỷ đồng. Dự án đáp ứng nhu cầu học tập cho 13.400 sinh viên. Tuy nhiên khi đi vào hoạt động thì trường lại vắng bóng sinh viên.

Dự án có tổng kinh phí 1.125,112 tỷ đồng. Trong đó vốn vay ADB là 979,021 tỷ đồng, vốn ngân sách nhà nước là 138,477 tỷ đồng; vốn trường Đại học Thủy lợi là 7,613 tỷ đồng.

Sau khi dự án hoàn thành, tháng 2/2017 nhà trường đã tổ chức đào tạo học kỳ 2 cho toàn bộ sinh viên khóa 58 tại cơ sở mới ở Hưng Yên với số lượng gần 3.000 sinh viên. Tuy nhiên, việc điều chuyển này đã tác động lập tức đến công tác tuyển sinh.

Vì sao ngôi trường được đầu tư nghìn tỷ lại “ế” sinh viên? - 1

Trường Đại học Thủy lợi cơ sở 2 ở Hưng Yên 

Cụ thể, tháng 8/2017, lần đầu tiên trường Đại học Thủy lợi không tuyển đủ số lượng theo chỉ tiêu, chỉ được khoảng 70%

Có ý kiến cho rằng, khi có nguồn vốn vay ưu đãi của ADB, nhà trường cứ xin mà không tính toán đến tính khả thi, mức độ cần thiết, hiệu quả của dự án?

Liên quan đến việc này, GS.TS Trần Viết Ổn, Phó hiệu trưởng trường Đại học Thủy Lợi khẳng định: “Nếu nói cứ có dự án là xin thì không thể qua được "cửa ải" của rất nhiều bộ ngành như Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trước hết, dự án phải khả thi, thuyết phục, để hình thành dự án phải qua ý kiến của các Bộ, đặc biệt Bộ Xây dựng thẩm định rất kỹ”.

Ông Ổn cho biết, chủ trương xây dựng cơ sở mới của trường Đại học Thủy lợi đã được khởi động từ năm 2005 nhằm đáp ứng "Chiến lược phát triển trường Đại học Thủy lợi giai đoạn 2006 - 2020 với quy mô đào tạo đến năm 2020 của trường là 22.420 sinh viên. Trong khi đó, cơ sở 175 Tây Sơn (Hà Nội) không đạt yêu cầu về các chỉ tiêu như giảng đường, thư viện, ký túc xá, mặt bằng đất đai… làm hạn chế chất lượng đào tạo.

Trước nhu cầu bức thiết về đáp ứng cơ sở vật chất, mặt bằng cho phát triển nhà trường, ngày 1/12/2005, trường Đại học Thủy lợi có văn bản số 1178/ĐHTL-TH gửi UBND tỉnh Hà Tây về việc xin cấp đất cho trường Đại học Thủy lợi.

Sau đó, đến năm 2006, UBND tỉnh Hà Tây có văn bản đồng ý về chủ trương thực hiện "Đề án mở rộng trường Đại học Thủy lợi đặt tại địa bàn huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây”.

Tuy nhiên do khó khăn về việc bố trí nguồn vốn đền bù giải phóng mặt bằng tại huyện Chương Mỹ nên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị chuyển địa điểm đầu tư dự án Xây dựng cơ sở mở rộng trường Đại học Thủy lợi về khu Đại học Phố Hiến, tỉnh Hưng Yên và được Chính phủ đồng ý ngày 23/9/2011.

Dự án có tổng kinh phí 1.125,112 tỷ đồng, đáp ứng giảng đường, lớp học và hạ tầng cơ sở cho 13.400 sinh viên, chỗ ở ký túc xá cho khoảng 30% số sinh viên

Đến tháng 12/2017, trường Đại học Thủy lợi đã trình Bộ NN&PTNT phê duyệt quyết toán các gói thầu của dự án và về cơ bản nguồn vốn đã được quyết toán xong

Hiện tại, trường đang tổ chức đào tạo Giáo dục Quốc phòng an ninh cho sinh viên K59. Cho sinh viên thực hành, thực tập môn học và làm đồ án tốt nghiệp tại cơ sở mở rộng mới ở Hưng Yên. Di chuyển văn phòng đại diện của một số đơn vị tổ chức sản xuất, nghiên cứu, thực hiện đề tài về cơ sở Hưng Yên, một số môn học đã được triển khai giảng dạy tại cơ sở Hưng Yên.

Vì sao ngôi trường được đầu tư nghìn tỷ lại “ế” sinh viên? - 2

GS.TS Trần Viết Ổn, Phó hiệu trưởng trường Đại học Thủy Lợi 

Tuy nhiên, ông Ổn cũng thừa nhận việc đưa cơ sở mới vào hoạt động còn gặp nhiều khó khăn do trường Đại học Thủy lợi là trường đầu tiên tổ chức đào tạo tại khu Đại học Phố Hiến nên bị tác động bởi nhiều yếu tố. " "

Hơn nữa, việc kết nối giao thông chưa có, nên sinh viên đến cơ sở mới học tập sẽ rất khác so với ở Hà Nội, xa bạn bè ở các trường đại học khác, chưa có môi trường học tập tập trung, sinh viên không có cơ hội tìm việc làm thêm. Bên cạnh đó, tâm lý của đa số sinh viên vẫn thích được học tập tại các khu đô thị tập trung như Thủ đô Hà Nội.

 “Chúng tôi lường trước được khó khăn đi lại của các em nhưng tác động thì nằm ngoài suy nghĩ. Chủ yếu do tâm lý của các em”, ông chia sẻ.

Tuy nhiên, cũng theo GS Ổn, bên cạnh những ý kiến tiêu cực thì nhiều sinh viên chia sẻ lại thích học ở Hưng Yên vì thực tế không gian học tập ở Hưng Yến khá tốt, phòng ốc rộng rãi, khu nội trú được trang bị đầy đủ các thiết bị, có nóng lạnh… giống như khu tập thể gia đình. Mùa hè chỉ cần mở cửa thì không cần dùng đến quạt.

Đặc biệt, kỳ đầu tiên của các sinh viên xuống cơ sở mới học lại có kết quả học tập tốt hơn vì các em ít đi chơi, tập trung học.

“Suy cho cùng, chủ yếu là tâm lý của sinh viên, một số các vấn đề về nội tại khu vực chưa đáp ứng yêu cầu. Chúng tôi tin chắc vài ba năm nữa câu chuyện sẽ khác”, ông Ổn nhấn mạnh.

Để khai thác hiệu quả cơ sở mới ở Phố Hiến, lãnh đạo nhà trường cho biết, việc ưu tiên hàng đầu là giải quyết vấn đề tâm lý và tạo nguồn thu nhập cho sinh viên.

“Trước đây chúng tôi tiếp cận theo hướng ngay lập tức, tức là ngay sau khi có dự án, chuyển sinh viên xuống đào tạo. Do tính nóng vội nên có tác động ngược trở lại. Nay chúng tôi học tập kinh nghiệm của trường Đại học Nguyễn Tất Thành (TP Hồ Chí Minh), tiếp cận từ từ, làm công tác tư tưởng tốt cho sinh viên, đầu tiên chuyển bộ phận thực hành, thực tập, sau đó chuyển theo môn, từng lớp, từng kỳ, cả khóa… như vậy sẽ lấp đầy được sinh viên, đảm bảo chất lượng đào tạo.

Sinh viên trường Thủy lợi chủ yếu là con em nông dân nên các em rất bươn chải. Thay vì đi làm thêm, trường chủ trương miễn giảm học phí, cung cấp chỗ ở cho các em đào tạo ở Hưng Yên”, GS. Ổn cho biết.

Bên cạnh đó, trường đã đầu tư 3 tỷ đồng để xây dựng sân bóng cỏ nhân tạo, dụng cụ thể dục thể thao, sân bóng rổ, bóng chuyền… và đầu tư, kết nối hệ thống thư viện.

Mặt khác, nhà trường dự kiến sẽ đầu tư khu thử nghiệm ngoài trời, khu thí nghiệm công nghệ cao, khu thực hành, thực tập

“Đây là điều kiện sống còn để nâng cao chất lượng đào tạo, năng lực khoa học công nghệ của trường mà chỉ duy nhất ở Hưng Yên mới có, các trường ở Hà Nội không có”, GS. Ổn nói.

Thầy Ổn cũng cho biết, hiện tại có một số trường như trường Đại học Giao thông vận tải, Y học cổ truyền… cũng đã có kế hoạch chuyển về Hưng Yên. Nếu có thêm các trường đại học về đây thì tâm lý sinh viên sẽ được cải thiện.

“Với cách tiếp cận như vậy, 3-4 năm nữa cơ sở Hưng Yên sẽ lấp đầy sinh viên”, GS.TS Trần Viết Ổn cho hay.  

Hà Nội:Ký túc xá nghìn tỷ bỏ hoang

Sau gần 6 năm triển khai, dự án khu ký túc xá tập trung Pháp Vân-Tứ Hiệp (quận Hoàng Mai, Hà Nội) được đầu tư gần 1.900...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thùy (Infonet)
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN