Vì sao nên đồng ý cho học sinh nghỉ học vì stress?

Sự kiện: Giáo dục

 Nhiều nhà quản lý giáo dục, sư phạm, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm vẫn rất loay hoay và bối rối khi xử lý đơn xin nghỉ phép không phải vì bệnh lý cơ thể mà là do tâm bệnh. 

Sức khỏe tâm lý cần được săn sóc

Theo đó, đề thi có 2 câu hỏi, câu Nghị luận 8 điểm (câu 1) yêu cầu thí sinh trình bày quan điểm của mình về việc “nhà trường có nên chấp nhận những lý do nghỉ học như tác giả bài viết nêu ra hay không?”. Cụ thể, nội dung câu hỏi như sau:

Trên báo Hoa Học Trò số 1391 ra ngày 12-9-2022, tác giả Khánh An có bài viết "Cảm xúc" cũng cần được nghỉ ngơi như" cảm cúm". Trong đó, tác giả bài viết có kể lại câu chuyện bản thân từng viết đơn xin phép nghỉ học vì lý do đang cảm thấy buồn bã, bị stress. Nhưng lý do đó không thuyết phục được giáo viên. Theo anh/chị, nhà trường có nên chấp nhận những lý do nghỉ học như tác giả bài viết nêu ra hay không? Vì sao?

Ở cương vị là chuyên viên tham vấn học đường, giảng viên Tâm lý học ở Trường Đại học Sư phạm, tôi “đồng ý” ngay khi đứng trước câu hỏi trên. Vì hơn ai hết, tôi hiểu cảm giác đến trường trong tâm trạng chán nản, tinh thần vật vờ, hứng thú học tập bằng không. Kinh nghiệm tham vấn và tiếp xúc với học trò, phụ huynh các cấp, đặc biệt là các sinh viên sư phạm – giáo viên tương lai từ những lần tham vấn stress, lo âu, trầm cảm ở học sinh trong hơn 10 năm qua càng “đóng đinh” chặt hơn lựa chọn này của tôi.

Trong một diễn biến khác, khi tôi đặt câu hỏi Sau này, nếu học sinh buồn hay stress các em có đồng ý cho học sinh nghỉ học hay không? Vì sao? cho gần 100 sinh viên sư phạm đa dạng chuyên ngành mà tôi đang dạy thì câu trả lời tôi nhận được là “đồng ý” với tỉ lệ 100%.

Rất nhiều lý do được đưa ra nhằm giải thích cho lựa chọn của mình, dưới đây là một số lý do nổi trội:

Bạn Hoàng Lộc (sinh viên ngành sư phạm Toán, Đại học Sư phạm TP.HCM) phân tích: “Nếu như học sinh bị stress, căng thẳng mà mình cứ ép học sinh đi học thì sẽ ảnh hưởng không tốt đến tâm lý của các em, nên cho học sinh nghỉ để ổn định tinh thần, sau đó việc học tập của các em sẽ hiệu quả hơn”.

Trong khi đó, bạn Diễm Hằng (sinh viên ngành sư phạm Toán, Đại học Sư phạm TP.HCM) nhận định: “Cảm xúc của học sinh hầu như quyết định khả năng tập trung vào mọi việc (lĩnh hội tri thức), vì vậy, nếu học sinh ở trong trạng thái stress sẽ không đạt được hiệu quả của dạy và học. Do đó, việc cho học sinh nghỉ học để các em có thể ổn định cảm xúc là việc nên làm để tránh đẩy các em đến tình trạng stress nặng hơn hay thậm chí là khủng hoảng tâm lý”.

Nhiều sinh viên sư phạm cũng bày tỏ: Nếu tình trạng của học sinh không quá nghiêm trọng đến mức phải tách khỏi trường lớp, bạn bè thì việc đến trường và được thông báo về tình trạng tâm lý, kêu gọi sự quan tâm từ mọi người xung quanh sẽ tốt hơn để học sinh ở nhà một mình, gia tăng lý do khiến học sinh muốn tới trường. Thêm nữa, để tránh những bạn “giả vờ buồn/stress” ăn theo xin nghỉ thì gia đình cần quan sát và hỏi thăm con để không chiều lòng đứa trẻ chỉ vì chúng lười học, viện lý do.

Với cách trả lời đầy đồng cảm, tinh tế như vậy, tôi kỳ vọng, các sinh viên của mình sẽ là những nhà giáo thấu tình, đạt lý trong tương lai.

Chuyên gia tâm lý Lê Minh Huân đồng tình nên giải quyết việc xin nghỉ học cho học sinh bị stress. Ảnh minh họa: HOÀNG GIANG

Chuyên gia tâm lý Lê Minh Huân đồng tình nên giải quyết việc xin nghỉ học cho học sinh bị stress. Ảnh minh họa: HOÀNG GIANG

Thực tế, xét về lý, thật khó để đo đạc mức độ bất ổn hoặc tổn thương về tinh thần, tâm lý để đưa ra quyết định chấp thuận hay không việc học sinh xin nghỉ phép khi cảm thấy buồn, áp lực, lo sợ. Các tiêu chí đo lường còn nhiều bất cập và đội ngũ xác định/đánh giá các vấn đề tâm lý cũng hạn chế rất nhiều so với hệ thống y, bác sĩ thăm khám, kiểm tra các bệnh lý cơ thể.

Do đó, công tác đánh giá sức khỏe tâm thần, đặc biệt là khó khăn/rối loạn tâm lý rất ít được quan tâm chẳng hạn như: lo âu, stress học đường, trầm cảm trẻ em…

Xét về mặt chuyên môn/tâm lý mà nói, lo âu, rối loạn lo âu, áp lực học tập, stress, trầm cảm ở trẻ... đều có thể để lại hậu quả khó lường, thậm chí đánh đổi bằng tính mạng của trẻ nếu nhà trường, giáo viên và phụ huynh thờ ơ. Ngày nay do các áp lực đến từ việc học tập, thi cử hoặc những kỳ vọng quá lớn đến từ gia đình khiến cho nhiều học sinh, sinh viên dễ rơi vào trạng thái lo âu, căng thẳng/stress. Về bản chất thì stress không phải là một trạng thái tâm lý luôn luôn tiêu cực. Nếu mức độ phù hợp, stress có thể giúp thúc đẩy học sinh nâng cao tinh thần, cải thiện thái độ, hành vi học tập, thi cử... Tuy nhiên, stress tiêu cực đa phần rất có hại cho cơ thể, nếu diễn ra dai dẳng có thể để lại nhiều tác hại cho tâm lý mỗi người.

Trong một nghiên cứu về mức độ căng thẳng của học sinh lớp 12 được tiến hành tại các trường THPT trên địa bàn của TP Đà Nẵng, các tác giả đã chỉ ra tỉ lệ học sinh căng thẳng từ nhẹ và trung bình trở lên là 36,5%. Các đối tượng này có những biểu hiện về cơ thể như đau lưng, đau đầu, kèm theo các hành vi chống đối, phản ứng mạnh và tâm trạng luôn buồn chán, mệt mỏi, trí nhớ suy kém, mất tập trung… Nếu các dấu hiệu này diễn ra trong một thời gian dài, không có biện pháp phòng ngừa, hỗ trợ có thể khiến học sinh mất hứng thú học tập, suy nghĩ tiêu cực, cảm thấy thất bại, mất tự tin…

Bà Hoài Thư – sáng lập Trường Mầm Non Sao Mai Long Sơn (Bà Rịa – Vũng Tàu) chia sẻ: “Cách đây 30 năm, em trai tôi học ở Singapore có thể xin nghỉ vì bất cứ lý do gì và bất cứ lúc nào, miễn là đáp ứng bài tập, bài học trên lớp. Sự trung thực và an toàn của con luôn được đánh giá cao”.

Đồng tình với bà Thư, phụ huynh PN (sống ở TP.HCM) khẳng định, đối với chị, khi con cảm thấy không khỏe, không ổn, dù chỉ là buồn bã chị cũng sẵn sàng xin cô giáo cho con được nghỉ ngơi.

Khó khăn tâm lý cần được “hiểu và thương”

Bên cạnh buồn bã, stress, lo âu thì trầm cảm học đường cũng rất đáng báo động. Có thể nhiều người chưa nghe tới con số 36.000-40.000 người Việt Nam tự tử mỗi năm vì trầm cảm, gấp 2,5 lần tai nạn giao thông (theo WHO). Trước đây, 60-65 là độ tuổi ghi nhận trầm cảm nhiều hơn cả, nhưng hiện nay rơi vào độ tuổi 15-27.

Phải thừa nhận rằng nhiều giáo viên, phụ huynh chăm chút rất kỹ cơn cảm sốt, hay quan tâm đến từng vết trầy xước trên cơ thể học sinh mà chủ quan, lơ là trước những dấu hiệu tâm lý bất ổn ở con trẻ. Một mặt có thể vấn đề tâm lý là những “cơn sóng ngầm”, mặt khác nhận thức về các vấn đề tâm lý ở trẻ hạn chế. Thậm chí, có người còn mạnh miệng khẳng định “bé giả bộ đau đầu, mệt mỏi thế thôi!” hay cho rằng “cảm giác tủi thân, thất vọng, bị cô lập, xấu hổ” chẳng có gì phải xoắn lên khi đứa trẻ biểu hiện các trạng thái bất ổn.

Thực trạng này, cho thấy, xã hội, gia đình và nhất là trường học rất ít "hiểu và thương" cho những khó khăn tâm lý của học sinh... Nhận thức chung về sức khỏe tâm thần rất hạn chế nhưng thiếu năng động trong việc cập nhật kiến thức, học tập, bồi dưỡng nhằm nhận diện, ứng phó và giúp đỡ học sinh gặp vấn đề về cảm xúc, hành vi... bất thường. Hoặc có quan tâm thì cũng chỉ dừng ở mức độ hỏi han, không biết/không chủ động giúp đỡ.

Đáng nói hơn cả, một số trường học có phòng tham vấn tâm lý/tư vấn học đường... để học sinh tìm tới nhưng tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường không mấy ủng hộ nên học sinh cũng ít mặn mà, bỏ qua cơ hội được tiếp cận và hỗ trợ bởi chuyên viên tâm lý.

Sức khỏe tâm thần từ lâu đã trở thành một trong những yếu tố cần được xem xét để đánh giá sự khỏe mạnh chung của một người. Nhưng cơ bản, nhiều nhà quản lý giáo dục, sư phạm, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm vẫn rất loay hoay và bối rối khi xử lý đơn xin nghỉ phép không phải vì bệnh lý cơ thể mà do tâm bệnh vì thiếu văn bản chỉ đạo hoặc quy định rõ ràng từ ngành giáo dục.

Thiết nghĩ, giáo dục nhà trường, đặc biệt giáo viên cần thực hành lời nhắn nhủ của Giáo sư Hồ Ngọc Đại trong công tác quản lý, giáo dục học sinh, phải làm sao cho "Mỗi ngày đến trường là một ngày vui", còn nếu trẻ không vui, hay stress hãy cho trẻ được nghỉ ngơi, được gặp các chuyên viên tâm lý để giải tỏa khó khăn rồi quay lại học khi sức khỏe tâm lý ổn định hẳn sẽ tốt hơn rất nhiều.

Mạng xã hội tác động ra sao tới tâm lý lứa tuổi vị thành niên?

Với những đặc điểm của lứa tuổi và giới tính, tác động từ mạng xã hội đối với vị thành niên lại càng phức tạp hơn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thạc sỹ tâm lý LÊ MINH HUÂN ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN