Vì sao hàng trăm sinh viên ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM bị đuổi học?

Sự kiện: Giáo dục

Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM vừa buộc thôi học 438 sinh viên (SV), trong đó số thuộc hệ đào tạo chất lượng cao chiếm nhiều nhất với 228 người.

PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, cho biết theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, SV phải nộp bản chính bằng tốt nghiệp THPT để kiểm tra và đối chiếu hồ sơ. Trường cũng đã nhiều lần thông báo SV khóa 2016 và 2017 về vấn đề này nhưng nhiều em vẫn chây ì, không chịu thực hiện. Do đó, trường đã ra thông báo SV nào không nộp trong thời gian này sẽ bị buộc thôi học. PGS Dũng nhận định đa số SV trong danh sách bị buộc thôi học thuộc khóa 2017 và một số em quá "lì lợm" ở khóa 2016.

Đây không phải lần đầu tiên một trường ĐH thông báo đuổi học SV vì vi phạm quy chế, quy định. Thời gian gần đây, các trường ĐH liên tục ra "tối hậu thư" cảnh báo đối với những SV có kết quả học tập kém, sau đó thẳng tay thông báo đuổi học đối với hàng trăm SV với những lý do như: Không đủ điểm rèn luyện, kết quả học tập quá kém, không có bằng Anh văn…

Vì sao hàng trăm sinh viên ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM bị đuổi học? - 1

Sinh viên Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM trong giờ thực hành Ảnh: TẤN THẠNH

Trước đó, Trường ĐH Nông Lâm TP HCM cũng thông báo "Hạ điểm rèn luyện SV vi phạm quy chế thi". Đây là hình thức kỷ luật với các SV vi phạm quy chế thi trong kỳ thi học kỳ như: Sử dụng tài liệu, nhìn bài hoặc cho bạn xem bài thi… Trong 27 SV bị kỷ luật đợt này, đa phần tập trung ở các khoa cơ khí công nghệ, chăn nuôi thú y, kinh tế, công nghệ thông tin… Trước đó, năm 2017, trường này đã quyết định hình thức kỷ luật đình chỉ 1 năm với 15 SV bị phát hiện nhờ người thi hộ lấy chứng chỉ tiếng Anh đầu ra.

Mới đây, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TP HCM) cũng đã thông báo kết quả dự kiến điểm rèn luyện SV bậc ĐH học kỳ II năm học 2017-2018. Trong đó, đáng chú ý là con số gần 1.170 SV bị xếp loại yếu và hơn 230 SV bị xếp loại kém với những lý do điểm trung bình học tập thấp hoặc ít tham gia các hoạt động xã hội. Tuy không đuổi học nhưng những SV này sẽ ảnh hưởng quá trình cấp xét học bổng, khen thưởng, xin việc…

Trường ĐH Giao thông Vận tải TP HCM vừa qua cũng đã công bố dự thảo kết quả rèn luyện SV hệ chính quy học kỳ I năm học 2017-2018. Trong số hơn 13.400 SV trong danh sách, có khoảng 900 SV được dự kiến có kết quả rèn luyện 0 điểm, kết quả rèn luyện xếp loại kém.

Theo PGS-TS Đỗ Văn Dũng, sở dĩ thời gian gần đây SV bị cảnh cáo học vụ, dẫn đến đuổi học nhiều là do cách dạy THPT và ĐH khác nhau nhưng SV không thay đổi cách học mới nên dễ bị đào thải. Ngoài ra, cách xét tuyển ĐH hiện nay theo khối như kỹ thuật phải thi toán - lý - hóa, xã hội thường phải thi văn - sử - địa không đúng thực chất, không chú trọng năng lực phù hợp với ngành nghề nên SV dễ bị sốc khi vào học. Nhiều SV trong quá trình học chỉ nhắm đến đích là được học ĐH chứ không tính đến vấn đề ngành nghề đó có phù hợp với mình không, dẫn đến đuối sức giữa đường.

Bên cạnh đó, chuyên gia này cũng lý giải nền kinh tế thị trường và tự chủ ĐH cũng khiến SV bị đuổi học nhiều. "Học phí cao, chi phí ở thành phố lại đắt đỏ khiến nhiều SV khó khăn phải đi làm thêm, không cân bằng giữa việc học và làm thêm dẫn đến kết quả học tập yếu kém. Bên cạnh đó, nhiều SV khi vào ĐH dễ nhiễm những thói hư tật xấu như chơi game, cá độ bóng đá…".

TS Trần Đình Lý, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP HCM, nhìn nhận buộc thôi học SV là việc làm cần thiết nhằm bảo đảm quy chế đào tạo và sàng lọc, bảo đảm chất lượng đầu ra cho nhà trường. Những SV lơ là việc học thì không thể sánh với các SV chịu khó, có trách nhiệm được. Nếu trong số đó, có thể một số có sự lựa chọn khác, nếu xác định học xong sẽ không gắn bó với nghề, sẽ trở thành cử nhân, kỹ sư thất nghiệp tự nguyện thì nên dừng lại. Hoặc chọn nghề sai sẽ phải làm lại từ đầu, tốn công sức, tiền bạc của bản thân, ảnh hưởng chất lượng nhà trường và xã hội.

Bí quyết để tân sinh viên bắt đầu năm học mới suôn sẻ

Tháng 9 là thời gian thử thách của các tân sinh viên, vì họ phải trải qua nhiều sự thay đổi trong cuộc sống.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lê Thoa ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN