Vì sao gian lận thi cử năm trước vẫn chưa xử lý hết?

Sự kiện: Giáo dục

Còn hơn 1 tháng nữa sẽ diễn ra kỳ thi năm 2019 nhưng thời điểm này vẫn chưa xử lý hết hậu quả của các vụ việc gian lận thi cử năm trước.

Ngày 11/5, Bộ GD&ĐT đã có buổi gặp gỡ, cung cấp thông tin cho việc chuẩn bị kỳ thi THPT quốc gia năm 2019. Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng cục quản lý chất lượng khẳng định, với những điều chỉnh kỹ thuật như năm nay, gian lận tinh vi đến đâu cũng sẽ bị phát hiện, xử lý.

9 điều chỉnh về giải pháp kỹ thuật

Kỳ thi THPT quốc gia 2019 diễn ra trong 3 ngày từ 25 đến 27/6 với hơn 887.000 thí sinh đăng ký dự thi. Trong đó, có 53% thí sinh đăng ký bài thi tổ hợp Khoa học xã hội và 34% thí sinh đăng ký dự thi bài tổ hợp Khoa học Tự nhiên, số còn lại đăng ký dự thi cả hai tổ hợp. Kết quả kỳ thi sẽ được công bố chậm 3 ngày so với năm 2018.

Sau những bê bối gian lận thi cử ở các địa phương như Hoà Bình, Sơn La, Hà Giang, năm nay Bộ đã có 9 điều chỉnh về giải pháp kỹ thuật.

Ông Trinh nhấn mạnh những điểm mới mà Bộ GD&ĐT đã nghiên cứu để lấp lỗ hổng ở kỳ thi năm trước, trong đó tăng cường vai trò của cán bộ, giảng viên trường ĐH trong việc coi thi, có trách nhiệm chấm bài thi trắc nghiệm thay vì Sở GD&ĐT chấm như trước.

Bộ GD&ĐT cũng quy định rõ hơn về vai trò, trách nhiệm của lực lượng in sao, vận chuyển đề thi nhằm đảm bảo tuyệt đối về tính bảo mật. Khu vực lưu trữ đề thi, bài thi có camera an ninh giám sát 24/24. Đặc biệt, điểm mới năm nay quy định trực đêm tại phòng thi lưu trữ đề thi, bài thi phải do Phó trưởng điểm thi hoặc thư ký là cán bộ, giảng viên trường ĐH, CĐ thực hiện.

“Các điểm thi phải thực hiện nghiêm việc bốc thăm phân công cán bộ coi thi. Vì như thế, sẽ khó có chuyện cán bộ muốn coi thi phòng thi nào đó cũng được”, ông Trinh nói. Ngoài ra, năm nay quy chế cũng thống nhất cách niêm phong túi đựng bài thi. Cụ thể, toàn quốc sử dụng nhãn niêm phong theo mẫu bằng giấy dễ rách, dùng 1 lần trên nhãn niêm phong có họ tên, chữ ký của Phó trưởng điểm thi. Sau khi dán nhãn sẽ phủ một lớp băng dính trong lên nhãn niêm phong một vòng quanh túi đựng bài thi. Với cách làm như vậy, nếu có sự can thiệp sẽ dễ dàng bị phát hiện.

Cũng theo ông Mai Văn Trinh, năm nay căn cứ kết quả phân tích dữ liệu thống kê kết quả thi của các địa phương, trong trường hợp cần thiết sẽ chấm thẩm định các bài thi. Bộ cũng đã nâng cấp phần mềm quản lý thi, phần mềm chấm thi trắc nghiệm theo hướng liên thông, đảm bảo chính xác và bảo mật dữ liệu.

Trước đây, máy quét cả lô với nhiều bài thì năm nay máy quét theo lô 24 bài thi của một phòng, sau đó niêm phong. Tiến hành mã hoá toàn bộ dữ liệu quét ảnh xử lý trung gian, chỉ những người cấp phép mật mã, phá mã mới có thể can thiệp được. Ngoài ra, trong phần mềm chấm thi, toàn bộ các thao tác xử lý sẽ được lưu vết. Do đó, nếu cá nhân, đơn vị nào có can thiệp vào quá trình chấm thi sẽ dễ dàng bị phát hiện.

Tuy nhiên, Cục trưởng Cục quản lý chất lượng cũng thừa nhận, khi rà soát lại quy trình ông thấy rủi ro nhất là khâu coi thi. Vì thế, yêu cầu tất cả các địa phương thực hiện nghiêm việc bốc thăm cán bộ coi thi. “2 giám thị trên 1 phòng nghĩa là coi 24 thí sinh, nếu làm hết trách nhiệm của mình thì bất cứ hành vi nào có ý gian lận cũng sẽ bị phát hiện”, ông nói.

Chưa xử lý hết hậu quả của các vụ việc gian lận thi cử năm trước

Còn hơn 1 tháng nữa sẽ diễn ra kỳ thi năm 2019 nhưng thời điểm này Bộ GD&ĐT cùng các cơ quan liên quan vẫn chưa xử lý hết hậu quả của các vụ việc gian lận thi cử năm trước. Lãnh đạo Bộ cho biết, bê bối thi phát hiện tháng 7/2018 nhưng phải đến tháng 3/2019 bằng rất nhiều sự nỗ lực ngành công an mới có kết quả. Thời điểm này, sự việc vẫn đang trong quá trình điều tra, khi có kết quả sẽ tiếp tục xử lý.

Nhiều câu hỏi dành cho lãnh đạo Bộ GD&ĐT về việc những thí sinh gian lận, ngồi nhầm chỗ đã bị đuổi về làm mất suất học của những thí sinh khác sẽ được xử lý thế nào, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng vụ giáo dục Đại học cho rằng, không thể khắc phục hết hậu quả.

Bà Phụng lý giải, việc xử lý vi phạm gian lận thi cử có 2 khâu đặt ra gồm xử lý vi phạm và khắc phục hậu quả. Về mặt lý thuyết, số thí sinh gian lận trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 đã nhập học, trong đó có 82 thí sinh đã bị hủy kết quả nhập học là chiếm chỗ thí sinh khác. Tuy nhiên, con số này là quá nhỏ so với những thí sinh trúng tuyển mà không nhập học.

Hàng năm có khoảng 22.000 thí sinh trúng tuyển do đăng ký nhiều nguyện vọng nhưng không nhập học vào các trường lẽ nào cũng là chiếm chỗ thí sinh khác? “Nếu giải quyết việc những thí sinh có điểm thi tiệm cận điểm tuyển sinh do 82 thí sinh trước đã bị chiếm chỗ thì những thí sinh đăng ký nguyện vọng, trúng tuyển không vào học cũng tương tự như vậy sẽ xáo trộn toàn bộ hệ thống. Vì thế, cái này được xếp vào hậu quả không có khả năng khắc phục đến cùng”, bà Phụng nói.

Thi THPT quốc gia 2019: Gian lận hay không, phụ thuộc người đứng đầu

Chỉ còn hơn 1 tháng nữa, học sinh lớp 12 sẽ bước vào kỳ thi THPT quốc gia 2019. Thời điểm này, các địa phương đã cơ...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Hà ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN