Vì sao dạy học ngoại ngữ chưa hiệu quả?

Sự kiện: Thời sự

Mới đây, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã có báo cáo với đại biểu Quốc hội về các hoạt động trọng tâm của giáo dục trong đó có việc tổ chức dạy học ngoại ngữ trong trường phổ thông hiện gặp nhiều khó khăn. Trong đó, chủ yếu là trình độ giáo viên ngoại ngữ không đáp ứng Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc tại Việt Nam.

Vì sao dạy học ngoại ngữ chưa hiệu quả? - 1

Dạy học ngoại ngữ trong trường phổ thông còn nhiều khó khăn.

Thí điểm ngoại ngữ 2

Theo báo cáo, tháng 5/2006, ngoại ngữ được coi là môn học chính thức từ lớp 6 đến lớp 12 (hệ 7 năm). Thời điểm đó, bộ đã ban hành chương trình 4 môn ngoại ngữ gồm Tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga và tiếng Trung Quốc đưa vào dạy học trong các trường.

Tháng 9/2008, Thủ tướng Chính phủ có quyết định về việc phê duyệt đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020. Đề án đã đề cập tới khái niệm ngoại ngữ 1 và ngoại ngữ 2. Trong đó, ngoại ngữ 1 là môn học bắt buộc trong chương trình phổ thông; ngoại ngữ 2 là môn học không bắt buộc, học sinh có thể lựa chọn để học nếu có nhu cầu và điều kiện giảng dạy cho phép.

Theo báo cáo, xuất phát từ nhu cầu hội nhập của đất nước, việc đưa nhiều ngoại ngữ vào chương trình giáo dục phổ thông là tất yếu và qua thực tế hầu hết các quốc gia trên thế giới đều thực hiện.

Ở Châu Âu đa số các quốc gia yêu cầu học sinh phải học ngoại ngữ 1 từ 6 tới 9 tuổi và phải học ngoại ngữ 2 từ 11 tới 15 tuổi. Đối với Việt Nam hiện nay, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Trung Quốc và tiếng Nhật được chọn theo nhu cầu đó, hơn nữa các quốc gia nói trên cũng là các quốc gia có mối quan hệ truyền thống, chiến lược với Việt Nam. Việc lựa chọn ngoại ngữ nào trong số các ngoại ngữ trên làm môn học bắt buộc là quyền của người học, phù hợp với điều kiện dạy học của địa phương.

Tuy nhiên, lâu nay, đa số học sinh chọn tiếng Anh là ngoại ngữ chính để dạy học ở tất cả các trường THCS, THPT, tiểu học (60%). Tỉ lệ học sinh chọn tiếng Anh là ngoại ngữ 1 chiếm hơn 99% trên tổng số học sinh học ngoại ngữ. Còn tiếng Pháp, tiếng Trung quốc, tiếng Nhật, tiếng Nga hiện được dạy ở các trường chuyên và thí điểm như ngoại ngữ 2 ở một số địa phương từ năm học 2016-2017.

Trình độ giáo viên yếu kém

Theo Bộ GD&ĐT, việc dạy học ngoại ngữ tại các trường phổ thông hiện gặp nhiều khó khăn. Trong đó, chủ yếu là đội ngũ giáo viên thiếu năng lực, không đáp ứng được yêu cầu về trình độ và năng lực ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc tại Việt Nam. Hình thức dạy học ngoại ngữ vẫn chủ yếu vẫn tiến hành trên lớp với thời lượng 3 tiết/ tuần; môi trường giao tiếp hạn chế. Học sinh chưa có động cơ tự thân đối với việc học ngoại ngữ do đó việc học tập còn mang tính đối phó. Trong khi đó, ngoại ngữ là môn thi bắt buộc cho học sinh tất cả vùng miền trên cả nước. Đây là khó khăn đối với học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Hơn nữa, hiện nay mới có quy định dạy học ngoại ngữ từ lớp 3 đến lớp 12 (hệ 10 năm), chưa có quy định dạy học ngoại ngữ từ bậc mầm non, lớp 1, lớp 2. Trong khi đó, nhu cầu học ngoại ngữ của đối tượng này ngày càng nhiều và nhiều cơ sở giáo dục hiện đã tổ chức dạy học cho học sinh từ các  lớp học.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy học ngoại ngữ, Bộ GD&ĐT đã đề ra 6 giải pháp, trong đó tập trung đào tạo nâng cao trình độ, năng lực giáo viên. Tăng việc giao lưu, trao đổi chuyên gia, giáo viên tình nguyện bản ngữ nhằm tạo môi trường giao tiếp cho giáo viên, học sinh Việt Nam.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Hà (Báo Tiền Phong)
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN