Vì sao Đà Nẵng không cấm dạy thêm, học thêm?

Giám đốc Sở GD-ĐT Đà Nẵng Nguyễn Đình Vĩnh cho hay, TP không ủng hộ việc cấm dạy thêm, học thêm. Theo ông, điều cần quan tâm không phải chuyện dạy thêm, học thêm mà là vì sao HS phải học thêm? Và ông cho rằng 2 năm nữa, HS sẽ không còn cần học thêm!

Đà Nẵng quy định như thế nào về dạy thêm, học thêm?

Ông Nguyễn Đình Vĩnh cho hay, vấn đề dạy thêm, học thêm ở Đà Nẵng không quá “nóng” như một số địa phương khác và quan điểm của lãnh đạo TP cũng như của lãnh đạo ngành GD-ĐT địa phương từ nhiều năm nay là không cấm dạy thêm, học thêm mà thực hiện theo đúng tinh thần hướng dẫn của Bộ GD-ĐT tại Thông tư 17/2012/TT-BGDDT ngày 16/5/2012.

Vì sao Đà Nẵng không cấm dạy thêm, học thêm? - 1

 Đà Nẵng không cấm mà tăng cường công tác quản lý việc dạy thêm, học thêm (Ảnh: HC)

Sở dĩ tình hình không quá “nóng”, theo ông Nguyễn Đình Vĩnh, là do sau khi có Thông tư hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, ngày 26/3/2013, ông Nguyễn Xuân Anh khi còn làm Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã ký Quyết định 13/2013/QĐ-UBND quy định về quản lý dạy thêm, học thêm trên địa bàn TP. 

Đến ngày 30/7/2014, ông Huỳnh Đức Thơ khi đó là Phó Chủ tịch UBND TP tiếp tục ký Quyết định 21/2014/QĐ-UBND sửa đổi và bãi bỏ một số điều của quy định ban hành kèm theo Quyết định 13/2013/QĐ-UBND cho phù hợp với quy định chung.

Theo đó, UBND TP Đà Nẵng yêu cầu các tổ chức, cá nhân tham gia dạy thêm, học thêm phải tuân thủ các quy định tại Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT. Đồng thời nhấn mạnh nguyên tắc việc tổ chức dạy thêm, học thêm phải xuất phát từ nhu cầu thực tế của người học nhằm góp phần củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng và giáo dục nhân cách cho học sinh; tuyệt đối không được ép buộc học sinh (HS) học thêm để thu tiền.

Không dạy thêm cho HS của lớp chính khóa mà giáo viên đang dạy tại trường, trừ trường hợp giáo viên các trường phổ thông dạy thêm tại trường do Hiệu trưởng nhà trường phân công.

Không cắt giảm nội dung chương trình chính khóa để đưa vào giờ dạy thêm; không dạy thêm trước những nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khóa. Không được dạy thêm trong ngày lễ, ngày Chủ nhật; không được dạy trước 7h sáng và sau 9h tối...

Không dạy thêm đối với HS tiểu học và HS đã được nhà trường tổ chức dạy học 02 buổi/ngày tại trường. Riêng các trường hợp: nhận quản lý HS ngoài giờ học theo yêu cầu của gia đình; tổ chức dạy học ngoại ngữ, tin học, nghệ thuật cho HS phải được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép mới được thực hiện (trình tự, thủ tục, hồ sơ như cấp phép dạy thêm, học thêm).

Không cấm tiệt mà tăng cường quản lý

“Thực tế là dạy thêm, học thêm ở Đà Nẵng không “căng”. Ai thích thì học nên cơ bản là có nề nếp. Và quan điểm của chúng tôi là không cấm dạy thêm, học thêm. Bởi vì một điều rất rõ là cái gì pháp luật không cấm thì được làm. Chúng ta đừng cứ hở là cấm, hở ra một cái là cấm, làm cho con người đi đâu cũng thấy sợ hết. Đó là cái bệnh của một thời đã qua!” – ông Nguyễn Đình Vĩnh nói.

Ông nhấn mạnh, trong hiến pháp và các quy định pháp luật hiện hành không có bất cứ điều khoản nào cấm dạy thêm, học thêm. Sau khi đọc bài trên báo Infonet, ông rất tâm đắc với ý kiến của ông Đinh Thế Huynh, Thường trực Ban Bí thư, rằng chỉ cấm dạy thêm – học thêm tràn lan, cắt xén chương trình chính khóa trên lớp để buộc HS phải đi học thêm mà nếu không đi thì không lên lớp được hoặc bị điểm thấp....

Còn đối với việc phụ huynh, HS tự nguyện học thêm thì không thể cấm vì đó là quyền của con người. Thái độ đối với vấn đề dạy thêm – học thêm là phải xử sự trong điều kiện của một xã hội đang dân chủ, phải hết sức nhuần nhuyễn và phải trên cơ sở của pháp luật chứ không thể theo ý chí của một cấp, một ngành nào.

“Cấm làm sai chứ không phải cấm tiệt hết cả. Ví dụ cấm giáo viên dạy thêm HS của lớp mà mình dạy chính khóa. Lý do đơn giản là anh dạy các HS đó thì anh sẽ bị chi phối khi anh có dạy thêm, rồi đánh giá điểm không khách quan để ép buộc HS phải đi học thêm. Hoặc cấm vi phạm những nguyên tắc mà UBND TP Đà Nẵng đã xác định rõ. Còn quan điểm rõ ràng của Đà Nẵng là không ủng hộ việc cấm dạy thêm, học thêm!” – ông Nguyễn Đình Vĩnh nêu rõ.

Thay vào đó, TP đẩy mạnh tuyên truyền cho giáo viên, phụ huynh và HS thực hiện đúng quy định về dạy thêm, học thêm; đồng thời tăng cường công tác quản lý. Ai vi phạm là xử phạt nghiêm theo quy định, từ thông báo toàn ngành, không nâng bậc lương cho đến khiển trách, phê bình, thậm chí có thể cho nghỉ việc... theo quy định tại Nghị định 138/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục, Nghị định 34/2011/NĐ-CP quy định xử lý kỷ luật đối với công chức; Nghị định 27/2012/NĐ-CP quy định xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức và Luật Lao động.

2 năm nữa, HS sẽ không còn cần học thêm?

“Vấn đề là làm thế nào để xác định HS đi học thêm có phải tự nguyện hay không, và kiểm soát tốt việc dạy thêm, học thêm?” – PV Infonet đặt câu hỏi. Ông Nguyễn Đình Vĩnh cho hay, thứ nhất, Sở GD-ĐT là cơ quan cấp giấy phép dạy thêm đối với THPT; Phòng GD-ĐT cấp giấy phép dạy thêm đối với THCS. Cơ quan cấp giấy phép có trách nhiệm theo dõi, nắm chắc các đối tượng được cấp phép dạy thêm. Đồng thời tăng cường kiểm tra định kỳ, kiểm tra đột xuất, kiểm tra khi có tin nhắn, thư phản ánh...

“Ví dụ tháng này có chuyên đề kiểm tra các cơ sở dạy thêm thì Thanh tra Sở có thể đi tới bất kỳ cơ sở nào. Thứ hai là kiểm tra theo đơn thư, tin nhắn phản ánh hoặc khi có các dấu hiệu cho thấy có tình trạng không tốt tại các điểm dạy thêm. Thứ ba là chúng tôi đã xây dựng được ngân hàng đề thi để rút từ đó ra cho các kỳ kiểm tra, tránh hiện tượng giáo viên dạy thêm trong chương trình học. Thực ra, đã cấm dạy thêm đối với HS của mình ở lớp chính khóa thì giáo viên không thể cắt xén chương trình được!” – ông Nguyễn Đình Vĩnh nói.

Theo Giám đốc Sở GD-ĐT Đà Nẵng, thực ra điều cần quan tâm nhất đối với việc dạy thêm, học thêm không phải là những vấn đề nêu trên, mà chính là “vì sao HS phải học thêm”? Ông nhấn mạnh: “Sở dĩ HS phải học thêm là do chương trình hiện nay nặng quá. Nặng vì học quá nhiều môn, học tới 15 – 16 môn học của chủ đề giáo dục. Nhưng hai năm nữa thôi, HS chỉ còn học có 6 – 8 môn.  Mà học một cách thoải mái như thế thì HS chẳng cần phải học thêm nữa!”.

Ông Nguyễn Đình Vĩnh giải thích thêm, từ năm 2018 trở đi sẽ thực hiện theo chương trình giáo dục mới đã được Quốc hội thông qua. Theo đó, chỉ còn 6 – 8 môn học chính là Toán, Văn, Ngoại ngữ, Giáo dục công dân, Thể dục, Khoa học xã hội hoặc Khoa học tự nhiên... “Như thế thì các em HS sẽ dư thời gian để vui chơi giải trí hoặc bổ túc những cái mình thích như ngoại ngữ, âm nhạc, kỹ năng sống...” – ông Nguyễn Đình Vĩnh nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hải Châu (Infonet.vn)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN