Vì sao cử nhân, thạc sỹ ở nhóm thất nghiệp cao nhất?
Theo Tổng cục Thống kê, trong khi số lượng người thất nghiệp nói chung đang có xu hướng giảm thì số lao động có trình độ cao đẳng, đại học trở lên không có việc làm lại có xu hướng tăng và trở thành nhóm có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất.
Thiếu định hướng nghề, đào tạo tràn lan khiến nhiều cử nhân, thạc sỹ vất vả tìm kiếm việc làm khi ra trường. Ảnh: Chí Cường
Hơn 200.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp
Tổng cục Thống kê cho biết, chỉ riêng trong quý III/2015, đã có thêm hơn 50.000 người trình độ đại học, cao đẳng thất nghiệp, nâng tổng số cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp của cả nước lên hơn 225.500 người và trở thành nhóm có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất. So với 6 tháng đầu năm 2015, nhóm trình độ đại học trở lên thất nghiệp tăng từ 4,6% lên 4,9%. Đây là con số tăng mạnh so với các năm 2014, 2013.
Những năm trở lại đây, tỷ lệ lao động trình độ đại học, trên đại học thất nghiệp mỗi lần được công bố đều khiến dư luận hết sức “sửng sốt”, dù đáng báo động nhưng dường như vẫn “rơi tự do”, mỗi lúc một tăng. Đánh giá về con số nói trên, PGS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này, nhưng đầu tiên phải kể đến đó là do tâm lý chung của người dân Việt Nam là thích học đại học và học lên cao, không cần biết có cơ hội xin việc làm hay không. Nghĩa là học cứ học, dù chẳng biết học để làm gì, làm việc ở đâu?!
Còn PGS Văn Như Cương - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cũng cho rằng, những năm gần đây dù đất nước có nhiều đổi mới, phát triển, song nước ta vẫn luôn tồn tại phong trào hiếu học đến lạc hậu, học vì hư danh. Ai cũng cố cho mình tấm bằng cử nhân, thạc sĩ, chủ yếu để “oai”, nở mày nở mặt với những người xung quanh chứ không phải học để lập nghiệp, để có tương lai tốt. Đây cũng là lý do dẫn đến thực trạng có rất nhiều trường dạy nghề, có tỷ lệ việc làm cao, lương cao nhưng lại rất ít người học, dẫn đến nhiều trường không tuyển đủ học viên.
Lấy ví dụ trong hoạt động tuyển chọn nhân lực cho nhà trường, PGS Văn Như Cương chia sẻ: “Tôi đã từng gặp và phỏng vấn rất nhiều cử nhân, thạc sỹ, có nhiều bạn thực sự có tài, nhưng cũng rất nhiều bạn “có vấn đề”. Có người “đi” phong bì lúc nộp hồ sơ, có người bằng giỏi, rất tự tin nhưng chỉ cần hỏi ngoài sách vở chút là lúng túng không biết trả lời ra sao. Do đó, chuyện bằng cấp và đáp ứng chuyên môn thực tế vẫn còn một khoảng cách nhất định”.
Đi học để “giết thời gian”?
Bên cạnh tâm lý sính đại học, thạc sỹ của người dân, còn phải kể đến việc đào tạo tràn lan, không sát với nhu cầu nhân lực của đất nước. PGS Trần Xuân Nhĩ cho hay, hiện chương trình giáo dục phổ thông không đảm bảo được sự phân luồng, định hướng nghề cho học sinh. Nên nhiều học sinh không biết được nhu cầu xã hội đang thiếu ngành gì và thừa ngành gì để đăng ký theo học mà chỉ học theo sở thích cá nhân và gia đình. Bên cạnh đó có quá nhiều ngành đào tạo với số lượng lớn, mất cân đối cũng là nguyên nhân dẫn đến chỗ thiếu hụt, chỗ dư thừa lao động.
Về thực trạng học đại học, thạc sỹ xong ra trường vẫn thất nghiệp dù có bằng khá, bằng giỏi, PGS Trần Xuân Nhĩ cho biết: “Những cử nhân, thạc sỹ thất nghiệp đa phần là không đáp ứng được chuyên môn của các nhà tuyển dụng. Do đó để đáp ứng yêu cầu công việc, cũng phải học lại, học các kiến thức hữu dụng, khả năng thích nghi đối với công việc. Nhiều cử nhân thất nghiệp lại chọn cách “giết thời gian” bằng đi học thạc sỹ. Chương trình bậc thạc sỹ hiện tại chủ yếu học lý thuyết, chưa có tính thực hành và nghiên cứu sâu. Do đó, dù có học xong thạc sỹ cũng vẫn cứ thất nghiệp dài dài, cũng bởi thiếu tính thực hành và chuyên sâu”.
Cũng theo PGS Văn Như Cương: “Vấn đề hiện nay vẫn nằm ở chỗ chúng ta chưa có một thống kê, dự báo nguồn nhân lực cụ thể, nên người học “mù tịt” thông tin về các ngành nghề và đăng ký học theo cảm tính, đua nhau học ngành “hot”... Cần có dự báo nguồn nhân lực, giúp người học tự đưa ra quyết định lựa chọn phù hợp, chọn đúng ngành, đúng sở trường và đúng nhu cầu của xã hội thì hoàn toàn dễ dàng có công việc phù hợp”.
Theo các nhà hoạch định kinh tế, nhân lực, việc phân luồng trong quá trình tuyển sinh chưa dựa trên nhu cầu của thị trường lao động. Các trường đại học đua nhau mọc lên, lấy điểm rất thấp. Và đương nhiên, ít ai lại có tâm lý đi học hệ thấp hơn. Hệ lụy là đào tạo trình độ chưa tới, chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường thực tế. Bên cạnh đó, người lao động trong nước cũng chưa chủ động trong việc xác định nhu cầu việc làm. Do đó, bản thân họ nên sử dụng thông tin thị trường lao động để điều chỉnh phù hợp với tín hiệu thị trường.
Mỗi năm tuyển sinh đào tạo hàng trăm nghìn cử nhân Năm 2015, cả nước đã có trên 450 trường đại học, cao đẳng. Nếu tính từ giai đoạn từ năm 2007 - 2013, đã có 133 trường đại học, cao đẳng được thành lập. Trong đó, có tới 108 trường được nâng cấp từ trung cấp lên cao đẳng hoặc từ cao đẳng lên đại học. Trong kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy năm 2015, tổng số chỉ tiêu vào đại học năm 2015 của cả nước là khoảng hơn 439 nghìn thí sinh. Như vậy, cùng với con số hàng trăm nghìn cử nhân, thạc sỹ thất nghiệp chưa có việc làm, mỗi năm số lượng cử nhân mới ra trường sẽ càng thêm khó khăn trong tìm kiếm việc làm. |