Vì sao Bộ Y tế chấm dứt cán bộ y tế trình độ trung học?
Bộ Y tế cho biết từ năm 2021, các bệnh viện, cơ sở y tế toàn quốc sẽ ngừng nhận điều dưỡng, kỹ thuật viên y học, dược sĩ, nữ hộ sinh, hộ lý... hệ trung cấp.
Cụ thể, ngày 27/5/2015, Bộ Y tế, Bộ Nội vụ đã ban hành 02 Thông tư liên tịch số 10/2015/TTLT-BYT-BNV quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp bác sĩ, bác sĩ y học dự phòng, y sĩ và Thông tư liên tịch số 11/2015/TTLT-BYT-BNV quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp y tế công cộng.
Ngày 07/10/2015 Bộ Y tế, Bộ Nội vụ đã ban hành 03 Thông tư liên tịch số 26/2015/TTLT-BYT-BNV quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y; Thông tư liên tịch số 27/2015/TTLT-BYT-BNV quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp dược và Thông tư liên tịch số 28/2015/TTLT-BYT-BNV quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp dinh dưỡng.
Theo ông Phạm Văn Tác – Vụ trưởng Vụ tổ chức Cán bộ Bộ Y tế, việc ban hành tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành y tế tạo sự đồng thuận trong viên chức ngành y tế, quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp nhằm chuẩn hóa đội ngũ viên chức chuyên môn y tế.
Chức danh nghề nghiệp đã phân biệt giữa bác sĩ và bác sĩ y học dự phòng, mục đích nâng cao và củng cố nhân lực lĩnh vực y học dự phòng, đồng thời nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.
Trước luồng dư luận cho rằng việc ban hành quy định này là hình thức khai tử đối với các trường trung cấp y, nhân viên y tế có trình độ trung học. Trả lời vấn đề này, ông Tác cho rằng còn 5 năm nữa để các trường Trung học y phải thay đổi định hướng đào tạo. Có thể họ sẽ lên các trường cao đẳng hoặc là chuyển đổi ngành đào tạo.
Cùng với đó, các nhân viên y tế có mã số trung học sẽ phải đi học hàm thụ thêm để lên trình độ từ cao đẳng trở lên. Bắt đầu từ 1/1/2025 sẽ không còn mã cán bộ có trình độ trung cấp y tế như hiện nay.
Lý do để thực hiện chủ trương này, tiến sĩ Tác cho biết, bắt đầu từ xu hướng hội nhập, đây không phải chủ trương của riêng của Bộ Y tế.
Thứ nhất hiện nay đứng trước nhu cầu chăm sóc sức khoẻ nhân dân đòi hỏi ngày càng cao hơn nên trình độ đào tạo cũng phải liên tục nâng cao. Trình độ thấp nhất phải từ cao đẳng trở lên mới đáp ứng được nhu cầu phát triển của y tế.
Quan trọng nhất, theo ông Tác là hội nhập quốc tế. Do yêu cầu của hội nhập quốc tế bắt buộc Việt Nam phải tương đồng với ASEAN về nguồn nhân lực, 3 trình độ bác sĩ, nha sĩ và điều dưỡng phải đồng nhất đào tạo từ 3 năm trở lên.
Ở Thái Lan, hiện nay trình độ điều dưỡng cũng phải đào tạo đại học trở lên. Chủ trương này còn 10 năm để các cán bộ y tế có trình độ trung cấp phải đi học thêm để đáp ứng nhu cầu mới của ngành.
Mặt khác, ông Tác cũng thẳng thắng thừa nhận hiện nay việc đào tạo trung cấp y vẫn còn rất nhiều dẫn đến tình trạng học sinh trung cấp ra trường không có việc làm, nhu cầu chỉ có 10 mà nguồn cung cấp tới 7, 8 lần, dẫn đến thừa nguồn nhân lực, lãng phí trong đào tạo. Hơn nữa, nhiều trường đào tạo chất lượng kém dẫn đến sinh viên, học sinh ra trường không tìm được việc làm.
Ông Tác cho biết chủ trương này đưa ra Bộ Y tế không gặp nhiều khó khăn vì nó phù hợp với chủ trương của Bộ Nội vụ về tinh giản biên chế. Khó khăn ở đây là các trường đào tạo họ phải thay đổi để phù hợp với thời cuộc.