Vì sao 91 trường đại học vẫn chưa đủ điều kiện tự chủ
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, cả nước có tổng cộng 141/232 trường Đại học đủ điều kiện tự chủ theo quy định tại Luật Giáo dục Đại học. Các trường còn lại chưa đủ điều kiện tự chủ có rất nhiều nguyên nhân.
PGS. TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (ĐH), Bộ GD&ĐT cho biết năm 2022, vẫn còn ảnh hưởng lớn từ đại dịch COVID-19, nhưng hệ thống giáo dục ĐH đã rất cố gắng và đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Trong đó, tự chủ ĐH có nhiều chuyển biến tích cực. Đến nay, cả nước có 154/170 cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) công lập đã thành lập Hội đồng trường và đi vào hoạt động (đạt tỷ lệ 90,6%) theo quy định.
Việc thành lập Hội đồng trường tại các trường trực thuộc các Bộ, ngành, địa phương đạt tỷ lệ 91,18%; trong đó, 15 cơ sở GDĐH công lập thuộc các Bộ, ngành, địa phương đang xây dựng và trình cấp có thẩm quyền công nhận Hội đồng trường.
Các cơ sở GDĐH tự chủ đã chủ động rà soát, kiện toàn lại tổ chức bộ máy và nhân sự theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Vai trò của Hội đồng trường được cụ thể hóa và nâng cao trong tổ chức quản trị hoạt động của hầu hết các cơ sở GDĐH. Các cơ sở GDĐH đã chủ động tăng số lượng giảng viên và giảm số lượng lao động khối hành chính; đồng thời, thu hút đội ngũ giảng viên, chuyên gia giỏi tham gia giảng dạy và nghiên cứu khoa học với mục tiêu góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, mở rộng quy mô, nâng cao thu nhập cho giảng viên.
"Các cơ sở GDĐH ngày càng chủ động hơn trong việc quyết định hướng nghiên cứu và tham gia các nhiệm vụ khoa học công nghệ, từ đó chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước", bà Thủy đánh giá.
Kết quả thực hiện tự chủ về chuyên môn học thuật ở các cơ sở GDĐH cũng cho thấy, thực hiện tự chủ trong việc mở ngành đào tạo/chương trình liên kết đào tạo là một nội dung quan trọng trong hoạt động tự chủ; bên cạnh việc mở ngành đào tạo mới, phát triển các chương trình liên kết đào tạo trong và ngoài nước, các trường cũng tích cực điều chỉnh các chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu người học; đổi mới phương pháp giảng dạy tiên tiến, tiếp cận với chuẩn đào tạo và chương trình đào tạo quốc tế, chủ động tăng cường công tác bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục.
Thách thức
Tuy nhiên, PGS Nguyễn Thu Thủy khẳng định tự chủ đại học ở mức cao vẫn là vấn đề nhiều cơ sở giáo dục ĐH còn lúng túng khi triển khai; các trường cần phải quan tâm tới việc nâng cao nhận thức, năng lực, tích cực tổ chức triển khai thực hiện quyền tự chủ, gắn liền với trách nhiệm giải trình tới các bên liên quan ngày càng cao.
Thống kê của Bộ GD&ĐT cho thấy vẫn còn 91/232 trường chưa đủ điều kiện tự chủ. Theo PGS Nguyễn Thu Thủy các trường không đủ điều kiện tự chủ với lý do:
Chưa công nhận đạt chuẩn chất lượng cơ sở giáo dục đại học chiếm 18,53%;
Chưa thành lập hội đồng trường chiếm 7,5%;
Còn lại do chưa ban hành đầy đủ các văn bản, quy chế theo quy định và chưa đáp ứng các yêu cầu khác (ví dụ như chưa chuyển đổi mô hình tổ chức từ dân lập sang tư thục).
Trong số 23 trường được thí điểm tự chủ theo Nghị quyết số 77/NQ-CP, đến nay có 3 trường chưa đủ điều kiện tự chủ theo Luật GDĐH hiện hành với lý do các trường đã trình cơ quan quản lý trực tiếp về việc thành lập Hội đồng trường nhưng chưa được phê duyệt.
Chính vì vậy, năm 2023, tự chủ ĐH vẫn còn nhiều thách thức. PGS Nguyễn Thu Thủy cho rằng thách thức đầu tiên là nhận thức về tự chủ ĐH chưa đầy đủ; năng lực quản trị ĐH nhìn chung chưa theo kịp yêu cầu phát triển. Thách thức nằm ở nhận thức và năng lực về tự chủ ở các bên liên quan, từ các cơ quan bộ ngành, địa phương quản lý trực tiếp các cơ sở GDĐH, đến đội ngũ quản lý trong các cơ sở GDĐH. Từ đó dẫn đến việc thành lập và hoạt động của một số hội đồng trường chưa thực sự có hiệu lực hiệu quả, mối quan hệ và cơ chế phối hợp giữa hội đồng trường với đảng ủy và ban giám hiệu chưa mang lại sức mạnh nội tại cho cơ sở GDĐH, còn có các mâu thuẫn, xung đột trong nội tại chưa giải quyết.
Thu hút nguồn lực cho GDĐH còn hạn chế, do vậy đặt ra những gánh nặng cho tự chủ đại học, nhiều bên liên quan vẫn hiểu tự chủ là “tự lo” là những nhận thức chưa đúng đắn và phù hợp.
PGS Nguyễn Thu Thủy cho hay tự chủ ĐH đang ngày càng trở thành một thuộc tính căn bản của hệ thống GDĐH, và phát huy hiệu lực và hiệu quả gia tăng. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục đại học và tự chủ đại học ngày càng được hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý cho các cơ sở giáo dục đại học mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng và phát triển bền vững.
Do vậy, các cơ sở GDĐH cần hoàn thiện cơ cấu tổ chức của nhà trường; quy chế tổ chức và hoạt động, quy chế làm việc của hội đồng trường và các quy định nội bộ khác của nhà trường; trong đó, quy định rõ vai trò, trách nhiệm và sự phối hợp giữa hội đồng trường và ban giám hiệu theo đúng quy định; phân công trách nhiệm rõ vị trí, vai trò, chức năng của mỗi thiết chế, mỗi thành viên hội đồng trường trong việc xây dựng và thực hiện chiến lược, kế hoạch, mục tiêu phát triển của cơ sở đào tạo, đảm bảo ổn định và phát triển cơ sở đào tạo; coi đây là công cụ quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả quản trị ĐH.
Nguồn: [Link nguồn]
Theo thông tin từ Trung tâm Khảo thí, Đại học Quốc gia Hà Nội, năm 2023, điểm thi đánh giá năng lực của ĐH này mở thêm hai địa điểm thi mới, nâng tổng số địa điểm thi lên...