Vì sao 18 học sinh tiểu học đột nhiên ngất xỉu, khóc thét và kích động?
Một số em học sinh biểu hiện lạ như bỗng nhiên ngất, khóc thét, co cứng chân tay, sợ hãi, gọi hỏi không trả lời, kích động, đánh người...
Sở Y tế tỉnh Cao Bằng vừa cho biết, ngày 24/11, tại điểm trường Nà Rại thuộc trường Tiểu học Cốc Pàng (Bảo Lạc, Cao Bằng), một số em học sinh biểu hiện lạ như bỗng nhiên ngất, khóc thét, co cứng chân tay, sợ hãi, gọi hỏi không trả lời, kích động, đánh người...
Đại diện Sở Y tế Cao Bằng thăm khám cho học sinh mắc chứng rối loạn phân ly tập thể. Ảnh: Sở Y tế Cao Bằng.
Thời gian xuất hiện triệu chứng lạ khoảng 3-5 phút sau đó tăng dần lên 10-30 phút. Sau khi các biểu hiện này biến mất, các em ngủ lịm khoảng 10-20 phút và tỉnh lại, giao tiếp bình thường. Tổng số trẻ có biểu hiện này gồm 18 em (2 nam, 16 nữ). Các học sinh chỉ có biểu hiện khác lạ khi ở nơi đông người, tại trường học, không xuất hiện lúc ở một mình và tại nhà.
Các triệu chứng có tính chất lây lan, khởi phát bắt đầu từ một học sinh sau đó lan truyền sang các em khác. Việc tập trung nhiều người chú ý, chăm sóc càng khiến nhiều em học sinh phát bệnh. Ngoài những cơn bất thường trên, các bệnh nhi tỉnh táo, tiếp xúc tốt, da niêm mạc hồng, tim nhịp đều, rõ; phổi thông khí đều 2 bên, không phát hiện bệnh lý, dấu hiệu bất thường.
Khi được thăm khám sức khỏe tâm thần, trẻ biểu hiện lo lắng, sợ hãi, không thể trả lời khi bác sĩ hỏi về tình trạng bệnh. Sau quá trình điều trị tại chỗ bằng một số phương pháp tâm lý cơ bản, hầu hết trẻ hồi phục hoàn toàn, có thể trở về lớp học bình thường.
Theo Bệnh viện Nhi Trung ương, rối loạn phân ly là một nhóm các bệnh lý tâm thần thường gặp với tỷ lệ 0,3 – 0,5% dân số.
Rối loạn này gặp nhiều hơn ở trẻ em gái và phụ nữ trẻ. Bệnh thường xuất hiện sau những sang chấn tâm lý, các vấn đề khó khăn, gây những cảm xúc mạnh như lo sợ cao độ, tức giận quá mức, thất vọng nặng nề…
Rối loạn phân ly tập thể là khi xảy ra đồng loạt các trường hợp rối loạn phân ly trong một nhóm hoặc một tập thể như trường học, đám đông. Khi một người trong nhóm có biểu hiện của rối loạn phân ly, những người còn lại có xu hướng “bị lan truyền”.
Sự lan truyền triệu chứng xảy ra trong nhóm người có mối quan hệ nào đó về môi trường hoặc sang chấn, tạo ra hàng loạt ca bệnh.
Các triệu chứng của rối loạn phân ly rất đa dạng, xuất hiện và kết thúc đều đột ngột thành từng cơn.
Rối loạn phân ly có khuynh hướng thuyên giảm sau vài tuần, vài tháng nhưng có thể tái phát trong trường hợp vẫn còn các sự kiện gây sang chấn. Đặc điểm của triệu chứng phân ly là tính “chịu ám thị”.
Có nghĩa là khi có một tác nhân khác gây kích thích mạnh vào niềm tin hoặc đánh lạc hướng chú ý của người bệnh, các biểu hiện phân ly có thể giảm hoặc mất đi ngay..
Trong trường hợp phân ly tập thể, các triệu chứng thường gặp là ngất, rối loạn vận động, co giật, cơn kích động cảm xúc.
Hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa xác định rõ những tổn thương não bộ gây ra rối loạn phân ly và rối loạn phân ly tập thể. Các biểu hiện của bệnh thường phát sinh trong khoảng thời gian ngắn sau các sự kiện gây sang chấn, những vấn đề không giải quyết được gây căng thẳng.
Đôi khi, các sang chấn nhỏ nhưng xảy ra thường xuyên cũng có thể là yếu tố thuận lợi cho phân ly, ví dụ như áp lực học tập, mối quan hệ bạn bè không tốt…
Trong những trường hợp như vây, rối loạn phân ly xuất hiện như một cơ chế tự phòng vệ để bảo vệ cho những cá nhân, nhằm giảm bớt những cảm xúc tiêu cực như lo âu, bất lực, đồng thời tạo ra những lợi ích thứ phát như được quan tâm, được chăm sóc.
Nguồn: [Link nguồn]
Sau vụ ngộ độc tập thể ở trường iSchool Nha Trang, lại xảy ra một vụ nghi ngộ độc thực phẩm tại trường học ở Tiền Giang ngày 25/11. Sau khi ăn bánh, dưa hấu và uống sữa,...