Vi phạm đạo đức nhà giáo vì chấm điểm đúng… thực lực học sinh?

Sự kiện: Giáo dục

“Em cho kiểm tra phần nói kiểu gì mà con người ta có 4,5 điểm, giáo viên lớp khác kiểm tra nói sao điểm cao hơn em? em vi phạm đạo đức nhà giáo là không được đứng lớp dạy nữa'...

Đó chính là lời kể lại của một giáo viên dạy Tiếng Anh, được trải lòng qua một bài viết trên nhóm facebook dành cho giáo viên. Chia sẻ này nhận được sự quan tâm của nhiều phụ huynh, giáo viên đồng cảm cho tâm sự của một nhà giáo gần 10 năm tâm huyết với nghề.

Trong bức "tâm thư", thầy giáo kể: "Tự bao giờ, hình ảnh giáo viên đã không còn nhận được tôn trọng trong mắt phụ huynh học sinh?... Tôi là giáo viên dạy ngoại ngữ của một trường cấp hai bình thường ở một tỉnh lẻ. Việc dạy và học ngoại ngữ nơi này còn khá nhiều bất cập: các em học chỉ để đối phó, phụ huynh học sinh ít dành thời gian quan tâm đến việc học của các em.

Gần mười năm về trường là ngần ấy năm tôi cố gắng truyền lửa cho các em trong việc học tiếng Anh bằng nhiều cách: giảng bài bằng Tiếng Anh, luyện các kỹ năng nghe - nói nhiều hơn, cho các em xem clip tiếng Anh nhiều hơn - thay vì cứ chỉ dạy ngữ pháp theo cách mà hầu hết các giáo viên khác hay sử dụng.

Nhưng, những năm đầu tiên về trường, khi kỹ năng nghe - nói chưa được quy định trong các bài kiểm tra, tôi nhận được sự phản ứng gay gắt từ phụ huynh: "Thi Tiếng Anh không có phần nói, làm gì giáo viên bắt con tôi học nói tiếng Anh nhiều quá vậy? "... Tất cả sự phản ứng đó tôi đều biết thông qua hiệu trưởng.

Tâm sự của thầy giáo Tiếng Anh nhận được sự quan tâm, đồng cảm từ các đồng nghiệp.

Tâm sự của thầy giáo Tiếng Anh nhận được sự quan tâm, đồng cảm từ các đồng nghiệp.

Năm nay, có chỉ đạo từ Sở GD&ĐT về việc chấm bài viết phải gắt gao hơn: Sai một lỗi nhỏ là trừ điểm hết cả câu... Tôi bắt đầu áp dụng và kết quả là điểm các em rất thấp, thậm chí ngay sau bài luyện tập, tôi cho các em làm liền bài kiểm tra với kiểu bài y hệt nhưng các em vẫn làm sai.

Tôi đã cho các em làm bài nhiều lần để lọc ra điểm cao nhất mà vào sổ thì lại tiếp tục nhận được áp lực từ phụ huynh - qua lời hiệu trưởng: "Phụ huynh nói em khó khăn và gây áp lực với học sinh để ép con người ta học thêm em"; "Em cho kiểm tra phần nói kiểu gì mà con người ta có 4,5 điểm, giáo viên lớp khác kiểm tra nói sao điểm cao hơn em? Em vi phạm đạo đức nhà giáo là không được đứng lớp dạy nữa"...

Tôi vẫn có thể nâng điểm khống cho các em để làm vui lòng học sinh, phụ huynh, cấp trên nhưng lúc đó lương tâm giáo viên có còn giá trị? Tôi đang trong tâm trạng hoang mang, buồn bã và gần như mất hết niềm tin vào nghề mình đã chọn vì không biết phải làm sao...".

Đồng cảm với nỗi niềm của thầy giáo dạy Tiếng Anh nói trên, nickname Tăng Linh viết: "Khen cho thầy tâm huyết với nghề. Nếu chỉ còn một con đường duy nhất là dạy ở trường đó thì nên chấp nhận và thay đổi thái độ để bớt nặng lòng hơn. Nếu có thêm sự lựa chọn thì cố gắng ra khỏi chỗ đó, bạn tự tin, bạn giỏi thả chỗ nào sống chẳng được".

Là một giáo viên, nickname Phạm Đọc nhìn nhận từ câu chuyện của mình: "Hồi nhiều năm làm chủ nhiệm lớp 8. Chán nản kinh khủng cho cái bệnh thành tích. Cho điểm kém thì hiệu trưởng gọi lên hỏi em suy nghĩ xem còn "cách nào khác" không? Rồi không được lại lôi đánh giá, thi đua, nào là ảnh hưởng tập thể".

Có thể hiểu được vì sao bài viết chia sẻ của người thầy tâm huyết lại nhận được nhiều lời chia sẻ, động viên của cả phụ huynh lẫn các giáo viên, bởi một thực trạng chất lượng của môn học Tiếng Anh của nước ta hiện nay khá bất cập, trong đó có nhiều nguyên nhân từ chương trình, sách giáo khoa, chất lượng giáo viên. Học sinh được điểm cao trong các nhà trường, song tại các kỳ thi vào lớp 10, kỳ thi THPT quốc gia phần lớn lại có điểm dưới trung bình.

Vừa qua, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cũng đã chủ trì cuộc tọa đàm tìm giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh. Tại đây, Bộ trưởng Nhạ thẳng thắn cho rằng, thời gian qua, dù ngành giáo dục đã có nỗ lực để cải thiện chất lượng dạy và học ngoại ngữ song kết quả vẫn chưa như mong muốn.

Bộ trưởng Nhạ cũng lưu ý đến nguồn học liệu mở, học liệu số hóa để mọi người có thể linh hoạt học mọi lúc, bên cạnh đó cần phát triển một hệ thống khảo thí chuẩn, có thể kiểm tra trình độ Anh ngữ chính xác, đồng đều, tránh tình trạng mỗi bên một kiểu như hiện nay. Quan trọng là tạo được động lực cho người học, khi người học nhận thấy học ngoại ngữ là cần thiết.

Thầy giáo Tây phổ nhạc thơ Xuân Quỳnh cực phiêu khiến học sinh “bấn loạn”

Đoạn clip ghi lại cảnh một thầy giáo Tây siêu vui tính dùng đàn guitar rồi phổ nhạc cho bài thơ “Sóng” của Xuân Quỳnh...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quang Anh ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN