'Vết sẹo' đau đớn khó lành của đứa trẻ chứng kiến cha mẹ ngoại tình
Không ít người lớn cho rằng, ngoại tình chỉ ảnh hưởng đến người bạn đời (trong trường hợp bị phát hiện) mà ít ai để ý điều đó đã tác động tiêu cực như thế nào đối với những đứa trẻ.
Người lớn cho rằng, mình có "quyền" được ngoại tình khi cuộc hôn nhân không như mong đợi. Tuy nhiên, những đứa trẻ cũng có "quyền" được yêu thương và bảo vệ khỏi những tổn thương không đáng có. Thời niên thiếu chính là giai đoạn nhạy cảm nhất của con người, hình thành tính cách và định hướng lối sống sau này, những tổn thương về tình cảm trong thời gian này chính là những mất mát không thể bù đắp được.
Những đứa trẻ phải chứng kiến cha /mẹ ngoại tình thường cảm thấy tội lỗi, tuyệt vọng, bị vấy bẩn hoặc bị tổn hại. Sau cú sốc này trẻ thường cảm thấy khó tin tưởng người khác và ít có khả năng tin tưởng vào tình yêu đích thực khi trưởng thành. Ảnh minh họa
Trong một nghiên cứu của mình, chuyên gia tâm lý người Ấn Độ Neha Anand đã cho rằng: khi biết chuyện cha mẹ ngoại tình, trẻ em thường không thể hiện cảm xúc một cách công khai. Tuy nhiên, "vết sẹo" trong tâm hồn chúng lại tồn tại rất lâu. Sự kiện đó sẽ làm thay đổi hoàn toàn "la bàn" đạo đức của một đứa trẻ, khiến chúng mất phương hướng và có những nhận thức sai lầm về hôn nhân.
Cũng theo chuyên gia này, trong không ít trường hợp, những bé trai sẽ bắt đầu trở nên thu mình, chểnh mảng học hành, cư xử sai trái và có xu hướng chống đối xã hội; trong khi đó, các bé gái sẽ sứt mẻ lòng tin với đàn ông và gặp khó khăn trong tình yêu cũng như hôn nhân khi trưởng thành.
Thực tế cho thấy, khi những quan hệ ngoài hôn nhân "vỡ lở", người lớn thường bận rộn với các vấn đề riêng của mình, đau buồn, tức giận, "ăn miếng trả miếng" hoặc tìm cách "trả thù" lẫn nhau và những đứa trẻ thường bị "bỏ quên" trong chính gia đình mình, phải tự vật lộn với mớ cảm xúc hỗn độn của riêng chúng.
Tại quê hương của Ngô Lăng Tiêu, 25 tuổi, một vùng nông thôn phía Nam Trung Quốc, chuyện một người đàn ông ngoại tình không có gì to tát. Bố của cô cũng đã lừa dối mẹ trong suốt những năm hôn nhân. Lần đầu tiên cô bắt quả tang ông ngoại tình là khi nghỉ hè lên thành phố với bố mẹ, nhưng khi cô kể với mẹ đã bị yêu cầu phải giữ bí mật.
"Không ai quan tâm đến cú sốc của tôi. Tôi biết gian lận là vô đạo đức, nhưng trên thực tế, hành vi ngoại tình của bố đã được dung thứ", Lăng Tiêu chia sẻ.
Mới là một thiếu niên, cô không biết nhìn nhận vấn đề này như thế nào, nên chỉ có thể làm theo mong muốn của mẹ và học cách im lặng. Nhưng vào kỳ nghỉ đông năm nhất đại học 2017, cô lại chứng kiến bố lừa dối lần nữa. Nhìn thấy vẻ mặt xấu hổ của ông, cô bỏ đi không nói tiếng nào.
Cứ tưởng chuyện như vậy qua đi, nhưng trong một bữa tiệc gia đình có đầy đủ ông bà và những người thân khác, Lăng Tiêu đã vạch tội ngoại tình của bố sau một tranh cãi vặt vãnh.
"Có lẽ vì mất mặt nên đầu tiên ông phủ nhận, sau đó mắng chửi tôi bằng lời lẽ gay gắt. Tôi chưa bao giờ thấy ông giận dữ đáng sợ như vậy. Khi ông định lao vào đánh tôi, những người khác đã ngăn lại", Lăng Tiêu kể.
Không ai quan tâm đến cảm xúc của cô, ai cũng cho rằng bản chất sự việc là do cô mâu thuẫn với người lớn và khuyên nên nhận lỗi. Và chính mẹ lại là người trách móc, thờ ơ và bảo cô phải nhận lỗi.
Sự việc như một sự đả kích lớn với cô gái trẻ. Lăng Tiêu tự đi làm thêm lo việc học đại học. Sau nửa năm lạnh nhạt, cha bỗng tìm tới cô, nói đang đi công tác nên tiện ghé thăm. Buổi ăn tối của hai cha con gượng gạo, ông hỏi có cần tiền không và cô từ chối. "Bây giờ con đã mạnh hơn chưa?", người cha hỏi. Cô con gái nghẹn ngào đáp: "Cha không muốn con mạnh mẽ sao?".
Trong sự im lặng khó xử, người cha rơi nước mắt. Lăng Tiêu chỉ mong ông sớm rời đi. Vì cha mẹ, cô nhiều lần đặt câu hỏi về ý nghĩa của hôn nhân, tại sao người ta lại kết hôn, tại sao những người không có nhiều tình cảm, không hợp nhau lại lại kết hôn và cứ cố sống bên nhau. Vì họ, Lăng Tiêu như người mất nhà, không còn chỗ muốn về.
Những câu chuyện như của Lăng Tiêu không khó để bắt gặp trong cuộc sống hiện đại ngày nay. Theo nghiên cứu của Viện Phát triển Con người và Sức khỏe Trẻ em Mỹ khẳng định việc bố mẹ rạn nứt tình cảm ảnh hưởng xấu đến con. Bởi nếu trẻ thường xuyên phải nhìn thấy hình ảnh bố mẹ mình không hạnh phúc sẽ ảnh hưởng cực kỳ lớn tới tâm sinh lý của chúng.
Xưa nay, tình yêu vốn là thứ khó có thể phán xét đúng - sai, nhưng đôi khi, người ta vẫn núp bóng tình yêu để thoả mãn những nhu cầu không có chút dính dáng nào đến tình cảm. Điều này không chỉ làm tổn thương những người trong cuộc, mà còn tổn thương trực tiếp đến những đứa trẻ - nạn nhân bấy bớt nhất của những cuộc chiến gia đình.
Khi một đứa trẻ phát hiện ra cha/mẹ ngoại tình, điều đó sẽ làm thay đổi hoàn toàn la bàn đạo đức của chúng và làm nhầm lẫn tất cả những gì chúng hiểu về hôn nhân. Ảnh minh họa
Tuy nhiên, nhà tâm lý Neha Anand chỉ ra rằng trẻ chứng kiến mối quan hệ căng thẳng của bố mẹ vẫn có thể bù đắp bằng việc nhìn vào một mô hình gia đình khác, để hiểu rằng không phải cuộc hôn nhân nào cũng tương tự như của bố mẹ. Trẻ cũng cần phải được đón nhận tình yêu thương của bố, mẹ, đại gia đình hai bên... dù những người sinh ra chúng không còn sống bên nhau.
Về phía cha mẹ, ngay cả khi ngoại tình đã xảy ra, hãy cố gắng đừng bao giờ gây gổ với bạn đời trước mặt con cái và khoét sâu nỗi tổn thương của con bằng việc nói đi nói lại chuyện ngoại tình của bạn đời.
Cho dù cha mẹ đang phải trải qua những gì, nên cố gắng hết sức để giữ con cái tránh khỏi cuộc xung đột. Đồng thời, nên nói chuyện với con về những gì sẽ thay đổi và không thay đổi, cho con thấy tình cảm vô điều kiện của bố mẹ dành cho con là một trong những thứ sẽ không khi nào thay đổi.
Cuộc dạo chơi tình ái có thể rất thú vị, kích thích và phiêu lưu. Nhưng có lẽ có những niềm hạnh phúc chính trực và đáng được nâng niu, trân trọng hơn thế, đó là hạnh phúc khi mang lại hạnh phúc cho người khác, cho thế hệ di sản của mình.
Nguồn: [Link nguồn]
Nếu con của bạn có bất kỳ hành vi nào trong các hành vi dưới đây hãy sửa ngay lập tức, nếu không muốn tuổi già buồn bã, cô quạnh.