Về bài thơ Nam quốc sơn hà: Tổng chủ biên sách ngữ văn lớp 7 lên tiếng
GS Phi cho rằng có lẽ họ thích nghe êm tai. Cái bài mọi người quen thuộc lâu nay có ưu điểm là êm tai nhưng êm tai không phải là tiêu chuẩn cao nhất. Nó có những vấn đề khác quan trọng hơn.
Chiều 9-11, GS Nguyễn Khắc Phi, Tổng Chủ biên SGK ngữ văn lớp 7, đã trao đổi với Pháp Luật TP.HCM sau những ý kiến trái chiều xung quanh việc đưa bản dịch bài thơ Nam quốc sơn hà (của Lê Thước và Nam Trân) thay vì một bản dịch vốn lâu nay đã quá quen thuộc với người dân.
GS Nguyễn Khắc Phi, cho rằng bài thơ Nam quốc sơn hà tương truyền của danh tướng Lý Thường Kiệt, ngay cả văn bản chữ Hán cũng có nhiều dị bản khác nhau, hiện có khoảng 30 dị bản.
“Khi làm sách chúng tôi cũng phải cân nhắc ngay bản chữ Hán thì nên dùng bản nào. Cuối cùng chọn bản theo Đại Việt sử ký toàn thư, tuy nhiên có đảo chữ “Tiệt nhiên phận định” trong Đại Việt sử ký toàn thư thành “Tiệt nhiên định phận”. Phiên âm chữ Hán trong bức tranh sơn mài ở Viện Bảo tàng lịch sử cũng sửa lại là “định phận” - GS Phi nói.
Nguyên văn bản dịch bài thơ Nam quốc sơn hà được trưng bày ở Viện Bảo tàng lịch sử.
GS Phi cho biết theo phiên âm chữ Hán được đặt trong Viện Bảo tàng lịch sử cũng có ít nhất sáu bản dịch khác nhau. Ba bản dịch trong SGK, bản dịch của GS Trần Nghĩa, Nguyên viện trưởng Viện Hán nôm, bản dịch của GS Bùi Văn Nguyên, chuyên gia đầu ngành của Văn học trung đại và bản được một số người cho là hay.
“Chúng tôi trong ban biên tập nhận định không có bản nào dịch hoàn thiện cả. Đây là văn bản cổ, nhìn ra thì đơn giản nhưng rất không đơn giản. Vì không có bản nào là hoàn thiện nên chúng tôi chọn hai bản, cái này đúng phương châm giảng dạy mới của bộ, không trói buộc vào một văn bản nào đó” - GS Phi chia sẻ.
GS Phi cho rằng có lẽ họ thích nghe êm tai. Cái bài mọi người quen thuộc lâu nay có ưu điểm là êm tai nhưng êm tai không phải là tiêu chuẩn cao nhất. Nó có những vấn đề khác quan trọng hơn.
Bản dịch của Lê Thước - Nam Trân trong phần bài học chính, sách ngữ văn lớp 7, tập 1
“Lấy một ví dụ là nhược điểm của bài dịch “Sông núi nước Nam vua Nam ở/ Rành rành định phận tại sách trời/ Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm/ Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời”, từ “định phận” để nguyên không dịch, đó là từ khóa. Vì chữ “phận” có hai nghĩa, phận là địa phận, ranh giới, biên giới và phận có nghĩa là số phận, cho nên nếu không dịch thì “định phận” là số phận đã định. Nó gợi lên một liên tưởng tiêu cực. Bản dịch nói lên vấn đề bờ cõi, biên giới nên chúng tôi đã cân nhắc rất nhiều” - GS Phi phân tích.
Thứ nữa, dùng từ “vằng vặc” vừa sáng vừa rõ ràng, nó cụ thể và ý nghĩa hơn là “rành rành”.
Theo GS Phi, trong bài cũng đã giới thiệu hai bản dịch khác nữa, là bản dịch của Ngô Linh Ngọc (trong Tổng tập văn học Việt Nam, tập I, NXB Khoa học xã hội Hà Nội, 1980) và một bản dịch trên bức sơn mài ở Viện Bảo tàng lịch sử.
Bản dịch của Ngô Linh Ngọc
Tại sao lại đưa bản dịch của Ngô Linh Ngọc, GS Phi cho biết bản "dịch hay thứ nhất là giữ lại được chữ “đế”, còn các bản khác hầu hết đều dịch là “vua”. Đặt trong bối cảnh lịch sử, “vua” là “vương”, là cấp dưới thấp hơn “đế”".
Một điểm nữa, câu cuối cùng, dùng chữ “chuốc”, không có gì hay bằng. Đây là việc gieo gió gặt bão, gây ra thì “chuốc” lấy.
“Tôi nghĩ rằng một vài người hiểu chưa đúng nên phản ứng. Khi chọn bản dịch nào chúng tôi đã cân nhắc rất kỹ” - GS Phi nói.
Trả lời tại sao không đưa bản dịch vốn mọi người đã thuộc nằm lòng, GS Phi nói: Thứ nhất là không thể đưa hết tất cả các bản dịch, thứ hai là có từ “định phận” khiến mọi người hiểu lầm. Ngoài ra hiện nay sách, Internet rất thuận tiện để mọi người tham khảo, đọc thêm các tài liệu ở ngoài.
GS Trần Đình Sử, thành viên nhóm chủ biên sách ngữ văn 7, cho biết những bản dịch này đã có từ lâu, dịch giả cũng đều là những bậc túc nho nổi tiếng. Bản dịch của Lê Thước và Nam Trân dịch theo vần trắc, rắn rỏi và gân guốc hơn, còn dịch theo vần bằng thì nghe êm ái. |