Vào vai Thủy Tinh, đoạt giải cuộc thi viết thư UPU

Theo thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Đà Nẵng, em Đào Thụy Thùy Dương, học sinh lớp 6 của Trường THCS Tây Sơn (quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng) đã giành giải Nhất Cuộc thi quốc gia viết thư UPU lần thứ 42.

Trong thư, em Thùy Dương đã hóa thân thành thần nước Thủy Tinh viết thư gửi thần núi Sơn Tinh để nói về giá trị của nguồn nước theo chủ đề của cuộc thi UPU năm nay “Em hãy viết một bức thư để nói tại sao nước là quý”. Chủ đề này gắn với Thập niên hành động nước đối với cuộc sống 2005-2015 của Liên Hợp Quốc.

“Ta nói thật nhé, thiên tai bão lụt ngày nay đâu phải do ta muốn trả thù mi mà là do loài người gieo gió nên phải gặt bão, chứ ngày nay ta cũng đã già rồi, hơi sức đâu mà ghen tuông nữa”, với cách viết thư hồn nhiên pha chút hóm hỉnh này, Thùy Dương đã thuyết phục được Ban Tổ chức.

Cuộc thi viết thư UPU lần thứ 42 đã nhận được hơn 1,24 triệu bức thư tham gia của học sinh trên cả nước. Ngoài giải nhất của em Thùy Dương, Ban tổ chức cũng xét tặng 3 giải nhì, 5 giải ba, 30 giải khuyến khích và 3 giải phụ (dành cho học sinh nhỏ tuổi nhất, học sinh dân tộc nội trú và 1 giải cho học sinh khuyết tật).

Trước đó, vào năm 2010, một học sinh khác của trường THCS Tây Sơn là em Hồ Thị Hiếu Hiền đã dành Giải nhất quốc gia và quốc tế cuộc thi UPU lần thứ 39.

Vào vai Thủy Tinh, đoạt giải cuộc thi viết thư UPU - 1

Em Đào Thụy Thùy Dương

Bắt đầu từ năm 1972, cuộc thi viết thư quốc tế UPU do Liên minh Bưu chính Thế giới tổ chức thường niên cho thiếu nhi, học sinh từ 15 tuổi trở xuống. Cuộc thi với mục đích góp phần phát triển khả năng viết văn và sự phong phú trong tư duy sáng tạo của các em thiếu nhi; tạo điều kiện thắt chặt tình hữu nghị giữa các dân tộc trong thế hệ trẻ; đồng thời giúp các em hiểu thêm về vai trò của ngành bưu chính trong cuộc sống và phát triển xã hội. Việt Nam đã 23 lần tổ chức cho thiếu nhi trong cả nước tham gia cuộc thi viết thư quốc tế UPU.

Trích đoạn bức thư của em Thùy Dương:

Biển Đông, ngày 1/1/2013

Chào Sơn Tinh, kẻ tình địch không đội trời chung của ta! Chắc mi bất ngờ lắm khi nhận được lá thư này, bởi vì, xưa nay ta chỉ đối đầu chứ có bao giờ chịu đối thoại với mi đâu. Nhưng hôm nay ta muốn nói chuyện với mi vì ta có một chuyện cực kỳ quan trọng.

(…)

Nói một cách công bằng thì cả hai chúng ta đều có công lao to lớn đối với con người. Chúng ta là Cha là Mẹ sản sinh ra họ, hết lòng nuôi dưỡng họ nhưng sao họ chỉ nhớ ơn và quý trọng mi thôi, còn đối với ta họ hết sức coi thường. Ngày trước, tuy họ không về phe ta nhưng đối xử với ta cũng còn chút thân thiện, còn ngày nay lãng phí ta như thể ta là một thứ xoàng xĩnh, nhiều vô kể. Lắm kẻ còn ngang nhiên xả rác rưởi, nước thải bẩn làm cho ta bẩn thỉu, hôi hám, nhiễm bệnh mà chết dần chết mòn. Thậm chí họ còn giở âm mưu thâm độc chặt hết cây rừng để ta không còn nơi trú ngụ, khiến những ao hồ, sông suối cạn khô.

Ta thấy ngày nay con người thật là dại dột. Chẳng lẽ họ không biết tới quy luật “Trạng chết Chúa cũng băng hà”, huỷ hoại ta thì một tương lai đen tối cũng đang chờ đón họ: Tới năm 2035, gần nửa dân số trái đất sẽ phải đối mặt với các khó khăn vì thiếu nước. Trong tương lai không xa, Thuỷ Tinh ta sẽ là nhân tố có ảnh hưởng quyết định đến đời sống của toàn nhân loại như gây mất ổn định chính trị, xung đột vũ trang, đói nghèo, bệnh tật…

Ta nói thật nhé, thiên tai bão lụt ngày nay đâu phải do ta muốn trả thù mi mà là do loài người gieo gió nên phải gặt bão, chứ ngày nay ta cũng đã già rồi, hơi sức đâu mà ghen tuông nữa.

(…)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Mai Vy (Chinhphu.vn)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN