Vẫn còn băn khoăn qua bài thi đánh giá năng lực tuyển sinh vào lớp 6
Trong tháng 6, một số trường THCS ngoài công lập chất lượng cao ở Hà Nội đã tổ chức kỳ kiểm tra, đánh giá năng lực (KTĐGNL) và một số trường sẽ tổ chức kiểm tra trong những ngày tới bằng hình thức này.
Theo đánh giá bước đầu của lãnh đạo một số trường và phụ huynh, hình thức này giúp tuyển sinh bảo đảm công khai, minh bạch và chính xác hơn, tạo cơ hội cho nhiều thí sinh được thử sức. Tuy nhiên, vẫn có không ít ý kiến băn khoăn khi lần đầu tiên, các trường THCS tổ chức KTĐGNL.
Mặc dù 16 trường THCS có đặc điểm không phân tuyến tuyển sinh và số học sinh đăng ký vào học lớp 6 nhiều hơn chỉ tiêu tuyển sinh (trường chất lượng cao, trường ngoài công lập) được Sở GD&ĐT Hà Nội cho phép thực hiện phương thức xét tuyển, hoặc kết hợp xét tuyển với KTĐGNL, tuy nhiên chỉ có các trường ngoài công lập (NCL) tổ chức xét tuyển kết hợp KTĐGNL.
Học sinh dự kiểm tra đánh giá năng lực tại Trường THCS Đoàn Thị Điểm (Hà Nội).
Còn 10 trường công lập trong diện được “nới” phương thức tuyển sinh vẫn áp dụng xét tuyển.
Tại TP Hồ Chí Minh, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa tuyển sinh đầu vào cấp hai bằng hình thức khảo sát. Được Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh cho phép, từ năm học 2015-2016, nhà trường thực hiện hình thức này với gần 4.000 học sinh dự tuyển, làm bài thi khảo sát năng lực vào lớp 6 và có 380 em học sinh trúng tuyển.
Kỳ tuyển sinh năm học 2018-2019, vào ngày 14-6 tới, học sinh thực hiện bài khảo sát năng lực để giành suất vào học tại trường (chỉ tiêu tuyển là 525 học sinh).
Bài khảo sát gồm hai phần: trắc nghiệm (chiếm 60% tổng số điểm bài thi) và phần tự luận, tổng thời gian làm bài 90 phút, đề cập đầy đủ lĩnh vực toán học tư duy, toán thực tiễn, năng lực tiếng Anh, hiểu biết tự nhiên, khoa học đời sống, thông tin, kiến thức khoa học vận dụng vào các tình huống trong cuộc sống…
Theo Hiệu trưởng Lâm Triều Nghi, học sinh chỉ cần nắm chắc kiến thức cơ bản và có kiến thức về xã hội là sẽ làm được bài, nhà trường không ra đề thi mẫu vì bài thi khảo sát cần kiến thức rộng, không bó buộc vào nội dung kiến thức cụ thể nào; mặt khác, học sinh không cần luyện thi, học thêm vì đòi hỏi tư duy, năng lực vận dụng, học kiểu nhồi nhét, học tủ sẽ không thể làm được.
Là một trong những trường tổ chức kỳ KTĐGNL đầu vào sớm nhất ở Hà Nội và đã niêm yết kết quả vào ngày 7-6 vừa qua, ông Đặng Quốc Thống, Hiệu trưởng Trường THCS Đoàn Thị Điểm cho biết, công tác tổ chức kỳ kiểm tra được nhà trường chuẩn bị chu đáo.
Năm nay, tỉ lệ chọi vào trường là 2 chọn 1, với tổng số gần 1.600 học sinh dự kiểm tra.
Quan điểm của nhà trường là không cần học thêm vẫn có thể làm được bài vì đề ra trong phạm vi chương trình lớp 5, tập trung vào 3 môn Toán, Văn, Ngoại ngữ, tuy nhiên cũng có 1-2 số câu hỏi khó để phân loại, xếp vào các lớp tăng cường Văn - Anh, Toán, Toán - Anh, Tiếng Anh, Tiếng Anh chất lượng cao, Tiếng Pháp.
Trường không công bố đề kiểm tra mẫu để tránh tình trạng luyện thi, học thêm bùng phát. Tuy nhiên, nỗi lo với các phụ huynh là khó tránh và có phần nặng nề hơn bởi năm đầu tiên đề ra theo dạng tổ hợp, phụ huynh thường nắm rõ sức học của con qua môn Toán, Văn, Ngoại ngữ, còn kiến thức mảng khoa học tự nhiên, khoa học xã hội thì khó đánh giá hơn.
Chị Trương Thanh Hải bộc bạch, cái hay của KTĐGNL là tạo cơ hội cho nhiều bạn được dự tuyển. Con trai chị cũng tích cực ôn luyện, tìm những đề kiểm tra trên mạng để tự làm, chăm chỉ đọc lại sách để củng cố kiến thức.
Không tổ chức cho học sinh làm bài KTĐGNL mà tuyển sinh dựa vào khả năng tiếng Anh và đánh giá năng lực, phẩm chất của học sinh qua việc tổ chức “một ngày là học sinh THCS” dành cho những học sinh muốn dự tuyển - là cách làm riêng biệt của trường THCS Nguyễn Siêu (Cầu Giấy, Hà Nội).
Với chỉ tiêu năm học 2018-2019 tuyển 240 học sinh lớp 6, trong đó 70% đã được chọn là học sinh hệ tiểu học của trường chuyển lên; trường chỉ tuyển bổ sung hơn 70 học sinh từ trường bên ngoài.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phạm Tất Thắng nhận định, xét tuyển hoặc xét tuyển kết hợp KTĐGNL mỗi phương án đều có ưu thế riêng, cơ quan quản lý phải xem xét, lựa chọn phương án phù hợp nhất.
Học bạ phản ánh kết quả học tập của học sinh cả một giai đoạn, một cấp học do nhà trường quản lý, có thể bị ảnh hưởng bởi yếu tố cảm tính, nhân nhượng, bệnh thành tích, tạo điều kiện “làm đẹp” hồ sơ nên nếu chỉ xét tuyển có thể gặp nhiều khó khăn.
Vì vậy bên cạnh xét tuyển, KTĐGNL nếu tổ chức bài bản, sàng lọc công tâm thì sẽ giúp các trường có thể tuyển được đầu vào đáp ứng yêu cầu. Mấu chốt là phải tính toán để không tạo ra áp lực thi cử dẫn đến hệ lụy dạy thêm, học thêm.
Theo ông Phạm Quốc Toản, Trưởng phòng Quản lý thi và kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD&ĐT Hà Nội, dù thực hiện theo cách nào thì việc tuyển sinh phải phù hợp mục tiêu và mô hình giáo dục của nhà trường, hơn hết là đặt quyền lợi của học sinh lên hàng đầu, không được gây áp lực cho học sinh, áp lực cho xã hội, bảo đảm theo đúng chủ trương “3 tăng, 3 giảm”: Tăng quy mô, tăng chất lượng tuyển sinh, tăng cường cơ sở vật chất cho các trường học; giảm số học sinh trái tuyến, số học sinh trên một lớp, số lớp ở những trường quá đông lớp học.
Dù năm nay, Bộ GD&ĐT có quyết định “cởi trói” cho việc tuyển sinh vào lớp 6 cho các trường đặc thù không phải thực...