Văn bằng nước ngoài nào đủ điều kiện để được công nhận ở Việt Nam?

Sự kiện: Giáo dục

Bộ GD&ĐT vừa đưa ra dự thảo quy định về điều kiện, thủ tục, thẩm quyền công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp để sử dụng tại Việt Nam.

Theo dự thảo, công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp để sử dụng tại Việt Nam là việc xác định cấp học, trình độ đào tạo ghi trên văn bằng theo hệ thống giáo dục của nước nơi cơ sở giáo dục nước ngoài đặt trụ sở chính. Trong trường hợp tương thích thì công nhận tương đương đối với văn bằng trong hệ thống giáo dục quốc dân Việt Nam hoặc bậc trình độ theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam.

Ảnh: internet

Ảnh: internet

Nội dung công nhận văn bằng gồm: cấp học, trình độ đào tạo tương ứng với một trong những hệ thống sau: hệ thống giáo dục quốc dân Việt Nam hoặc Khung trình độ quốc gia Việt Nam; chuẩn phân loại giáo dục quốc tế của UNESCO (ISCED 2011); hệ thống giáo dục hoặc khung trình độ quốc gia của nước nơi cơ sở giáo dục nước ngoài đặt trụ sở chính. Định hướng của chương trình giáo dục, đào tạo; trình độ đào tạo kế tiếp chấp nhận văn bằng là điều kiện đầu vào.

Việc công nhận văn bằng được thực hiện theo nhu cầu của người có văn bằng. Người có văn bằng chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của văn bằng.

Điều kiện công nhận văn bằng

Để được công nhận, văn bằng do các cơ sở giáo dục nước ngoài cấp phải đáp ứng một trong ba điều kiện sau:

Thứ nhất, chương trình giáo dục được kiểm định chất lượng bởi cơ quan có thẩm quyền về kiểm định chất lượng giáo dục của nước nơi cơ sở giáo dục nước ngoài đặt trụ sở chính hoặc được công nhận bởi cơ quan có thẩm quyền về giáo dục của nước nơi cơ sở giáo dục nước ngoài đặt trụ sở chính.

Thứ hai, cơ sở giáo dục nước ngoài được cơ quan có thẩm quyền về giáo dục của nước nơi cơ sở giáo dục nước ngoài đặt trụ sở chính cho phép đào tạo, cấp bằng hoặc được cơ quan có thẩm quyền về kiểm định chất lượng giáo dục của nước nơi cơ sở giáo dục nước ngoài đặt trụ sở chính công nhận chất lượng và văn bằng được cơ quan có thẩm quyền về giáo dục của nước đó công nhận.

Thứ ba, văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp thuộc phạm vi áp dụng của hiệp định, thỏa thuận về tương đương văn bằng hoặc công nhận lẫn nhau về văn bằng hoặc điều ước quốc tế có liên quan đến văn bằng mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký kết được công nhận theo các điều khoản của hiệp định, thỏa thuận hoặc điều ước quốc tế.

Đối với văn bằng được cấp bởi cơ sở giáo dục đang hoạt động tại nước khác nơi cơ sở giáo dục đặt trụ sở chính (bao gồm cả Việt Nam) được công nhận khi cơ sở giáo dục được cơ quan có thẩm quyền về giáo dục của hai nước cho phép mở phân hiệu, cho phép đào tạo hoặc phê duyệt việc hợp tác, liên kết đào tạo theo quy định; thực hiện hoạt động đào tạo theo quy định về hợp tác, đầu tư trong giáo dục và theo phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền đồng thời đáp ứng quy định. Đối với các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài thực hiện tại Việt Nam, các cơ sở giáo dục Việt Nam phải xác nhận bằng văn bản về việc chương trình liên kết đáp ứng quy định về liên kết đào tạo và văn bản phê duyệt liên kết đào tạo của cấp có thẩm quyền theo quy định.

Việc công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp cho người học bị ảnh hưởng bởi chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn và các trường hợp bất khả kháng khác do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định.

Hai đơn vị có thẩm quyền công nhận văn bằng là Giám đốc Trung tâm Công nhận văn bằng trực thuộc Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT công nhận văn bằng các trình độ của giáo dục đại học. Giám đốc Sở GD&ĐT công nhận bằng tốt nghiệp THCS, bằng tốt nghiệp THPT, giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông.

Trong thời hạn 5 ngày làm việc, cơ quan có thẩm quyền công nhận văn bằng có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ. Trường hợp hồ sơ chưa đủ hoặc không bảo đảm yêu cầu, cơ quan có thẩm quyền công nhận văn bằng thông báo, hướng dẫn cụ thể để người đề nghị công nhận văn bằng chỉnh sửa, bổ sung hồ sơ.

Trong thời hạn 15 ngày làm việc, cơ quan có thẩm quyền công nhận văn bằng trả kết quả công nhận văn bằng cho người đề nghị công nhận văn bằng. Trường hợp cần làm rõ thông tin về văn bằng từ cơ sở giáo dục nước ngoài hoặc cơ quan có thẩm quyền nước ngoài, thời hạn trả kết quả công nhận văn bằng không vượt quá 30 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ công nhận văn bằng và phải có thông báo đến người đề nghị công nhận văn bằng.

Dự thảo cũng quy định các điều kiện điều chỉnh, hủy bỏ kết quả công nhận văn bằng. Trong đó, trường hợp phát hiện có sai sót dẫn đến sai lệch thông tin ghi trên giấy công nhận văn bằng, thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền công nhận văn bằng ra quyết định thu hồi giấy công nhận văn bằng đã cấp để điều chỉnh thông tin và cấp lại giấy công nhận văn bằng cho người có văn bằng.

Trường hợp xác minh được văn bằng không hợp pháp hoặc hồ sơ đề nghị công nhận văn bằng không trung thực, sai sót hoặc chương trình liên kết đào tạo không thực hiện đúng quy định thì kết quả công nhận văn bằng bị hủy bỏ.

Các ngành 'hot' thống trị bảng điểm

Hôm qua (5/4), ĐHQG TPHCM đã mở cổng cho thí sinh đăng ký xét tuyển đại học sử dụng phương thức xét tuyển bằng kỳ thi đánh giá năng lực (ĐGNL) do đơn vị này tổ chức. Đây...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nghiêm Huê ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN