Ưu và nhược sách “tròn - vuông - tam giác” của Giáo sư Hồ Ngọc Đại
Một số địa phương, giáo viên cho biết, SGK Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục do GS. Hồ Ngọc Đại làm chủ biên có nhiều ưu điểm giúp học sinh tiếp cận ngôn ngữ, đọc, viết chuẩn… Tuy nhiên, cũng bộc lộ một số điểm chưa phù hợp.
40 năm thăng trầm sách công nghệ giáo dục
Trong mấy ngày qua, dư luận xôn xao trước thông tin bộ sách giáo khoa (SGK) lớp 1 công nghệ giáo dục do GS. Hồ Ngọc Đại làm chủ biên được triển khai "thực nghiệm" suốt 40 năm qua đã không vượt qua thẩm định vòng 1 của Hội đồng quốc gia thẩm định SGK lớp 1.
Khi biết tin này, nhiều nhà giáo, phụ huynh và những người từng học trường thực nghiệm, học qua chương trình SGK của GS. Hồ Ngọc Đại cảm thấy tiếc nuối. Bởi một bộ sách tâm huyết được nhiều người đánh giá cao và được coi là cứu cánh cho xóa mù chữ, tái mù chữ ở nhiều nơi nay có nguy cơ thêm một lần bị dừng lại vào năm sau.
Theo ước tính, hiện có khoảng 930.000 học sinh lớp 1 học Tiếng Việt 1 - Công nghệ Giáo dục (TV1-CNGD). Con số này cho thấy hẳn bộ sách phải có những ưu điểm nhất định. Việc sẽ bị ngừng áp dụng vào năm sau gây ra nhiều tranh luận cũng là điều dễ hiểu.
Dư luận xã hội đặt ra yêu cầu đối với Hội đồng thẩm định Quốc gia cần khách quan, có đánh giá từ chính các cơ sở giáo dục, đội ngũ giáo viên và người học. Từ đó đưa ra so sánh với các chương trình khác và lựa chọn chương trình phù hợp nhất.
Sách Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục hiện được triển khai tại nhiều tỉnh, thành.
Tại nhiều địa phương, TV1-CNGD cũng đã trải qua nhiều thăng trầm, từ thử nghiệm đến đại trà, dừng dạy và tiếp tục dạy đại trà tại hàng chục tỉnh, thành trên phạm vi cả nước. Tiêu biểu như tại Quảng Trị, từ năm 1995, việc dạy học TV1-CNGD đã triển khai tại trường Năng khiếu Thực nghiệm (nay là trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc) thành phố Đông Hà. Năm học 2017 - 2018 đến nay, Quảng Trị đã sử dụng bộ sách này trong toàn tỉnh.
Theo đánh giá của Sở GD&ĐT Quảng Trị, chương trình TV1-CNGD đã giúp học sinh tiếp thu kiến thức tiếng Việt một cách vững chắc, không tái mù, nắm vững cấu tạo ngữ âm tiếng Việt, nắm chắc luật chính tả, phần lớn học sinh đọc thông viết thạo.
Chương trình này giúp học sinh biết phân biệt được tiếng giống nhau, tiếng khác nhau và nắm chắc cấu trúc của tiếng Việt gồm các bộ phận: phần đầu, phần vần, thanh. Trên cơ sở đó, các em biết đánh vần một tiếng theo cơ chế hai bước…
Ngoài ra, học sinh tích cực và chủ động tham gia vào hoạt động học; tự tạo ra sản phẩm cho chính mình. Tài liệu thực hiện theo nguyên tắc "thầy giao việc, trò thực hiện" nên đã hình thành được ở giáo viên phương pháp dạy tích cực, học sinh học tích cực.
Kết quả dạy học môn TV1-CNGD đảm bảo chất lượng, kết quả chung môn tiếng Việt của cấp tiểu học tại Quảng Trị luôn ổn định và phát triển (năm học 2016 - 2017 có 98,43%, năm học 2017 - 2018 có 98,64% học sinh hoàn thành chương trình môn tiếng Việt)…
Nhiều địa phương đánh giá sách Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục có hiệu quả cao.
Một số nội dung khó với cô trò vùng cao
Về một số khó khăn, bà Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Trị cho biết: "Học sinh Quảng Trị tiếp cận với TV1-CNGD không có khó khăn gì trong sự khác biệt về ngôn ngữ, học sinh biết và nắm chắc luật chính tả. Tuy nhiên, cần có nhiều thời gian để học sinh rèn luyện các kĩ năng nhưng thời lượng dành cho mỗi tiết dạy còn ít. Một số ngữ liệu trong tài liệu chương trình tương đối khó với học sinh. Một số lớp học sinh có sĩ số đông nên việc rèn đọc và viết cho học sinh còn hạn chế…".
Còn tại Lào Cai, bộ SGK TV1-CNGD được đưa vào sử dụng từ năm 2013 ở tất cả các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh. Theo đánh giá, bộ sách này có rất nhiều ưu điểm trong đọc, viết… Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng, bộ sách còn nhiều điểm tồn tại, hạn chế.
Trong quá trình dạy học tiểu học (lớp 1) suốt 20 năm qua, cô Vũ Thị Mai - giáo viên Trường Tiểu học Y Tý (xã Y Tý, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) đã có 14 năm dạy chương trình phổ thông đại trà và 6 năm dạy chương trình TV-GDCN. Cô Mai cho biết, mỗi chương trình có ưu, nhược riêng nhưng TV1-CNGD có nhiều phần khó, thậm chí khó hơn cả chương trình trước đây.
Cụ thể, theo cô Mai, đối với phần đầu của tập 1, khi học sinh làm quen với các âm vần, nhiều phụ huynh thắc mắc luôn "tại sao dạy con tôi đọc chữ trong khi chỉ có tròn, vuông, tam giác?". Tuy nhiên, phần này lại tương đối thuận lợi cho học sinh. Giáo viên lập biểu mẫu rồi, các tiết sau thực hành các em theo ba - rem để làm rất là trôi chảy.
Về điểm cần phải điều chỉnh, cô Vũ Thị Mai cho rằng: "Khó khăn cho cả cô và trò là khi dạy ở tập 2 là có bài đọc quá dài, nhiều vần khó, gây khó khăn cho học sinh vùng cao. Có những vần quá khó, cô cũng đọc thật chậm mới đúng được, có những em đọc đi đọc lại không đọc được, ví dụ như các vần "uau", "quàu", "quạu" rất ít gặp và khó đọc.
Một số bài đọc, bài viết chính tả rất dài, giờ dạy không đủ. Có nhiều đồng nghiệp nói rằng việc dạy học dễ dàng, nhưng thực lòng mà nói có một số phần quá sức với học sinh vùng dân tộc như chỗ tôi".
GS. Hồ Ngọc Đại cho biết, sẽ không điều chỉnh lại bộ sách công nghệ.
Trên thực tế, nhiều địa phương cũng không triển khai bộ sách công nghệ giáo dục của GS. Hồ Ngọc Đại. Có thể kể đến các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng là những nơi "nói không" với bộ sách này và vẫn kiên trì với bộ SGK phổ thông đại trà.
Liên quan tới việc bộ SGK công nghệ giáo dục lớp 1 của GS. Hồ Ngọc Đại không vượt qua thẩm định vòng 1, trước đó, Hội đồng Quốc gia thẩm định SGK lớp 1 cho biết, ba bản thảo SGK Công nghệ giáo dục lớp 1 gồm: Tiếng Việt, Toán, Đạo đức đều "Không đạt" ở vòng thẩm định đầu tiên.
Theo lý giải, các bản thảo không đáp ứng đầy đủ 13 tiêu chí của SGK do Bộ GD&ĐT ban hành, tác giả có thể chỉnh sửa, bổ sung... Tuy nhiên, GS. Hồ Ngọc Đại tuyên bố sẽ không có bất kỳ bổ sung, điều chỉnh nào với bộ sách.
Theo kế hoạch, từ năm học 2020 - 2021 sẽ áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới, bắt đầu từ lớp 1. Do đó, việc lựa chọn SGK là khâu rất quan trọng, có được bộ sách theo đúng chủ trương của chương trình mới theo hướng phát triển tư duy, năng lực phẩm chất của học sinh. Xã hội đang kỳ vọng vào một bộ SGK giúp cho những những mục tiêu của chương trình thực sự được "cất cánh".
“Tôi thanh thản. Còn ý kiến cá nhân tôi cho rằng biểu quyết của tập thể không phải lúc nào cũng đúng. Điều quan trọng...