Ứa nước mắt cảnh giáo viên trèo đèo lội suối vận động học sinh đến trường
Trước thềm năm học mới, nhiều trường mầm non, tiểu học ở huyện Quế Phong (Nghệ An) lại cắt cử giáo viên vượt núi, băng rừng vào tận nhà các em học sinh để vận động đến trường.
Cảnh đi lại vất vả của giáo viên đến tận bản làng vận động học sinh đến trường đi học ở xã Tri Lễ (huyện Quế Phong, Nghệ An).
Năm học 2023-2024, theo kế hoạch học sinh tại Nghệ An sẽ tựu trường vào ngày 28/8. Ngày 5/9, các trường học sẽ tổ chức khai giảng năm học mới. Bắt đầu từ tháng 8, nhiều trường học ở Nghệ An đã chuẩn bị cơ sở vật chất cho năm học mới. Trong ảnh, lớp mẫu giáo điểm Huồi Xái thuộc trường mầm non Tri Lễ, xã Tri Lễ, huyện miền núi Quế Phong (Nghệ An) đã được dọn dẹp sạch sẽ.
Tại xã biên giới Tri Lễ (Quế Phong, Nghệ An), ngoài việc chuẩn bị cơ sở vật chất, các giáo viên ở các điểm trường tiểu học, mầm non xã Tri Lễ còn phải đi từng nhà để vận động phụ huynh đưa con em đến trường đầu năm học mới .
Con đường từ trung tâm xã đến điểm trường tiểu học, mầm non Huồi Mới dài hơn 10km nhưng có nhiều đoạn đường bùn đất trơn trượt, lầy lội. Ngày nắng thì bụi, đất đá lởm chởm. Ngày mưa thì lầy lội, nhão nhoét khiến công tác đi vận động học sinh của các giáo viên gặp khó khăn.
Cô Hoàng Thị Đài - Hiệu trưởng trường mầm non Tri Lễ (xã Tri Lễ) cho biết, bắt đầu từ ngày 1/8, trường đã cắt cử 14 giáo viên vào 5 điểm trường ở các bản của xã Tri Lễ vận động học sinh , phụ huynh cho con em đến trường đi học. "5 điểm trường Huồi Mới, Pà Khốm, Mường Lống, Huồi Xái, Nậm Tột là những điểm trường có 100% học sinh là con em đồng bào dân tộc Mông. Các giáo viên phải đến vận động phụ huynh cho các cháu từ 3-5 tuổi đến trường đi học", cô Đài nói.
Tuyến đường dài chỉ hơn 10km nhưng dốc núi khó đi. Nhiều khi đi xe bị lầy lội kẹt cứng, các giáo viên phải "cuốc bộ" mất cả buổi mới vào được nhà để vận động học sinh.
"Các cô phải đến tận nhà vận động cho con em đi học nhưng cũng khó khăn. Ngoài việc bất đồng ngôn ngữ thì khó khăn khi bố mẹ, ông bà các em thường xuyên đi làm rẫy xa, khó để gặp được. Kinh tế của các gia đình ở đây khó khăn, đường đi vất vả nên thông thường ông bà bố mẹ không cho con đến trường mà đưa các con lên rẫy cùng. Các cô phải nhờ trưởng bản, các giáo viên biết tiếng Mông đi cùng để vận động phụ huynh hiểu tầm quan trọng cho các cháu đến trường đi học sớm", Hiệu trưởng trường mầm non Tri Lễ Hoàng Thị Đài nói.
Được các giáo viên vận động, nhiều phụ huynh hiểu thì lập tức đồng ý mang các giấy tờ làm thủ tục nhập học cho con em mình đến trường.
Tuy nhiên, vẫn có nhiều phụ huynh chưa đồng ý làm thủ tục nhập học. Nhiều phụ huynh ở nơi đây vẫn chưa thực sự quan tâm đến việc học của các con.
"Hiện tại các cô giáo đã vận động được khoảng 1 nửa số trẻ nhỏ từ 3-5 tuổi đến trường. Số còn lại do bố mẹ, ông bà đi rẫy chưa thể gặp được. Những ngày tới, các cô giáo sẽ tiếp tục vận động, thuyết phục để các em học sinh đều được đến trường đi học", cô Hoàng Thị Đài chia sẻ.
“Những hộ dân nơi đây có điều kiện kinh tế rất khó khăn. Hàng ngày bố mẹ lên rẫy, đi làm công ty thành phố, con cái gửi tạm cho ông, bà hoặc có cháu được bố mẹ mang đi cùng. Sự chăm lo cho con em đến trường còn hạn chế. Việc con đi học hay không bố mẹ cũng không quan tâm nhiều. Những ngày đầu năm học mới nếu các cô không đi vận động thì có nguy cơ các em không được đến lớp”, cô Lầu Y Pay (trường mầm non Tri Lễ) chia sẻ.
Thầy Lê Viết Minh - Hiệu trưởng trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Tri Lễ 2 (xã Tri Lễ, Quế Phong, Nghệ An) cho biết, đầu năm học này nhà trường cũng đã cử nhiều giáo viên đến 2 điểm trường Pà Khốm và Huồi Mới nơi có 100% học sinh người Mông để vận động các em học sinh chuẩn bị bước vào lớp 1 đến trường đầy đủ.
"Các bản làng, điểm trường ở xa trung tâm, cách từ 12-15km. Các giáo viên phải đi mất nhiều giờ đồng hồ, thậm chí mưa gió thì cả buổi mới đến được. Đường thì bùn đất lầy lội rất vất vả. Ngoài đường đi thì việc vận động cũng gặp khó khăn, do điều kiện kinh tế của các gia đình, bố mẹ thường xuyên đi rẫy làm nên việc quan tâm các em đi học chưa được sát sao", thầy Lê Viết Minh nói.
Nhiều cháu nhỏ đã đến tuổi đi học nhưng vì bố mẹ đi làm rẫy xa nhà nên thường đưa các cháu đi theo. Có nhiều gia đình vì điều kiện khó khăn, đường đi lại vất vả nên đã không cho con em mình đến trường đi học.
Ngoài những thời điểm đi vận động học sinh đến trường, các giáo viên lại đến các điểm trường để dọn cỏ, lau chùi vệ sinh trường lớp, chuẩn bị cho một năm học mới bắt đầu.
Một số điểm trường ở xã Tri Lễ đã được sửa sang, chuẩn bị cơ sở vật chất để đáp ứng cho việc dạy, học.
Con đường đến trường dài chỉ 2,5km nhưng hơn 2/3 đường là bùn đất lầy lội, nhão nhoét. Để di chuyển dễ dàng hơn, nhiều học sinh vừa đi học vừa mang theo cuốc để san đường.
Nguồn: [Link nguồn]