Tuyệt chiêu bảo vệ con khỏi những tác hại của internet
Thời đại công nghệ khiến cuộc sống của chúng ta dễ dàng hơn, tuy nhiên nó cũng là con dao hai lưỡi khi tạo ra những ảnh hưởng có hại nếu như để trẻ tự do vào mạng mà không có kiểm soát.
Các con đang lớn lên trong thời đại của Internet và các phương tiện truyền thông phát triển mạnh mẽ. Mặc dù các phương tiện truyền thông xã hội này có thể mang lại một số lợi ích như phát triển kỹ năng cá nhân và khả năng tương tác, tuy nhiên nó cũng là con dao hai lưỡi khi tạo ra những ảnh hưởng có hại nếu như để trẻ tự do vào mạng mà không có kiểm soát.
Mặc dù hầu hết trên các trang của mạng xã hội đều có yêu cầu độ tuổi tối thiểu để đăng ký (thường là trên 13 tuổi), nhưng một thực tế cho thấy khá nhiều trẻ đang vào mạng khi mới được 6-7 tuổi. Bạn có thể cho phép con tiếp xúc với các phương tiện truyền thông xã hội khi bé đáp ứng đủ các yêu cầu, hoặc khi bạn cảm thấy bé đã sẵn sàng, nhưng phải chắc chắn những trang mạng đó phù hợp với lứa tuổi của con. Với những trang mạng xã hội như Facebook, Instagram, Snapchat, cho dù con đã đủ tuổi cũng nên có sự kiểm soát chặt chẽ từ cha mẹ.
Dưới đây là 8 mẹo hiệu quả để giúp bạn theo dõi thói quen vào mạng của con và đảm bảo để các bé có những mối quan hệ lành mạnh trên internet.
1. Tạo quy tắc chuẩn
Nếu con bạn đủ tuổi để được sử dụng máy tính hoặc điện thoại thông minh có nghĩa là trẻ đã đủ tuổi để hiểu rằng có những quy tắc cần tuân theo, và hậu quả phải nhận khi phá vỡ chúng. Ngoài một thỏa thuận miệng về các quy tắc, cha mẹ cũng nên xem xét việc tạo ra một hợp đồng văn bản mà cả bạn và con phải ký tên. Điều này đảm bảo có một sự hiểu biết lẫn nhau trên cơ sở đồng ý và không làm ảnh hưởng các quy tắc đã đặt ra. Cần có một cuộc thảo luận cởi mở với trẻ về lý do tại sao các quy định là cần thiết, chứ không phải chỉ là áp đặt một cách mù quáng.
2. Đặt máy tính ở giữa nhà
Đặt máy tính hoặc laptop ở giữa nhà, nơi mà bạn có thể dễ dàng quan sát con đang sử dụng chúng như thế nào. Thay vì để cho trẻ sử dụng nó trong phòng riêng, lựa chọn phòng khách hoặc phòng sinh hoạt chung để cha mẹ có thể kiểm tra rõ ràng.
3. Lọc nội dung
Nên tải những phần mềm khác nhau mà bạn có thể dùng để giám sát việc sử dụng Internet và các trang mạng xã hội của con cả trên máy tính và điện thoại. Một số ứng dụng như Net Nanny hay PureSight PC cho phép bạn theo dõi các trang web truyền thông xã hội và lọc nội dung để trẻ em có thể truy cập trực tuyến an toàn, giống như một chức năng của cha mẹ kiểm soát trên các kênh truyền hình.
4. Giảng cho con hiểu rõ về các 'trang mạng nổi tiếng'
Nhiều trẻ ngây thơ tin tưởng hoàn toàn vào các “bloger, facebooker nổi tiếng”. Cần giảng giải và nhấn mạnh cho bé hiểu về những nội dung trên các trang đó có thể chưa phù hợp với lứa tuổi và có những tác động không lành mạnh đến con. Có thể gợi ý rằng con có thể xem những bài đăng đó khi đã lớn hơn.
5. Theo dõi thói quen dùng mạng xã hội của con
Nếu con muốn chia sẻ hình ảnh với bạn bè của mình trên mạng xã hội, chắc chắn rằng bạn biết được hình ảnh con đang muốn đăng là gì. Đảm bảo rằng các nội dung của bức ảnh là hoàn toàn vô hại và không quá gây chú ý. Giải thích cho con hiểu những nguy hiểm tiềm tàng khi đăng hình ảnh cá nhân, địa chỉ cá nhân lên các trang mạng xã hội.
6. Hạn chế sử dụng
Thiết lập quy tắc cho thói quen dùng điện thoại hay máy tính của trẻ, tương tự như cách hạn chế các bé khi xem ti vi. Ví dụ, chỉ cho phép sử dụng điện thoại một số giờ nhất định vào buổi tối hoặc chỉ sau khi việc học của các bé đã được hoàn thành. Nếu các quy tắc này bị phá vỡ, con sẽ phải chịu hậu quả trách phạt do bạn đề ra.
7. Nhận biết thói quen vào mạng của trẻ
Hãy nhận biết những thói quen của con như các trang web mà bé thường xuyên xem, những người mà chúng giao tiếp trên mạng xã hội… Một trong những nguyên tắc mà bạn cần thiết lập trước khi chính thức cho phép các con mở tài khoản mạng xã hội của mình là cha mẹ cũng có quyền truy cập đầy đủ để kiểm soát Facebook hoặc bạn bè trên mạng của chúng.
8. Hãy là một tấm gương tốt
Cuối cùng, hãy là một tấm gương tốt cho các con trong cách sử dụng mạng xã hội lành mạnh và an toàn. Nếu bạn có xu hướng quá nghiện Facebook của chính mình và sử dụng chúng mọi lúc, mọi nơi kể cả khi lái xe, hoặc trong bữa ăn, bạn đang tạo nên một tiền lệ xấu cho lũ trẻ.
Một trong những xu hướng dạy con khiến cha mẹ quan tâm nhất hiện nay là dạy trẻ em ngôn ngữ thứ 2 ngoài tiếng mẹ đẻ....