Tuyển sinh vào lớp 10 THPT tại Hà Nội: Có nên cố vào trường “tốp đầu”?
Kỳ tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2020 - 2021 tại Hà Nội được dự báo khá căng thẳng, do có khoảng 4 vạn học sinh tốt nghiệp THCS sẽ phải học trường dân lập, hệ GDTX, trường nghề… Tuy nhiên, phụ huynh cần phải nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của con em mình để cùng đưa ra lựa chọn trường cho phù hợp khả năng.
Khoảng 4 vạn học sinh sẽ học dân lập, trường nghề
Năm học 2020 - 2021, để có suất học vào trường THPT công lập tại Hà Nội, đặc biệt là trường chuyên, trường "tốp đầu", thí sinh sẽ vất vả bởi phải vượt qua nhiều thí sinh khác. Cụ thể, năm học 2019-2020, dự kiến, toàn thành phố có 107.246 học sinh xét tốt nghiệp THCS. Dự kiến số lượng học sinh tuyển vào trường THPT năm học 2020 - 2021 là 90.730 học sinh (tăng 5.776 học sinh so với năm học 2019 - 2020). Các trường công lập tuyển 66.492 học sinh, các trường ngoài công lập tuyển 21.450 học sinh, số còn lại sẽ học hệ bổ túc, trường nghề… Như vậy, sẽ có khoảng gần 30.000 thí sinh sau khi tốt nghiệp THCS sẽ phải "ngậm ngùi" học trường ngoài công lập, trường bổ túc, trường nghề.
Liên quan tới kỳ thi vào lớp 10 THPT, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, kỳ tuyển sinh năm nay, mỗi thí sinh được đăng ký dự tuyển vào 2 trường THPT công lập, xếp theo thứ tự ưu tiên là nguyện vọng 1 (NV1) và nguyện vọng 2 (NV2). Hai nguyện vọng này phải trong cùng một khu vực tuyển sinh, không kể các nguyện vọng dự tuyển vào các lớp chuyên của 4 trường chuyên trực thuộc Sở GD&ĐT. Các nguyện vọng được xếp theo thứ tự ưu tiên. Học sinh muốn nhập học tại trường đăng ký nguyện vọng 2 phải có điểm xét tuyển cao hơn điểm chuẩn của trường ít nhất 1,5 điểm. Học sinh đã trúng tuyển NV1 sẽ không được xét tuyển NV2. Khi hạ điểm chuẩn, nhà trường chỉ nhận học sinh đăng ký NV1, không nhận học sinh đăng ký NV2.
Ngoài ra, mỗi học sinh có thể đăng ký dự tuyển vào các lớp chuyên của 2 trong 4 trường: THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, THPT chuyên Nguyễn Huệ, THPT Chu Văn An, THPT Sơn Tây. Như vậy, ngoài việc đăng ký dự tuyển vào các lớp không chuyên của hai trường THPT công lập; các lớp chuyên của 2 trong 4 trường THPT chuyên; Các lớp học hệ song bằng tú tài, thí sinh năm nay còn được đăng ký 2 nguyện vọng dự tuyển lớp 10 tiếng Pháp song ngữ của hai trường THPT Chu Văn An và THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, có xét thứ tự ưu tiên là NV1 và NV2; Đăng ký vào trường ngoài công lập sẽ không theo tuyến tuyển sinh…
Trước những cơ hội được đăng ký các nguyện vọng vào nhiều trường khác nhau, thầy Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho biết: "Mỗi học sinh có những lựa chọn khác nhau, tuy nhiên các em không nên chạy theo số đông, vào trường nổi tiếng mà không theo năng lực của mình, điều này cũng đã xảy ra trường hợp trượt đáng tiếc. Theo kinh nghiệm, để vào trường như mong muốn, học sinh đăng ký NV1 vào trường có khả năng đủ điểm. Với NV2, học sinh nên chọn trường có mức điểm thấp hơn điểm chuẩn của trường NV1, cần tham khảo điểm chuẩn năm trước của trường để lựa chọn".
Kỳ thi vào lớp 10 THPT tại Hà Nội luôn được đánh giá căng thẳng hơn cả vào đại học. Ảnh minh họa: Q. Anh
Phụ huynh không nên ép con
Trước mối lo lắng của phụ huynh, học sinh tại Hà Nội về kỳ thi vào 10 THPT, thầy Vũ Khắc Ngọc - Giáo viên THPT (Hệ thống giáo dục Học mãi) cho rằng, áp lực trong thi cử vào lớp 10 không hẳn là do tính cạnh tranh gắt gao, mà nguyên nhân lớn nhất của áp lực đó chính là kỳ vọng. Phụ huynh và học sinh thường kỳ vọng, đặt ra những mục tiêu quá khả năng dẫn đến áp lực. Ví dụ, tham chiếu với mọi năm, năng lực của học sinh chỉ thi được 51 điểm nhưng lại đăng ký trường 53 điểm… để cố gắng, "cầu may" khiến học sinh rơi vào trạng thái gồng mình, gắng sức mới đạt được mục tiêu, đây chính là áp lực.
"Từ thực tiễn trong thi vào lớp 10 THPT các năm gần đây cho thấy, việc vào trường công lập không hẳn quá khó, bởi vẫn còn nhiều trường công lập tuyển không đủ chỉ tiêu cho dù đến 2,3 đợt. Tâm lý của phụ huynh luôn muốn con vào trường tốt nhất có thể nhưng trường tốt bao giờ điểm cũng rất cao. Muốn cởi bỏ áp lực này thì bố mẹ, các con nên ngồi lại với nhau, cùng với cả thầy cô, đánh giá đúng mức năng lực của mình nằm ở đâu và sẽ đặt ra mục tiêu, lên kế hoạch để đạt được mục tiêu ấy sao cho vừa sức chứ không phải gồng mình lên để học, thi kiểu cầu may", thầy Khắc Ngọc đưa ra lời khuyên.
Chia sẻ câu chuyện về mong muốn của phụ huynh có con dự thi vào lớp 10 THPT, thầy Nguyễn Quốc Bình - Hiệu trưởng Trường THCS&THPT Lê Quý Đôn (Hà Nội) cho biết, hiện nay nhu cầu cho con đi học ở các trường THPT có đội ngũ giáo viên tốt, cơ sở vật chất tốt, trường nổi tiếng để có cơ hội phát triển đó là mong muốn chính đáng của các bậc phụ huynh. Tuy nhiên, để làm mọi cách vào được trường điểm, trường chuyên mà không học được sẽ làm khổ học sinh. Trên thực tế, có những học sinh bị loại khỏi trường chuyên, lớp chuyên và cả thi trượt vào các trường chuyên, trường điểm dễ rơi vào trạng thái suy sụp, trầm cảm, dẫn đến chán học, suy nghĩ tiêu cực.
"Phụ huynh trước tiên phải nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của con em mình xem con khả năng ra sao để cùng đưa ra lựa chọn trường để dự thi cho phù hợp. Phụ huynh không nên vì mong muốn của bản thân mình, muốn được "hãnh diện" trước những người xung quanh mà thúc ép con cái thi vào trường vượt quá khả năng. Tôi được biết, tại các trường học trên địa bàn Hà Nội có cơ sở vật chất, chất lượng giáo viên cũng không quá chênh lệch nhiều, hãy tham khảo thật kỹ chứ không nên cứ nhất quyết phải là trường nổi tiếng", thầy Nguyễn Quốc Bình chia sẻ thêm.
Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm học 2020 - 2021 hệ không chuyên tại Hà Nội diễn ra vào ngày 17 - 18/7 với ba môn thi Ngữ văn, Ngoại ngữ và Toán. Ngày 25/5, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng đã công bố chỉ tiêu vào lớp 10 của các trường THPT trên địa bàn. Cụ thể, Trường THPT Phan Đình Phùng: 600 học sinh; THPT Trần Phú - Hoàn Kiếm: 720 học sinh; THPT Việt Đức: 720 học sinh; THPT Thăng Long: 600 học sinh; THPT Kim Liên: 600 học sinh. THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam: 645 học sinh; THPT Chu Văn An: 670 học sinh; THPT chuyên Nguyễn Huệ: 525 học sinh; THPT Sơn Tây: 585 học sinh…
Với số lượng lớn thí sinh đăng ký tuyển sinh vào lớp 10 năm 2020 nên Hà Nội chỉ cho phép 62% học sinh có suất học trường...
Nguồn: [Link nguồn]