Tuyển sinh vào lớp 10: Bí kíp từ cựu Thủ khoa chuyên Văn Bà Rịa - Vũng Tàu

Sự kiện: Tuyển sinh lớp 10
00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Đặng Lê Việt Anh - một trong 2 thủ khoa đầu vào chuyên Văn, trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Bà Rịa - Vũng Tàu) với tinh thần “viết để sống, sống để viết” sẽ chia sẻ một số bí kíp ôn thi môn Văn hiệu quả với bạn đọc nhà Hoa.

Chưa đầy 2 tháng nữa là kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 chính thức diễn ra. Các sĩ tử 2K10 đang bước vào giai đoạn ôn thi nước rút trước kì thi chuyển cấp quan trọng. Việc đậu vào trường chuyên, lớp chọn với môn mình yêu thích là mong ước và động lực của rất nhiều học sinh.

Đặng Lê Việt Anh - một trong 2 thủ khoa đầu vào chuyên Văn, trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Bà Rịa - Vũng Tàu) với tinh thần “viết để sống, sống để viết” sẽ chia sẻ với bạn một số bí kíp ôn thi môn Văn hiệu quả.

Đặng Lê Việt Anh - một trong hai thủ khoa chuyên Văn của Bà Rịa - Vũng Tàu với tổng điểm 42,50. Ảnh: Internet

Đặng Lê Việt Anh - một trong hai thủ khoa chuyên Văn của Bà Rịa - Vũng Tàu với tổng điểm 42,50. Ảnh: Internet

“Học” để hiểu, "viết” để bộc lộ chính mình

Với Việt Anh, kỳ thi còn là hành trình nuôi dưỡng đam mê vì mỗi trang viết phản ánh con người chính mình. Hành trình ôn thi chuyên không phải là một cuộc “chạy đua” căng thẳng mà là khoảng thời gian để được sống cùng Văn học.

“Mình không đặt nặng chuyện đậu hay rớt. Chỉ đơn giản là tận hưởng những ngày học bài, nghe thầy cô giảng và viết thật nhiều, viết bằng tất cả sự hào hứng và tò mò. Mỗi bài viết là một lần được nhìn lại, trải lòng với những suy nghĩ của chính mình”.

Với phần Đọc hiểu, cô bạn luyện đề chăm chỉ và nắm chắc kiến thức nền, coi đó như cách để mở rộng vốn từ, vốn sống. Còn ở dạng bài Nghị luận xã hội, Việt Anh chọn cách khai thác dẫn chứng từ việc xem thời sự, đọc báo, đọc sách và lắng nghe cuộc sống xung quanh.

“Hãy đọc một tác phẩm đến khi bạn có thể viết về nó như thể bạn đang sống trong trang văn ấy” - chia sẻ từ nữ thủ khoa. Ảnh: NVCC

“Hãy đọc một tác phẩm đến khi bạn có thể viết về nó như thể bạn đang sống trong trang văn ấy” - chia sẻ từ nữ thủ khoa. Ảnh: NVCC

Riêng với phần “khó nhằn” nhất là Nghị luận văn học, Việt Anh áp dụng ba từ khóa: Hiểu - cảm - sáng tạo. Việt Anh cũng rèn khả năng lý luận qua sách phê bình, luyện đặt câu hỏi phản biện cho mỗi tác phẩm, để cảm xúc dẫn dắt khi phân tích thơ và chú trọng vào chi tiết đắt giá với truyện ngắn.

Hãy trải nghiệm thật nhiều

Khi được hỏi điều gì khiến bài viết Văn trở nên “có hồn”, Việt Anh không ngần ngại trả lời rằng đó là trải nghiệm sống. “Muốn viết sâu, bạn phải sống sâu đã”. Nữ thủ khoa khuyên các bạn học sinh yêu thích Văn nên chủ động mở rộng trải nghiệm thì mới có thể rèn luyện được tư duy viết “vừa sắc sảo, lại bình dân”.

“Điều quan trọng là phải thật sự sống và quan sát”. Ảnh: NVCC

“Điều quan trọng là phải thật sự sống và quan sát”. Ảnh: NVCC

Trước hết là trải nghiệm bằng chính cuộc sống của mình. Hãy cho bản thân cơ hội bước ra khỏi vùng quen thuộc, tiếp xúc với nhiều môi trường mới, gặp nhiều kiểu người, từ đó hình thành những phản xạ và góc nhìn khác nhau. Tư duy chỉ thật sự sắc bén khi chúng ta hiểu được nhiều khía cạnh của một vấn đề, kể cả những điều rất đời thường. Không chỉ là nói chuyện với bạn bè đồng trang lứa mà còn là giao tiếp, kết nối với cha mẹ, lắng nghe thế hệ trước cũng là một cách để mở rộng suy nghĩ và sự đồng cảm.

Song song đó là trải nghiệm qua sách vở và văn chương. Đọc thật nhiều, không chỉ đọc để “thu nạp kiến thức” mà đọc để tìm ra điểm lạ, điểm riêng trong mỗi tác phẩm. Khi luyện viết, hãy thử đào sâu từ một ý nhỏ, phân tích theo nhiều cách nghĩ. Càng đặt câu hỏi, bạn sẽ càng hiểu sâu và viết sắc.

Kiểm soát cảm xúc, nhưng không kìm nén

Theo Việt Anh, cảm xúc là chất liệu quan trọng trong bài làm Văn, nhưng nếu không kiểm soát, nó sẽ khiến người viết… lạc lối. Việt Anh chia sẻ bản thân cũng là người dễ nương theo cảm xúc.

“Học sinh có tố chất Văn rất dễ viết lan man vì nghĩ ra quá nhiều thứ. Vậy nên mỗi lần luyện đề, mình luôn dành ít nhất 10 phút lập dàn ý để xác định rõ sẽ viết gì, triển khai ra sao, tránh viết theo cảm xúc rồi lạc mất trọng tâm”.

Tổng hợp một số bí kíp giúp teen 2K10 tự tin làm bài tốt. Thiết kế: Gia Ảnh

Tổng hợp một số bí kíp giúp teen 2K10 tự tin làm bài tốt. Thiết kế: Gia Ảnh

Đồng thời, Việt Anh cũng rất chú trọng kĩ năng quản lý thời gian khi viết. Vậy nên, Việt Anh phân bổ theo từng phần bài làm, căn cứ vào mức điểm để đầu tư thời gian hợp lý. Với phần Nghị luận văn học, Việt Anh coi đó là thế mạnh của mình nên thường dành nhiều thời gian hơn để triển khai sâu sắc và trau chuốt diễn đạt.

“Viết sao cho người đọc cảm thấy tò mò, muốn đọc tiếp, muốn cùng mình khám phá đến những dòng cuối cùng... đó mới là cách viết có hồn”, Việt Anh chia sẻ.

Đề thi Ngữ văn lớp 10 TPHCM hàng năm được đánh giá hay và độc lạ nhưng thí sinh lại khó giành điểm cao. Thầy Nguyễn Phước Bảo Khôi - Giảng viên Ngữ...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Gia Ảnh ([Tên nguồn])
Tuyển sinh lớp 10 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN