Tuyển sinh riêng: “Trói” trường lẫn thí sinh
Nhiều chuyên gia giáo dục nhận định khó có thể tổ chức thi riêng đối với kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ như Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố.
Nét mới trong kỳ tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2014 là Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cho phép các trường được tuyển sinh riêng nhưng kết quả thi chỉ có giá trị xét tuyển vào các trường tổ chức thi tuyển theo cùng đề án, không được sử dụng kết quả của kỳ thi “3 chung” do Bộ GD-ĐT tổ chức để xét tuyển. Quy định này khiến các trường có phương án tuyển sinh riêng chùn chân vì rủi ro quá lớn.
Bộ “dỗi” các trường?
“Qua những quy định về phương án tuyển sinh riêng mà Bộ GD-ĐT vừa công bố, tôi có cảm giác như bộ “giận dỗi” các trường muốn tuyển sinh riêng. Tổ chức tuyển sinh riêng mà không được sử dụng kết quả của thí sinh dự thi “3 chung” để xét tuyển thì chẳng khác nào bộ “trói” chân các trường và cả thí sinh” - TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng Phòng Phát triển chiến lược Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, nói. TS Dũng cũng cho rằng nếu bộ tin các trường có thể tổ chức kỳ thi riêng thì không nên giới hạn việc xét tuyển từ kỳ thi “3 chung”.
Các thí sinh dự kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ 2013 tại Trường ĐH Kinh tế TP HCM Ảnh: Tấn Thạnh
Theo PGS-TS Đặng Vũ Ngoạn, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM, với những quy định “tréo ngoe” mà bộ công bố, chắc chắn trường không dám tuyển sinh riêng. “Nếu tổ chức tuyển sinh riêng mà tuyển thừa thì thí sinh không trúng tuyển chẳng biết xét tuyển ở đâu, nếu tuyển thiếu thì kiếm đâu ra nguồn mà xét tuyển. Kỳ thi riêng như vậy quá nhiều rủi ro!” - ông Ngoạn nói.
Bàn về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thi, Giám đốc Trung tâm Marketing Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP HCM, nhận định nếu không được lấy kết quả thi để xét tuyển vào các trường khác thì ai dám đăng ký vào các trường tổ chức thi riêng. Ông Thi dự đoán các trường có dự án thi riêng sẽ liên kết với nhau thực hiện một đề án thi chung để liên thông về kết quả.
Khó tránh tiêu cực
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, khi xây dựng đề án, các trường phải công bố ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào, tránh tình trạng các trường vét cho đủ chỉ tiêu. Với quy định này, nhiều chuyên gia giáo dục nhận xét công bố ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào rất khó vì làm sao chứng minh được mức nào là bảo đảm chất lượng, trong khi kỳ thi chưa diễn ra.
Việc này có thể dễ phát sinh tiêu cực như nhận định của PGS Lê Trọng Thắng, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Mỏ - Địa chất. “Điểm cao hay thấp phụ thuộc vào độ khó của đề, nếu yêu cầu học sinh phải có điểm mỗi môn từ 5 trở lên thì các trường yếu sẽ ra đề dễ đi, 15 điểm của họ chỉ bằng 10 điểm của trường khác. Bộ có xem xét được độ khó đề thi của các trường trên toàn quốc hay không?” - PGS Thắng băn khoăn.
Tại Trường ĐH Lương Thế Vinh - một trong những trường có đề án tuyển sinh riêng, GS Nguyễn Văn Hùng, hiệu trưởng nhà trường, cho rằng không nên hạn chế đầu vào mà cần kiểm soát đầu ra. Theo ông Hùng, chỉ cần ngưỡng định tính, tức là học sinh có khả năng học tập, tiếp thu kiến thức. Do đó, trường dự kiến tổ chức thi tuyển (vấn đáp) kết hợp xét tuyển kết quả 3 năm THPT của thí sinh.
PGS Lê Trọng Thắng cho rằng các phương án kỹ thuật mà bộ đưa ra không khác gì hơn 10 năm trước. “Bộ yêu cầu các trường cam kết không để xảy ra tiêu cực nhưng tiêu cực chủ yếu xuất phát từ khâu ra đề, chỉ có dừng việc tự ra đề thì mới chặn được tiêu cực. Nếu để trường ra đề thì kiểu gì cũng sẽ có ôn thi, dạy thêm, học thêm” - ông Thắng nói.
Trường công lập không mặn mà Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho rằng sở dĩ các trường công lập chưa mặn mà với tuyển sinh riêng vì họ không lo thiếu nguồn tuyển trong khi nếu tự chủ sẽ rất rủi ro về đề thi. Trước những băn khoăn liệu có phải Bộ GD-ĐT chủ trương tuyển sinh riêng để “cứu” các trường ngoài công lập, ông Ga khẳng định Luật Giáo dục ĐH hiện hành quy định các trường được tự chủ trong tuyển sinh. Bộ GD-ĐT chủ trương giao cho các trường tổ chức tuyển sinh riêng từ năm 2014 nhằm bảo đảm quá trình chuyển từ phương thức thi do bộ tổ chức sang phương án các trường tự tổ chức tuyển sinh theo đúng tinh thần của Luật Giáo dục ĐH. |