Tuyển sinh năm 2024: Lưu ý tiêu chí phụ đối với thí sinh
Năm 2024, các trường đại học (ĐH) danh tiếng đặt ra thêm một số điều kiện đối với một số phương thức khi tuyển sinh.
Trường ĐH Ngoại thương thông báo, năm nay dự kiến tuyển 4.130 chỉ tiêu với 6 phương thức. Với phương thức 1 và phương thức 2 (là 2 phương thức xét tuyển kết hợp với kết quả học bạ THPT), thí sinh phải đáp ứng thêm điều kiện có tổng điểm các môn thi tốt nghiệp THPT năm 2024 của một trong các tổ hợp môn xét tuyển của trường (bao gồm điểm ưu tiên khu vực và đối tượng) đạt từ 24 điểm trở lên.
Đây là lần đầu tiên Trường ĐH Ngoại thương áp dụng sàng lọc thí sinh khi xét tuyển kết hợp với học bạ trong tuyển sinh. Lí giải về điều chỉnh này, PGS.TS Phạm Thu Hương, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương, cho hay, trên cơ sở nghiên cứu đặc điểm của giáo dục phổ thông, nhà trường đã cân nhắc các nhóm đối tượng phù hợp và tỉ lệ chỉ tiêu phù hợp cũng như các điều kiện cao để đảm bảo có thể lựa chọn được nhóm thí sinh tốt nhất khi xét tuyển vào.
Thí sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh năm 2024. Ảnh: Diệp An
“Việc bổ sung điều kiện cần này trong xét tuyển của 2 phương thức 1 và 2 để thống nhất và bình đẳng giữa các phương thức vì các phương thức còn lại đều áp dụng điểm sàn thi THPT ở mức 24 điểm. Ngoài ra, có thể sử dụng đối sánh kết quả thi tốt nghiệp THPT và kết quả học tập THPT như một công cụ gián tiếp giúp các trường phổ thông chuẩn hoá công tác đánh giá học sinh”, bà Hương nói. Theo bà, không nên có tâm lí phủ nhận kết quả đánh giá trong cả một quá trình của giáo dục phổ thông mà nên tôn trọng, chấp nhận có cơ sở khoa học, đồng hành để giúp cho hệ thống giáo dục phổ thông ngày càng tốt hơn, tiệm cận giáo dục quốc tế.
Như năm 2023, năm nay, khi đăng kí trên hệ thống, thí sinh không phải đăng kí phương thức, tổ hợp xét tuyển. |
Trường ĐH Ngân hàng TPHCM năm nay tuyển sinh theo 5 phương thức với 4.329 chỉ tiêu cho 12 ngành với 34 chương trình đào tạo. Phương thức xét tuyển học bạ sẽ thêm điều kiện kết hợp với thành tích bậc THPT. Phương thức này áp dụng cho thí sinh tốt nghiệp năm 2023, 2024 và thỏa mãn các điều kiện: điểm trung bình học tập học kì I, học kì II lớp 11 và học kì I lớp 12 đạt từ 6,5 trở lên; điểm quy đổi xét tuyển theo trung bình tổ hợp môn đăng kí 3 học kì cuối đạt từ 72 trở lên. Trường ĐH Ngân hàng TPHCM còn sử dụng phương thức xét tuyển học bạ THPT và phỏng vấn, áp dụng cho chương trình ĐH chính quy quốc tế do đối tác cấp bằng.
Năm 2024, Trường ĐH Nha Trang lần đầu tiên đưa ra yêu cầu điểm sàn sơ tuyển đầu vào. Trường yêu cầu thí sinh có điểm trung bình 5 học kì THPT từ 6,0 trở lên. Một số ngành áp dụng thêm điểm sàn môn tiếng Anh; mức điểm cụ thể sẽ được trường công bố sau.
Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội (Trường ĐH Việt Pháp) sử dụng phương thức xét tuyển thẳng áp dụng với thí sinh có kết quả học tập năm lớp 11, 12 đạt loại Giỏi và điều kiện điểm trung bình chung các môn tự nhiên Toán, Lí, Hóa, Sinh, Tin đạt 9,2/10 trở lên. Với phương thức xét học bạ kết hợp phỏng vấn, thí sinh cần đạt điểm trung bình từ 8,8 trở lên. Riêng ngành Dược học, ngoài điều kiện này, thí sinh cần có thêm chứng chỉ IELTS 5.0 hoặc TOEFL iBT 35 trở lên.
Với phương thức xét tuyển học bạ 5 học kì, Trường ĐH Tôn Đức Thắng chỉ dành cho học sinh đang học tại các trường THPT đã kí kết hợp tác với trường này. Những trường học còn lại xét tuyển theo 6 học kì.
Không được quên tiêu chí đi kèm phương thức
Bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT, cho biết cuối tháng 2, Bộ GD&ĐT chính thức ban hành Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Tuy nhiên, bà Thủy nhấn mạnh hiệu lực của quy chế này không ảnh hưởng đến kế hoạch ôn, thi tốt nghiệp THPT của thí sinh.
Theo bà Thủy, kì thi tốt nghiệp là điều kiện cần nên thí sinh phải thi thật tốt; đồng thời nghiên cứu thật kĩ đề án tuyển sinh của các trường ĐH. “Có thể thấy phương thức xét tuyển toàn hệ thống giáo dục ĐH năm nay không thay đổi nhiều. Nếu có, chỉ là có trường bỏ bớt phương thức này, điều chỉnh phương thức kia theo chỉ tiêu cho phù hợp. Do đó, thí sinh yên tâm theo đuổi ngành/trường mong muốn vào học”, bà Thủy nói.
Bà cho rằng, với các phương thức xét tuyển sớm của các trường ĐH, thí sinh cần bám sát thời hạn nộp hồ sơ để không bỏ lỡ; nếu đã trúng tuyển ở các phương thức này và muốn học, thí sinh vẫn phải đăng kí nguyện vọng vào hệ thống tuyển sinh của Bộ GD&ĐT, thí sinh không đăng kí thì cơ hội đã trúng tuyển sớm không có giá trị.
Bà Thủy cũng yêu cầu trường ĐH hướng dẫn thí sinh nội dung này. Đặc biệt, với các tiêu chuẩn, tiêu chí đi kèm phương thức xét tuyển, thí sinh hết sức lưu ý, tuyệt đối không bỏ qua để tránh mất cơ hội trúng tuyển. Nếu muốn học nguyện vọng đã đỗ bằng phương thức xét tuyển sớm, thí sinh nên đặt đó là nguyện vọng 1. Còn nếu thí sinh vẫn băn khoăn, muốn tìm kiếm cơ hội khác thì có thể đặt xuống dưới các nguyện vọng mà thí sinh thực sự muốn học.
Hiện nay, nhiều trường đại học top đầu đã mở các ngành học mới liên quan đến xu thế phát triển công nghệ thông tin như: Chip bán dẫn, Tự động hoá, Hoá dược.
Nguồn: [Link nguồn]