Tuyển sinh năm 2023: Những lưu ý "vàng" khi chọn trường, chọn nghề
Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học sắp tới sẽ được thực hiện như thế nào là vấn đề đang được phụ huynh, học sinh quan tâm.
Suốt ruột chờ thông tin đổi mới thi tốt nghiệp, tuyển sinh đại học 2023Kỳ thi tốt nghiệp trung học và tuyển sinh đại học sẽ thay đổi như thế nào từ năm 2025 là vấn đề đang được học sinh, phụ huynh rất quan tâm khi chương trình giáo dục phổ thông mới đã được triển khai.
Tại hội nghị tổng kết về công tác thi và quản lý chất lượng, lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho biết Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023 sẽ được tổ chức ổn định như 2022. Cũng theo lãnh đạo Bộ GD&ĐT, bên cạnh việc giữ ổn định như năm 2022, kỳ thi sẽ tiếp tục phát huy và tiếp tục hoàn thiện thêm yếu tố ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số. Trong năm học 2022-2023, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, thay thế các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý không còn phù hợp; xây dựng, hoàn thiện quy chế thi, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về thi tốt nghiệp trung học phổ thông bảo đảm thực tiễn, khả thi, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo. Nếu cần thiết sẽ ban hành quy chế thi mới để khắc phục một số điểm chưa thật thuận tiện.
Đến nay không chỉ với học sinh, phụ huynh, các trường đại học cũng đang sốt ruột chờ thông tin chính thức từ Bộ. Lãnh đạo một đại học cho hay xét tuyển dựa vào điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông là nguồn tuyển chính của trường.
“Vì thế, chúng tôi cũng đang chờ đợi phương án thi mới của bộ để có thể tính toán, điều chỉnh phương thức tuyển sinh phù hợp vì theo quy định của Bộ GD&ĐT, các trường khi điều chỉnh tổ hợp môn và chỉ tiêu xét tuyển giữa các phương thức, các tổ hợp phải công bố sớm cho thí sinh có sự chuẩn bị, học và ôn tập,” vị này cho hay.
Trước đó, tại buổi họp báo vào đầu tháng 7, sau khi kết thúc kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc tổ chức kỳ thi này từ năm 2025, khi lứa học sinh đầu tiên học theo chương trình giáo dục phổ thông mới học đến lớp 12, ông Lê Mỹ Phong, Phó cục trưởng phụ trách Cục Quản lý chất lượng giáo dục, Bộ GD&ĐT cho khẳng đinh: "Khi học sinh lớp 12 học theo chương trình mới thì thi tốt nghiệp sẽ có cách thi hoàn toàn mới. Trước khi thực hiện, Bộ sẽ xin ý kiến Chính phủ, theo hướng sao để kỳ thi ngày càng tinh gọn hơn và đảm bảo mục tiêu của kỳ thi".
Trong khi đó, tại Hội nghị tổng kết về công tác thi và quản lý chất lượng tổ chức tháng 9 vừa qua, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho hay bộ đã có một số phương án cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025. Theo ông, chương trình giáo dục phổ thông mới tiếp cận theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất, kỹ năng nên kỳ thi phải gia tăng tính chất là một kỳ thi đánh giá năng lực. Nguyên lý này đặt ra những thách thức, khó khăn trong triển khai thực hiện. Vì vậy cần thêm thời gian để tính toán kỹ lưỡng phương án thi từ năm 2025.
Ảnh minh họa.
Thí sinh cần cân nhắc chọn ngành chọn trường phù hợp
Hiện Bộ GD&ĐT vẫn chưa ban hành quy chế cụ thể Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023. Tuy nhiên đến nay đã có một số trường ra quy chế tuyển sinh riêng. Điển hình, ngày 1/11, Trường đại học Kinh tế quốc dân đã ban hành quy chế tuyển sinh đại học áp dụng từ năm 2023. Đây là trường đầu tiên trên cả nước công bố quy chế tuyển sinh đại học riêng của trường. Quy chế này được áp dụng với các khóa tuyển sinh từ ngày 1/1/2023.
Trong tháng 10/2022 Đại học Quốc gia Hà Nội đã công bố phương án tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực phục vụ tuyển sinh ĐH năm 2023. Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Nguyễn Hoàng Hải cho biết căn cứ vào tình hình thực tế của kỳ thi năm 2022, năm 2023, Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội tiếp tục triển khai kỳ thi đánh giá năng lực (HSA), với khoảng 8 đợt thi, từ tháng 3 đến tháng 6, quy mô dự kiến từ 60.000-100.000 lượt thí sinh dự thi, tại 8 tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng và Hưng Yên.
Cùng với đó, thông tin từ Đại học Quốc gia Tp.HCM cho biết, năm 2023, đơn vị tổ chức 2 đợt thi đánh giá năng lực tại 17 tỉnh, thành phố như năm 2022. Đơn vị này đang xem xét mở rộng thêm điểm thi để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho thí sinh. TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo, Đại học Quốc gia Tp.HCM cho biết, Đại học Quốc gia Tp.HCM và Đại học Quốc gia Hà Nội đang có kế hoạch sẽ công nhận kết quả hai kỳ thi đánh giá năng lực của nhau để thuận lợi cho thí sinh khi không phải tham gia nhiều kỳ thi. Vì theo đánh giá của hai đơn vị, đề thi có sự tương đồng. Do đó, thí sinh có thể chọn một trong hai đơn vị để tham gia thi.
Trước "cánh cửa" vào đại học, đặc biệt khi chọn ngành, chọn trường, nhiều thí sinh bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như gia đình, bạn bè, người thân, xã hội. Chia sẻ xoay quanh vấn đề này, TS. Phạm Như Nghệ, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho rằng, về phía gia đình, bạn bè, người thân, nhất là những người có kinh nghiệm là rất cần thiết. Bản thân thí sinh cũng phải biết năng lực, sở trường của mình như thế nào…
Ngoài ra, các em phải biết kết hợp nhiều yếu tố khác nhau để đưa ra quyết định lựa chọn cho mình. Tuy nhiên, quan trọng là chọn ngành phù hợp với mình nhất. Lưu ý, ngành mình thích nhất chưa chắc đã phù hợp với mình nên thí sinh cần cân nhắc giữa hai yếu tố: thích nhất và phù hợp nhất khi lựa chọn ngành học, trường học.
Từ kinh nghiệm đúc kết thực tế, PGS.TS Trần Thành Nam, trường Đại học Giáo dục, Đọc học Quốc gia Hà Nội cho biết: Kết quả khảo sát 1.400 học sinh năm 2020 của nhóm nghiên cứu Trường ĐH Giáo dục cho thấy, có 40% học sinh đã xác định hướng nghề lựa chọn nhưng vẫn mơ hồ và chưa hiểu rõ hết về nghề. 25% học sinh không thống nhất được với cha mẹ về nghề đã lựa chọn. 30% học sinh còn băn khoăn hoặc chưa chọn được 1 nghề để theo đuổi. 5% học sinh đã chọn định hướng được nghề nhưng không phù hợp với bản thân.
PGS.TS. Trần Thành Nam khuyên học sinh hãy dành thời gian để khám phá bản thân, tìm ra lĩnh vực mình yêu thích. Sau giai đoạn chọn ngành mới tiến tới chọn trường. Thí sinh cần xác định môi trường học mình mong muốn, tham khảo cơ sở vật chất, chương trình học, tình hình kinh tế gia đình, từ đó đưa ra quyết định cuối cùng.
Hiện đã có một số trường đại học (ĐH) trên cả nước công bố thông tin tuyển sinh 2023. Các trường dự kiến giảm chỉ tiêu đối với phương thức xét kết quả điểm thi tốt...
Nguồn: [Link nguồn]