Tuyển sinh lớp 6 bằng kiểm tra năng lực: Luyện thi sẽ “bùng nổ”?

Sự kiện: Giáo dục

Theo Bộ GD&ĐT vừa công bố Dự thảo sửa đổi, bổ sung Quy chế tuyển sinh THCS và THPT, trong đó đề xuất phương thức tuyển sinh vào lớp 6 THCS theo phương thức tuyển sinh xét tuyển hoặc kết hợp xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh. Quy định này được nhiều trường “điểm” đồng tình, song vẫn có ý kiến lo ngại về tình trạng học thêm, hoặc tạo nên hiện tượng đổ xô đăng ký vào một số trường “hot”.

Tuyển sinh lớp 6 bằng kiểm tra năng lực: Luyện thi sẽ “bùng nổ”? - 1

Phụ huynh xem thông tin tuyển sinh vào lớp 6 Trường THCS Lương Thế Vinh (Hà Nội) – trường luôn có số lượng học sinh dự tuyển cao gấp nhiều lần chỉ tiêu. Ảnh: Q.Anh

Được phép tổ chức thi tuyển lớp 6

Theo Dự thảo sửa đổi, bổ sung Khoản 2, Điều 4 của Thông tư số 11/2014/TT-BGDĐT ngày 18/4/2014. Trong đó, điểm quan trọng của Dự thảo là đề xuất thay thế quy định về phương thức tuyển sinh xét tuyển hoặc kết hợp xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh đối với các trường có số lượng đăng ký vào học lớp 6 nhiều hơn so với chỉ tiêu tuyển sinh.

Dự thảo cũng yêu cầu các Sở GD&ĐT hướng dẫn thực hiện phương án tuyển sinh theo phương thức xét tuyển hoặc kết hợp xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh. Theo Bộ GD&ĐT, về mặt nguyên tắc, việc tuyển sinh THCS phải bảo đảm yêu cầu thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục THCS trên địa bàn. Như vậy, chỉ những trường không thực hiện nhiệm vụ phổ cập, tuyển sinh học sinh theo đúng tuyến tuyển sinh được phân công thì mới được phép có hình thức tuyển sinh kiểm tra, đánh giá năng lực.

Một điều mới được bổ sung ở dự thảo tuyển sinh liên quan đến đối tượng tuyển thẳng, đó là thay vì tuyển thẳng học sinh đạt giải tại cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học từ cấp tỉnh, thì nay siết chặt hơn. Theo đó, chỉ tuyển thẳng học sinh đạt giải cấp quốc gia và quốc tế về văn hóa; văn nghệ; thể dục thể thao; cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh THCS. Trước đó, Bộ GD&ĐT cũng đã yêu cầu các địa phương không được lấy kết quả của các cuộc thi trên Internet để làm căn cứ cộng điểm, ưu tiên trong xét tuyển vào lớp 6.

Theo Bộ GD&ĐT, sở dĩ có sự điều chỉnh, bổ sung hình thức tuyển sinh lớp 6 là do thời gian qua đã xảy ra một số bất cập liên quan tới xét tuyển đầu vào khối THCS. Một số trường có dịch vụ “chất lượng cao” có số học sinh đăng ký vào nhiều hơn so với chỉ tiêu, gây khó khăn trong công tác tuyển sinh. Bên cạnh đó, một số trường lấy tiêu chí phụ để xét tuyển dẫn đến quá nhiều cuộc thi được tổ chức. Do đó, dù bổ sung nhưng vẫn phải đảm bảo nguyên tắc cơ bản, THCS là cấp phổ cập nên không thi tuyển, đảm bảo quyền lợi cho tất cả học sinh trên địa bàn theo tuyến tuyển sinh. Các trường có số lượng học sinh dự tuyển lớn sẽ phải xây dựng phương án trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Có “bùng nổ” học thêm, luyện thi?

Thông tin có thể được phép tổ chức kiểm tra, đánh giá năng lực trúng tuyển vào lớp 6, rất nhiều trường "hot" ở Hà Nội hưởng ứng, bởi trong mấy năm trở lại đây, một số trường như: THCS Cầu Giấy, THCS Lương Thế Vinh, Chuyên THPT Hà Nội - Amsterdam, THCS Đoàn Thị Điểm, THCS Nguyễn Siêu… đều xét tuyển vào lớp 6 dựa trên học bạ 5 năm tiểu học và giải thưởng các cuộc thi. Quá trình xét tuyển tại các trường này gặp khó khăn vì số lượng học sinh đăng ký cao hơn chỉ tiêu, các tiêu chí xét tuyển khó lựa chọn được học sinh vì có rất nhiều học sinh có học lực tốt, hạnh kiểm tốt…

Sau khi Bộ GD&ĐT công bố Dự thảo, nhiều phụ huynh có con học tiểu học, đặc biệt là đang học lớp 5 khá quan tâm, đa số đồng tình với đề xuất mới của Bộ GD&ĐT. Chị Thu Hương (ở Kim Giang, Hà Nội) có con học lớp 5 Trường tiểu học Tây Sơn (Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ: “Xét tuyển vào lớp 6 thực hiện vài năm gần đây cũng bộc lộ một số hạn chế, bởi một số trường chỉ tuyển học sinh giỏi, có những giải thưởng hay chứng chỉ. Thậm chí xảy ra tình trạng “chạy” điểm, “mua” giải thưởng. Nếu áp dụng hình thức kiểm tra, theo tôi cần đơn giản đi chứ đừng như cuộc thi đấu trí nặng nề, làm học sinh phải ôn thi vất vả”.

Ủng hộ việc một số trường “điểm”, trường chất lượng cao có thể tổ chức thi “đầu vào” lớp 6, phụ huynh Trần Thị Huyền (Nguyễn Xiển, Thanh Xuân, Hà Nội) có con học lớp 5 cho biết: “Cách tuyển sinh vào lớp 6 như những năm học vừa qua thể hiện rõ sự không công bằng. Nhiều phụ huynh cũng chỉ biết kèm cặp, dạy dỗ con mình sao cho kết quả tốt, hạnh kiểm tốt. Nhưng khi nộp hồ sơ mới thấy không đủ đáp ứng tiêu chuẩn trúng tuyển vì không nghĩ đến chuyện cho con tham gia các cuộc thi để kiếm thêm bằng khen, chứng chỉ cộng điểm”.

Lo ngại cho hiện tượng học sinh sẽ phải ôn thi từ sớm để vào một số trường nổi tiếng, TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội cho biết: “Chúng ta đã và đang phổ cập THCS nên học sinh đều được học lên cấp THCS. Nếu để một số trường áp dụng hình thức thi tuyển mà có các môn văn hóa thì chắc chắn sẽ xảy ra tình trạng phụ huynh luyện thi cho con từ hồi lớp 3, lớp 4. Nếu có hình thức kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh thì tất yếu có các dịch vụ ôn luyện. Bộ, Sở GD&ĐT phải kiểm soát được các hoạt động tổ chức kiểm tra, đánh giá năng lực tuyển chọn vào lớp 6 của các trường”.

Theo Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh THCS và THPT ban hành kèm theo Thông tư số 11/2014/TT-BGDĐT ngày 18-4-2014 do Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố, việc tuyển sinh THCS phải bảo đảm yêu cầu thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục THCS trên địa bàn. Điểm đáng chú ý tại dự thảo có quy định, trường hợp cơ sở giáo dục có số học sinh đăng ký vào học lớp 6 nhiều hơn so với chỉ tiêu tuyển sinh, Sở GD&ĐT hướng dẫn thực hiện phương án tuyển sinh theo phương thức xét tuyển hoặc kết hợp xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh.

Bỏ lệnh cấm thi tuyển lớp 6: Sẽ “cởi trói” cho các trường top đầu

“Tôi đánh giá rất cao Thông tư sửa đổi lần này, nó sẽ “cởi trói” cho các trường top đầu về vấn đề tuyển sinh...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quang Anh (Gia Đình & Xã Hội)
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN