Tuyển sinh lớp 10: Quay vòng môn thi thứ ba vẫn không thoát học tủ, học lệch

Sự kiện: Tuyển sinh lớp 10
00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Bộ GD&ĐT dự kiến môn thi thứ ba vào lớp 10 phải được thay đổi qua các năm để đảm bảo tính giáo dục toàn diện. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, phương thức này học sinh vẫn có thể học tủ, học lệch.

Trong Dự thảo quy chế tuyển sinh THCS - THPT được Bộ công bố để xin ý kiến rộng rãi, đối với phương thức thi tuyển 3 môn vào lớp 10 gồm Toán, Văn và môn thi thứ ba hoặc bài thi tổ hợp phải thay đổi qua các năm nhằm đảm bảo mục tiêu giáo dục toàn diện.

Nhiều ý kiến cho rằng, môn thi thứ ba kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 dù có được quay vòng hằng năm, học sinh vẫn có thể học tủ, học lệch, không đảm bảo mục tiêu như Bộ GD&ĐT kỳ vọng.

Ở bậc THCS theo chương trình GDPT 2018 hiện nay, ngoài Ngữ văn và Toán còn có các môn chấm điểm có thể làm môn thi thứ ba gồm: Ngoại ngữ 1, Giáo dục công dân, Khoa học tự nhiên (Vật lý, Sinh học, Hóa học), Lịch sử và Địa lý, Công nghệ, Tin học.

"Với quy định mới trong Dự thảo Quy chế, trước mắt học sinh lớp 9 các trường tuyệt đối không chủ quan, không học lệch, phải tập trung học đều các môn", là ý kiến của lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh An Giang. (ảnh: Như Ý)

"Với quy định mới trong Dự thảo Quy chế, trước mắt học sinh lớp 9 các trường tuyệt đối không chủ quan, không học lệch, phải tập trung học đều các môn", là ý kiến của lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh An Giang. (ảnh: Như Ý)

Như vậy, nếu năm nay, Sở GD&ĐT nào đó lựa chọn Lịch sử - Địa lý làm môn thi thứ ba, theo quy định, năm sau sẽ phải quay vòng sang môn khác. Như vậy, học sinh của năm sau, thậm chí vài năm sau nữa vẫn có thể tự tin, bỏ qua không cần học Lịch sử - Địa lý để thi vượt cấp. Như vậy, nội dung giáo dục toàn diện khó đảm bảo. Điều quan trọng là có giải pháp quản lý tốt chất lượng dạy học và kiểm tra, đánh giá ở trường học.

Một chuyên gia giáo dục cho rằng, việc lựa chọn môn thi cần căn cứ vào mục đích của kì thi để xây dựng các môn đúng mục tiêu đề ra.

Kì thi tuyển sinh lớp 10, số môn thi sẽ dựa vào việc cần đánh giá các năng lực gì để học sinh có thể học tập thành công ở bậc THPT và nhằm phân loại được thí sinh đảm bảo cho công tác xét tuyển. Điều này có sự khác biệt với mục đích thi tốt nghiệp THCS là học gì thi đó và tránh học tủ, học lệch do học sinh lớp 9 phải đảm bảo điều kiện đã tốt nghiệp THCS theo quy định của Luật giáo dục 2019 mới được dự thi vào lớp 10.

Thi, kiểm tra, đánh giá căn cứ dựa vào chương trình giáo dục. Với chương trình GDPT 2018 có mục tiêu là phát triển phẩm chất, năng lực của người học. Với cấp THCS, cần đánh giá các năng lực cơ bản nên có thể lựa chọn 2 môn học cơ bản nhất là Toán và Ngữ văn dùng làm nội dung đánh giá các năng lực cơ bản đó. Tuy nhiên, với chương trình GDPT 2018 thì cấp THPT học sinh sẽ được lựa chọn các môn học theo định hướng nghề nghiệp nên chọn thêm môn thứ ba để tạo nền tảng năng lực đặc thù cho học sinh lên học cấp THPT một cách thuận lợi và với 3 môn học khả năng đánh giá sẽ toàn diện hơn về năng lực của học sinh.

Với cách lập luận đó, chuyên gia này cho rằng, nên cho học sinh được tự lựa chọn môn thi thứ ba vì phương án này đem lại lợi ích tối đa cho người học.

“Cũng cần phải quy định rõ phương thức thi của môn thứ ba là trắc nghiệm và chấm bằng máy nhằm đảm bảo công bằng giữa các môn thi và tránh lợi ích nhóm khi lựa chọn môn”, người này nói.

Phương án khác là có thể lựa chọn môn thi thứ ba là ngoại ngữ vì thuận lợi cho tất cả học sinh khi vào học cấp THPT, môn học này là môn bắt buộc và giữ ổn định phương án các tỉnh đã thực hiện nhiều năm.

Học sinh không chủ quan, không học lệch

Trả lời PV Tiền Phong, ông Nguyễn Quốc Khanh, Phó giám đốc Sở GD&ĐT An Giang cho rằng, phương án chọn môn thứ ba có thể là bài thi tổ hợp có tác động lớn đến việc dạy học theo chương trình mới, bài thi tổ hợp có thể đánh giá được năng lực cần đạt theo chương trình GDPT 2018, đây cũng là yếu tố tích cực giúp giáo viên thay đổi cách tổ chức dạy và học.

“Với quy định mới trong Dự thảo Quy chế, trước mắt học sinh lớp 9 các trường tuyệt đối không chủ quan, không học lệch, phải tập trung học đều các môn, bám sát yêu cầu chương trình GDPT 2018 và đề thi minh họa của Bộ/Sở (nếu có) để chuẩn bị sẵn sàng cho kỳ thi từ năm 2025”, ông Nguyễn Quốc Khanh nói.

Cũng theo ông Khanh, để góp ý kiến cho dự thảo tuyển sinh THCS – THPT của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT An Giang đã tổ chức lấy ý kiến các phòng chức năng, các đơn vị trực thuộc, các phòng GD&ĐT trên toàn tỉnh nhằm đảm bảo tính khách quan, đa dạng. Qua tổng hợp, Sở GD&ĐT đóng góp ý với Bộ GD&ĐT số nội dung, trong đó có việc nên có hướng dẫn riêng cách tính “điểm xét tuyển” cho từng phương thức tuyển sinh như: Thi tuyển, xét tuyển hoặc thi tuyển kết hợp với xét tuyển để đảm bảo thực hiện thống nhất trên cả nước.

Bộ GD&ĐT chưa ban hành quy chế nhưng từ dự thảo, Sở GD&ĐT An Giang dự kiến sẽ tham mưu trình UBND tỉnh phương án thi tuyển 100% các trường THPT công lập trên địa bàn cho năm học 2025-2026.

"Vì năm học này là năm đầu tiên các em học sinh lớp 9 học theo chương trình GDPT 2018 trọn vẹn một cấp học và việc tổ chức thi sẽ được thực hiện đúng theo quy chế chính thức do Bộ GD&ĐT ban hành trên cơ sở đảm bảo chất lượng nguồn tuyển, đạt hiệu quả, tiết kiệm và đảm bảo quyền lợi của học sinh", ông Khanh nói.

Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT hằng năm “nóng rẫy”, học sinh áp lực, căng thẳng vì cạnh tranh khốc liệt để giành suất vào trường công lập. Nhưng đến...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hà Linh ([Tên nguồn])
Tuyển sinh lớp 10 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN