Tuyển sinh ĐHCĐ 2015: Lò luyện thi "bốc hơi"
Không có cấu trúc đề thi, không có hướng dẫn ôn tập... Đó là lý do khiến nhiều học sinh chỉ ôn thi với sách giáo khoa, thay vì chen chúc trong các lò luyện thi chật chội như nhiều năm trước.
Lò luyện… bốc hơi
Con phố Tạ Quang Bửu, Lê Thanh Nghị - phía sau Đại học Bách khoa (Hà Nội) nhiều năm nay nổi tiếng là phố “lò luyện” với nhiều trung tâm luyện thi đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) mọc san sát, là lựa chọn số 1 của các sĩ tử trước mùa thi. Tuy nhiên năm nay, khi kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH, CĐ sắp cận kề, các con phố này vẫn im hơi lặng tiếng. Khảo sát của PV NTNN sáng 25.3 thì hầu hết các trung tâm đã đóng cửa. Chị Thanh Nga - chủ một cửa hàng Internet trong ngõ 30 Tạ Quang Bửu cho biết: “Mấy năm trước dãy phố này có rất nhiều trung tâm luyện thi ĐH, nhưng chẳng hiểu sao học sinh đến đăng ký cứ thưa dần, các “lò” phải đóng cửa vì không đủ chi phí… thuê mặt bằng. Cửa hàng của tôi 2 năm trước cũng là một lò luyện có tiếng, năm nay đóng cửa sớm vì không có học sinh”. Trung tâm luyện thi ĐH Đa Minh trên phố Lê Thanh Nghị là trung tâm duy nhất thời điểm này vẫn đăng biển tuyển sinh các khóa luyện thi, tuy nhiên lượng sĩ tử đến đăng ký ôn thi ĐH cũng thưa thớt, phần lớn vẫn là các khóa đào tạo ngoại ngữ cho sinh viên.
Tương tự, tại khu vực Cầu Giấy, số lượng các lò luyện thi cũng giảm đi trông thấy. Con phố nhỏ ở ngõ 130 Xuân Thủy những năm trước tập trung rất nhiều lò luyện, học sinh và phụ huynh đến đăng ký không ngớt thì nay chỉ còn một địa chỉ duy nhất tại số 2 - 3 dãy H1 (ĐH Sư phạm Hà Nội) còn tuyển sinh nhưng cũng… cửa đóng then cài.
Trong sân trường ĐH Quốc gia Hà Nội cũng chỉ còn mỗi một bàn tuyển sinh cho các lớp học tại địa điểm Câu lạc bộ Sinh viên của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Ngỡ phóng viên là sĩ tử đến hỏi lớp luyện thi, nhân viên ở đây nhanh nhảu quảng cáo và đưa lịch học các môn với danh sách giáo viên đứng lớp 100% là các thạc sĩ, tiến sĩ giảng viên ĐH Sư phạm Hà Nội. Lịch học từ 18 – 19 giờ 30 hàng ngày. Khi phóng viên băn khoăn về việc lớp học có chật chội, đông đúc không thì nhân viên này cho biết: “Mấy năm trước thì đông chứ năm nay ít lắm, mỗi lớp chưa đến 30 người, rộng rãi thoải mái. Phòng có điều hòa thoáng mát, mỗi môn chỉ có giá 800.000 đồng/tháng”.
Sĩ tử đi đâu?
Sau khi Bộ GDĐT công bố quy chế thi THPT quốc gia và tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ, nhiều học sinh lớp 12 đã không còn mặn mà với các “lò luyện” trong khi học sinh “lớp 13” thì tìm về với thầy cô giáo cũ để tiếp cận với những đổi mới được hướng dẫn có bài bản từ Bộ.
Em Nguyễn Văn Cường, (Trường THPT Sơn Động, Bắc Giang) cho biết, hiện trường đã phân loại học sinh để ôn tập theo mục đích tham dự kỳ thi THPT quốc gia, các thầy cô cũng phổ biến yêu cầu của kỳ thi, yêu cầu về kiến thức các môn học. “Thầy cô là người trực tiếp dạy, nắm được điểm mạnh, điểm yếu của mình nên sẽ có hướng ôn luyện để mình đạt kết quả tốt nhất” – Cường nói. Đó cũng là lý do Cường chọn luyện thi tại trường mà không học thêm ở bất kỳ trung tâm nào.
Trong khi đó, thầy Nguyễn Hữu Văn – giáo viên văn một trường THPT tại huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình) cho biết, nhiều học sinh cũ năm trước trượt ĐH đã tìm về đề đạt nguyện vọng muốn thầy mở lớp ôn thi cho các em. “Năm nay không có cấu trúc, hướng dẫn và thời điểm hiện tại vẫn chưa có dạng đề thi, không chỉ học sinh mà bản thân giáo viên cũng khá lúng túng. Chúng tôi chỉ biết bám thật sát chương trình sách giáo khoa, đối với môn văn lưu ý học sinh phải thường xuyên cập nhật thông tin thời sự. Thầy trò cũng tăng cường bàn luận về các vấn đề xã hội trong các tiết học để tăng cường kỹ năng mổ xẻ vấn đề cho các em” – thầy Văn chia sẻ.
Năm nay, đến tháng 7 thí sinh mới bước vào kỳ thi THPT quốc gia. Sau khi hoàn thành chương trình lớp 12 theo kế hoạch, các trường THPT cũng đã lên phương án ôn luyện cho học sinh kéo dài hết tháng 6 (khác với các năm trước thí sinh được nghỉ 1 tháng sau kỳ thi tốt nghiệp THPT). Đây cũng là lý do khiến các sĩ tử không có thời gian đến lò luyện.