Tuyển sinh ĐHCĐ 2014: Đề thi riêng sẽ ra sao?
Theo lịch tuyển sinh, ngày 10/3/2014, Bộ GD&ĐT sẽ công bố danh sách các trường ĐH, CĐ tuyển sinh riêng. Tuy nhiên, phương pháp thi riêng sẽ ra sao? Làm sao đảm bảo công bằng? Đó là những câu hỏi khiến nhiều người băn khoăn.
Khác cách ra đề
Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga, kỳ thi “3 chung” kéo dài hơn 10 năm và đã được xã hội đánh giá cao. Tuy nhiên hiện nay, nếu tiếp tục kỳ thi “3 chung” thì không phù hợp với thực tế, với Luật Giáo dục đại học mới và với xu thế phát triển. Vì vậy, Bộ có thay đổi phương án tuyển sinh vì đề án đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đã thay đổi mục tiêu đào tạo, thay vì kiểm tra kiến thức học sinh chuyển sang kiểm tra năng lực của học sinh. Theo đó, các trường sẽ tự lên đề án tuyển sinh riêng để trình Bộ GD&ĐT.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho rằng: “Với việc thi riêng (ra đề riêng, phương thức thi riêng và cách đánh giá xét tuyển riêng), yêu cầu học sinh có kiến thức tổng hợp vì khi trường kiểm tra năng lực toàn diện, học sinh không thể học vẹt, phải học đều để có tư duy tất cả các môn. Đặc biệt, học sinh có thể chỉ thi 1 môn và kết hợp với phỏng vấn, kiểm tra năng lực. Yêu cầu khâu ra đề của các trường phải kiểm tra được năng lực của học sinh để phù hợp với yêu cầu tuyển sinh theo đặc trưng của trường mình… Trong khi đó, nếu tổ chức theo kì thi “3 chung” như trước, các trường khó tuyển được thí sinh theo ngành đào tạo của mình”.
Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga, kỳ thi tuyển sinh 2014 sẽ không có thay đổi lớn về cách thức thi. Ảnh: H.Nguyên
Xác định chỉ tiêu ngành nghề Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết, Bộ GD&ĐT sẽ yêu cầu các trường xác định chỉ tiêu riêng cho một số ngành nhiều người học thay vì chỉ xác định chỉ tiêu tổng cho toàn trường, sau đó trường tự phân cho từng ngành như hiện nay. Những trường nhiều năm liền mất cân đối chỉ tiêu giữa các ngành, Bộ sẽ giao trực tiếp chỉ tiêu trên cơ sở năng lực đào tạo của từng ngành. “Việc này nhằm khắc phục tình trạng một số trường dồn chỉ tiêu cho các ngành dễ thu hút thí sinh, gây quá tải cục bộ, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo”, ông Ga nói. |
PGS.TS Nguyễn Hội Nghĩa, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM cho rằng, việc cho phép các trường tuyển sinh riêng là động thái tích cực. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian từ nay đến đầu tháng 3/2014 phải có đề án tuyển sinh riêng thì quá gấp gáp. Vì vậy, nhiều trường ĐH vẫn sẽ chưa thi riêng trong mùa tuyển sinh 2014. Lãnh đạo Trường ĐH Tài chính - Marketing cũng cho rằng, thời gian nộp đề án tuyển sinh riêng từ nay đến tháng 3/2014 là quá gấp rút nên khả năng nhiều trường không chuẩn bị kịp. Khó khăn nhất của các trường chính là chuẩn bị ngân hàng đề thi và lựa chọn môn thi phù hợp.
Dễ nảy sinh tiêu cực?
Theo bạn đọc Quốc Vỹ (đường Láng, Hà Nội), thi chung hay thi riêng đều có ưu, nhược điểm. Tuy nhiên, dù chung hay riêng thì lo ngại nhất vẫn là kỷ cương trường thi, kỷ luật phòng thi. Ai dám bảo đảm là thi riêng sẽ nghiêm túc khi mà trường dân lập, tư thục đang rất cần người học? Ai dám khẳng định chắc chắn 100% là coi thi nghiêm túc, chấm thi nghiêm túc khi chính họ ra đề và chính họ tổ chức thi? Nếu không giải quyết được khâu nghiêm túc trong thi cử thì có chung hay riêng cũng không đánh giá được chất lượng thực sự.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho rằng, tư duy ra đề thi theo hình thức cũ là kiểm tra học thuộc lòng thì không đổi mới toàn diện giáo dục được. Bản chất đổi mới lần này là thay đổi căn cơ cách ra đề thi. Chúng ta phải nghĩ ra cách thi khác để hạn chế bất cập trong quá khứ và đạt được mục tiêu của đổi mới tuyển sinh. Bộ GD&ĐT đã giao quyền cho các trường thì đề thi là nhiệm vụ mà trường phải làm. Do đó, Bộ sẽ không làm giúp. Các trường có thể tự ra đề hoặc kết hợp với các trường để ra đề. Tuy nhiên, các trường phải đề ra “ngưỡng” tuyển sinh và lấy từ cao đến thấp như điểm sàn hiện nay. Các trường không được phép lấy thí sinh dưới “ngưỡng” cho dù có thiếu thí sinh.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, trước mắt kỳ thi tuyển sinh 2014 sẽ không có thay đổi lớn về cách thức thi. Học sinh vẫn học ôn một cách bình thường như lâu nay. Những năm tiếp theo, các trường sẽ chuẩn bị phương án tuyển sinh riêng, học sinh nên chủ động chuyển hướng ôn tập, vận dụng sáng tạo kiến thức, biến những kiến thức học được thành của mình bằng cách tổng hợp, phân tích, để có thể tham gia kỳ thi tuyển sinh riêng của các trường.