Tuyển sinh ĐH năm 2025: Thí sinh gặp khó ở tổ hợp môn xét tuyển
Trong dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học (ĐH) năm 2025 vừa được Bộ GD&ĐT công bố, nội dung được thí sinh quan tâm nhất là tổ hợp môn xét tuyển ĐH.
Theo dự thảo, đối với phương thức tuyển sinh dựa trên kết quả học tập, kết quả thi theo từng môn (bao gồm điểm tổng kết các môn học cấp THPT, điểm thi các môn tốt nghiệp THPT, các chứng chỉ ngoại ngữ và các kết quả đánh giá khác), Bộ quy định tổ hợp môn dùng để xét tuyển bao gồm ít nhất 3 môn. Các môn này cần phù hợp với đặc điểm, yêu cầu của chương trình đào tạo, trong đó phải có môn Toán hoặc Ngữ văn với trọng số đánh giá chiếm ít nhất 1/3 tổng điểm.
Một chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo có thể sử dụng đồng thời một số tổ hợp môn để xét tuyển, khi đó số môn chung của các tổ hợp phải có trọng số đánh giá chiếm ít nhất 50% tổng điểm. Ví dụ, trường sử dụng tổ hợp A00 (Toán, Lí, Hóa), A01 (Toán, Lí, Anh), B00 (Toán, Hóa, Sinh) là phù hợp vì có các môn chung. Quy định này tránh tình huống trường sử dụng tổ hợp lạ trong xét tuyển như thời gian vừa qua. Trường hợp sử dụng kết quả học tập cấp THPT để xét tuyển thì phải dùng kết quả học tập cả năm lớp 12 của thí sinh.
Thí sinh sẽ gặp khó khăn khi tham gia xét tuyển ĐH năm 2025 Ảnh: TRỌNG QUÂN
Trong kì thi tốt nghiệp THPT năm 2025, thí sinh thi 2 môn bắt buộc Toán và Ngữ văn; 2 môn lựa chọn nằm trong các môn: Hóa, Lí, Sinh, Địa, Sử, Giáo dục kinh tế và Pháp luật, Tin học, Công nghệ và Ngoại ngữ.
Đại diện Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết, trong giai đoạn 2020-2024, mỗi năm cả nước có khoảng gần 1 triệu thí sinh thi tốt nghiệp THPT. Thí sinh thi 3 môn bắt buộc là Toán, Văn, Ngoại ngữ và 1 trong 2 bài thi tổ hợp (Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội). Số liệu tổng hợp những năm gần đây cho thấy, số thí sinh chọn bài thi Khoa học tự nhiên luôn thấp hơn Khoa học xã hội. Điểm trung bình các môn Khoa học xã hội tăng nhẹ hằng năm. Ngược lại, các môn Khoa học tự nhiên có điểm ổn định và thấp hơn.
Bà Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) nêu, do quy định được chọn học một số môn nên hiện nay học sinh đang gặp khó khăn về tổ hợp xét tuyển của trường ĐH. Ví dụ, học sinh muốn học ngành Toán của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Tổ hợp xét tuyển của trường là A00 (Toán, Lí, Hóa) hoặc B02 (Toán, Hóa, Anh); A01 (Toán, Lí, Anh), nhưng các môn lựa chọn học của học sinh không có môn Lí, Hóa, Sinh. |
Đây cũng là yếu tố có phần bất lợi giữa các tổ hợp khi xét tuyển ĐH, bởi không ít trường đang xét tuyển nhiều tổ hợp cho cùng một ngành nhưng lại lấy cùng mức điểm chuẩn.
Khó khăn lựa chọn tổ hợp
Bà Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) chia sẻ, sau 3 năm, tình trạng mất cân đối giữa việc lựa chọn nhóm môn Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội là một trong những bất cập lớn. Tổng số học sinh lớp 12 của trường năm nay là 706. Trong đó có 193 học sinh lựa chọn thi môn Vật lí, 102 học sinh chọn môn Hóa, 70 học sinh chọn môn Sinh học, 186 học sinh chọn môn Lịch sử, 137 học sinh lựa chọn môn Địa lí, có 13 học sinh chọn môn Tin học.
Bà Nhiếp cho hay, nhiều học sinh có hướng du học sau khi tốt nghiệp THPT đã bị các trường ĐH nước ngoài từ chối hồ sơ do đã không học Vật lí, Hóa học cấp THPT. Trường THPT Chu Văn An phải tuyển thêm giáo viên dạy Vật lí để đảm bảo thời lượng dạy học cho tất cả học sinh. Theo bà Nhiếp, những học sinh lớp 11 năm học trước đã không chọn Vật lí, Hóa học nhưng giờ có nhu cầu điều chỉnh, trường cũng tạo điều kiện dạy bù chương trình lớp 10 và tổ chức cho học sinh kiểm tra bổ sung để đạt điều kiện.
Đại diện Sở GD&ĐT Hòa Bình cho biết, khó khăn thách thức trong kì thi tốt nghiệp sắp tới là thay đổi phương pháp học tập: học sinh phải làm quen, thích nghi với cách học mới, chuyển từ học thuộc lòng sang học để hiểu và vận dụng. Việc thay đổi cấu trúc, dạng thức đề thi gây khó khăn cho học sinh. Chẳng hạn đề thi môn Ngữ văn không kiểm tra các văn bản đã học trong SGK, yêu cầu học sinh phải có kĩ năng mới có thể làm được bài. Các môn học khác có số lượng câu hỏi của đề là 40 câu, nhưng bài tập trong đề dài và đa dạng câu hỏi, điều này rất khó cho học sinh hoàn thành trong khoảng thời gian 50 phút.
Thời gian chuẩn bị còn ít để làm quen với phương thức thi mới. Áp lực đổi mới phương pháp giảng dạy, giáo viên cần thời gian để làm quen với yêu cầu mới của đề thi và điều chỉnh giáo án phù hợp. Nguồn tài liệu cho giáo viên còn hạn chế. Sự chênh lệch vùng miền, ở các khu vực nông thôn hoặc vùng khó khăn, việc tiếp cận tài liệu, phương pháp học hiện đại có thể hạn chế, tạo ra bất lợi so với học sinh ở thành phố. Học sinh lẫn phụ huynh có thể lo ngại về sự thay đổi, đặc biệt khi chưa có kinh nghiệm thi cử theo hình thức mới.
Một số môn lần đầu tiên được tổ chức thi tốt nghiệp (theo lựa chọn của học sinh) như: Công nghệ, Tin học. Giáo viên các bộ môn chưa từng ôn thi tốt nghiệp, ít kinh nghiệm, ít nguồn tài liệu tham khảo,…
Nguồn: [Link nguồn]
Dù Bộ GD&ĐT đưa ra một số điều chỉnh để siết chỉ tiêu các phương thức xét tuyển sớm nhưng sức nóng của các kì thi do các đại học (ĐH) lớn tổ chức...