Tuyển sinh ĐH năm 2024: Những ngành học điểm chuẩn chạm ngưỡng 30/30 điểm

Năm nay, một số ngành học của các cơ sở giáo dục đại học (ĐH) điểm chuẩn tiếp tục ở mức chạm ngưỡng 30/30 điểm.

Cạnh tranh khốc liệt

Trường ĐH Luật Hà Nội vừa công bố điểm chuẩn phương thức xét học bạ THPT trong mùa tuyển sinh năm nay. Ngành Luật Kinh tế của trường có mức điểm chuẩn cao nhất ghi nhận đến thời điểm hiện tại, 30/30 điểm ở tổ hợp A00 (Toán, Lý, Hóa) và A01 (Toán, Lý, Anh); các tổ hợp còn lại dao động từ 28,27 - 29,8/30 điểm. Những ngành khác của trường điểm chuẩn cũng khá cao như Luật thương mại quốc tế từ 28,78 - 29,08/30 điểm tùy tổ hợp; ngành Luật điểm chuẩn dao động từ 26,76 - 28,76/30 điểm.

Một hội đồng phỏng vấn trực tuyến thí sinh diện xét tuyển 1.3 hôm 26/5 Ảnh: Diệp An

Một hội đồng phỏng vấn trực tuyến thí sinh diện xét tuyển 1.3 hôm 26/5 Ảnh: Diệp An

Điểm xét tuyển của trường gồm: điểm trung bình của 3 môn trong tổ hợp xét tuyển và điểm ưu tiên, khuyến khích. Tổng điểm xét tuyển được nhà trường quy đổi về thang điểm 30 theo đúng quy chế của Bộ GD&ĐT. Thí sinh xét tuyển tổ hợp A00 và A01 vào ngành Luật Kinh tế của trường có tổng điểm xét tuyển phải đạt 3 điểm 10 học bạ nếu không có điểm ưu tiên, khuyến khích.

Hôm qua, ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức phỏng vấn 4.545 thí sinh tham gia xét tuyển theo phương thức xét tuyển tài năng thuộc diện 1.3 (xét hồ sơ năng lực và phỏng vấn) tại 310 hội đồng theo hình thức trực tuyến, tăng gần gấp 2 lần năm 2023.

PGS.TS Vũ Duy Hải, Trưởng Ban tuyển sinh - Hướng nghiệp, ĐH Bách khoa Hà Nội, dự báo, 5 ngành “hot” của trường là Khoa học máy tính, Kĩ thuật máy tính, Điều khiển tự động hóa, Kỹ thuật Vi điện tử và Công nghệ nano, Kỹ thuật Điện tử-Viễn thông có số lượng thí sinh đăng kí xét tuyển phương thức tài năng tăng 300- 500%.

“Do đó, dự báo 5 ngành này điểm chuẩn phương thức xét tuyển tài năng sẽ suýt soát tuyệt đối. Thậm chí ở phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp, những ngành học này chỉ còn một số lượng rất ít chỉ tiêu, chỉ những thí sinh thực sự xuất sắc mới có cơ hội trúng tuyển”, ông Hải nói. Ông không phủ nhận chuyện có thể điểm chuẩn xét kết quả thi tốt nghiệp THPT năm nay những ngành này tiếp tục gây “bão” như năm trước.

Những ngành “hot” của ĐH Bách khoa Hà Nội năm nay dự báo vẫn tiếp tục có điểm chuẩn chạm ngưỡng tuyệt đối.

Chuẩn sinh viên tài năng

Theo PGS Vũ Duy Hải, phương thức xét tuyển tài năng được coi tiệm cận xu hướng tuyển sinh trên thế giới vì đánh giá thí sinh khá toàn diện, không phụ thuộc vào điểm số.

Phỏng vấn chính là một cách để nhà trường có thể định hướng lại cho thí sinh và đánh giá được mối quan hệ thực sự giữa thực lực của thí sinh và bảng điểm học tập. Một điểm mới của năm nay trong xét tuyển tài năng diện 1.3 của ĐH Bách khoa Hà Nội là có điểm sàn cho phần thi phỏng vấn. Thí sinh phải đạt từ 10/20 điểm ở phần thi này mới được tham gia xét tuyển vòng cuối (xét tuyển tài năng diện 1.3 gồm các vòng: xét hồ sơ năng lực, phỏng vấn, xét tổng điểm hai vòng). Phỏng vấn là khâu kiểm tra cuối cùng để xác định một thí sinh có phù hợp học ở ĐH Bách khoa Hà Nội hay không.

Ông Hải cho hay, nhà trường đã nhìn thấy hạn chế của việc tuyển sinh chỉ dựa vào điểm số nên kì thi đánh giá tư duy (TSA) đã được cải tiến. Theo đó, đề thi được xây dựng dựa trên các mô hình toán học để giải thích mối quan hệ giữa khả năng của thí sinh với các câu hỏi đo lường khả năng đó. Với cách tiếp cận của lí thuyết này, tham số của các câu hỏi (như độ khó, độ phân biệt, độ đoán mò…) và khả năng của thí sinh sẽ được định lượng dựa trên dữ liệu làm bài của nhóm thí sinh.

Đối với sự cạnh tranh mạnh mẽ của thị trường lao động, học ngành gì để không sợ thất nghiệp và mang lại mức lương hấp dẫn luôn là câu hỏi thường trực của đa số các thí sinh. Xem ngay bài viết dưới đây để có câu trả lời cho thắc mắc trên.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo NGHIÊM HUÊ ([Tên nguồn])
Những điều cần biết về tuyển sinh đại học, cao đẳng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN