Tuyển sinh ĐH năm 2023: Bất ngờ điểm chuẩn

Hôm qua, hàng loạt trường đại học (ĐH) công bố điểm chuẩn sau khi Bộ GD&ĐT kết thúc lọc ảo. Đến thời điểm hiện tại, thứ hạng điểm chuẩn có sự thay đổi so với năm 2022.

Thứ hạng cao gọi tên sư phạm

Trao đổi với phóng viên, PGS.TS Nguyễn Đức Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cho hay năm nay điểm chuẩn cơ bản ổn định như năm ngoái, biến động tăng/giảm từ 0,1-0,5 điểm. Trong đó, có những ngành điểm chuẩn cao lên đến 26-28. Ngành Sư phạm Lịch sử điểm chuẩn cao nhất 28/30 điểm. Lý do là ngành này năm nay tuyển sinh 68 chỉ tiêu, trong khi có đến 16 học sinh đạt giải học sinh giỏi quốc gia đăng ký vào theo phương thức xét tuyển sớm. Trường có 5 phương thức tuyển sinh nên số chỉ tiêu/phương thức càng ít. So với năm 2022, điểm chuẩn ngành này thấp hơn.

Thí sinh tại ngày hội tư vấn đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học tháng 7 vừa qua. Ảnh: Mạnh Thắng

Thí sinh tại ngày hội tư vấn đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học tháng 7 vừa qua. Ảnh: Mạnh Thắng

Trường ĐH Sư phạm, ĐH Thái Nguyên đã công bố điểm chuẩn trúng tuyển vào trường năm 2023. Ngành Sư phạm Lịch sử có điểm chuẩn cao nhất vào trường với 28 điểm. Xếp sau đó là ngành Sư phạm Ngữ văn với 26,85 điểm, ngành Sư phạm Địa lý với 26,73 điểm. Ngành có điểm chuẩn thấp nhất là Sư phạm Tin học với 21,7 điểm. Năm ngoái, ngành Sư phạm Lịch sử cũng lấy điểm chuẩn vào trường cao nhất.

Gần đạt điểm tuyệt đối mới trúng tuyển một ngành

ĐH Bách khoa Hà Nội đã công bố điểm trúng tuyển ĐH hệ chính quy năm 2023. Theo đó, các ngành có điểm trúng tuyển cao nhất của phương thức xét kết quả thi đánh giá tư duy thuộc lĩnh vực Công nghệ thông tin, ngành Khoa học máy tính với 83,97/100 điểm; với phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp, ngành Khoa học máy tính và Trí tuệ nhân tạo có điểm chuẩn cao nhất 29,42 điểm. Các ngành còn lại đối với phương thức điểm thi đánh giá tư duy dải điểm chuẩn từ 50,4 đến 83,90 điểm và từ 21 đến 28,80 điểm theo kết quả thi tốt nghiệp THPT

Như vậy, điểm chuẩn nhóm ngành Công nghệ thông tin năm nay của ĐH Bách khoa Hà Nội tiếp tục giữ kỷ lục điểm trúng tuyển cao nhất trường và cao nhất toàn quốc đối với những trường đã công bố điểm chuẩn đến ngày hôm qua. Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội những năm trước giữ kỷ lục khi có một số ngành chạm ngưỡng tuyệt đối với tổ hợp C00 (Văn, Sử, Địa) thì năm nay đã hạ nhiệt. Trong đó, cao nhất là ngành Quan hệ Công chúng với 28,85 điểm. Như vậy năm nay, không có ngành nào của trường ĐH này vượt ngưỡng 29 điểm.

PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó Giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội cho hay, điểm chuẩn những ngành liên quan đến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 luôn cao trong thời gian qua. Năm 2022, ĐH Bách khoa Hà Nội không xét tuyển phương thức kết quả thi tốt nghiệp THPT đối với những ngành hot của trường là Công nghệ thông tin và Khoa học máy tính mà ưu tiên xét theo phương thức tài năng, kết quả thi đánh giá tư duy. Năm nay, để tạo điều kiện cho thí sinh vùng sâu vùng xa đặc biệt giỏi không có điều kiện tham gia kỳ thi đánh giá tư duy, ĐH Bách khoa Hà Nội dành một tỷ lệ chỉ tiêu nhất định để xét tuyển bằng phương thức thi tốt nghiệp THPT. Chính vì vậy mà điểm chuẩn rất cao, dao động từ 27,32 - 29,42/30 điểm. Tức thí sinh phải đạt trung bình từ 9,1 - 9,8 điểm/môn thi. Đối với phương thức xét kết quả thi đánh giá tư duy thì những ngành này điểm chuẩn cũng rất cao, top 5% thí sinh đạt điểm cao nhất.

Ông Điền cho biết những ngành Kỹ thuật dệt may, kỹ thuật môi trường điểm chuẩn tương đối thấp, chỉ 21/30 điểm. Điều này cũng dễ hiểu vì thí sinh đang ưu tiên lựa chọn nhóm ngành công nghệ thông tin.

Điểm trúng tuyển các nhóm ngành của Trường ĐH Ngoại thương năm 2023 tương đối đồng đều và có mức điểm cao nhất là 28,5 của tổ hợp D01 (Toán, Văn, Anh) của ngành Ngôn ngữ Trung Quốc - chuyên ngành Tiếng Trung Thương mại. Tiếp theo là mức điểm 28,3 của tổ hợp A00 đối với ngành Kinh tế - chuyên ngành Kinh tế đối ngoại và chuyên ngành Thương mại quốc tế, mức điểm 28 của tổ hợp A00 đối với ngành Kinh tế quốc tế. PGS.TS Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Quản lý đào tạo Trường ĐH Ngoại thương cho biết, về cơ bản, điểm trúng tuyển của năm 2023 ở tất cả các phương thức xét tuyển của nhà trường là ổn định và chênh lệch không nhiều so với năm 2022.

Tối ưu hóa dữ liệu

Đến thời điểm này, PGS. TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT cho biết các bước trong giai đoạn xét tuyển, xử lý sắp xếp nguyện vọng xét tuyển của thí sinh (lọc ảo) năm 2023 đã hoàn tất. Các trường đã có các kết quả cuối cùng để công bố điểm trúng tuyển cũng như danh sách các thí sinh trúng tuyển vào trường, vào ngành các em đã đăng ký.

Kết quả bước đầu cho thấy điểm trúng tuyển của các trường, xét ở mặt bằng chung, là khá tương đồng với kết quả năm 2022. Đa số các trường ghi nhận tích cực về số lượng thí sinh trúng tuyển với mức điểm chuẩn mà các trường đã xác định, căn cứ theo chỉ tiêu đào tạo và dữ liệu nguyện vọng của thí sinh đăng ký xét tuyển. Đặc biệt, nhờ tối ưu hóa các dữ liệu sử dụng để xét tuyển của thí sinh khi chỉ cần đăng ký theo ngành đào tạo, tỉ lệ thí sinh trúng tuyển có sự gia tăng tích cực đáng ghi nhận trên toàn hệ thống, đáng mừng đối với cả thí sinh và cả đối với các cơ sở đào tạo.

“Kết quả trúng tuyển nhìn chung ghi nhận không có điểm chuẩn quá cao, do áp dụng việc tính điểm ưu tiên theo Quy chế tuyển sinh (bắt đầu có hiệu lực từ năm 2023) và do việc đã tối ưu hóa được lựa chọn tổ hợp xét tuyển cho thí sinh”, bà Thủy khẳng định.

Vì sao 2 thủ khoa khối A cùng trượt nguyện vọng 1 vào ĐH Bách khoa Hà Nội?

Hai thủ khoa khối A00 năm nay là Nguyễn Mạnh Thắng và Nguyễn Mạnh Hùng cùng đạt 29,35 điểm nhưng đều trượt nguyện vọng 1 vào ngành Khoa học máy tính của ĐH Bách khoa Hà Nội

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nghiêm Huê ([Tên nguồn])
Điểm chuẩn đại học - cao đẳng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN