Tuyển sinh ĐH, CĐ từ 2015: Dạng thức bài thi mới sẽ thế nào?
Ngay khi ĐH Quốc gia Hà Nội (ĐHQG HN) tung ra phương án 1 bài thi đánh giá năng lực xét tuyển vào đại học (ĐH) thực hiện từ năm 2015, dư luận cha mẹ học sinh và thí sinh rất nóng lòng muốn biết thông tin về bài thi này.
Để giúp thí sinh làm quen với dạng thức thi mới, Phóng viên Tiền Phong đã trao đổi với ông Vũ Viết Bình, Phó Ban Đào tạo ĐHQG HN xung quanh kỳ thi đánh giá năng lực.
Năm 2015 các thí sinh sẽ làm bài thi trên máy tính và các thầy sẽ không phải ngồi chấm thi như thế này nữa
Xin ông cho biết kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG HN có mối liên quan thế nào tới kỳ thi THPT quốc gia?
Kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG HN sẽ được tổ chức vào tháng 5 và tháng 7/2015 cho tất cả các thí sinh muốn học tập tại ĐHQG HN và là các kỳ thi độc lập với kỳ thi THPT quốc gia để xét tốt nghiệp. Các thí sinh đã thi xong kỳ thi này chỉ cần đăng ký 3 môn thi bắt buộc và 1 môn tự chọn để thi trong kỳ thi THPT quốc gia để xét tốt nghiệp chứ không cần phải thi tới 8 môn để đủ điểm đi đăng ký xét tuyển nữa.
Ví dụ, đầu tháng 5/2015 các thí sinh có nguyện vọng vào học tại các trường ĐH của ĐHQG HN sẽ dự thi và chỉ làm một bài thi tích hợp kiến thức duy nhất và sau 1 tuần các em sẽ được biết mình có trúng tuyển hay không. Các thí sinh, sau đó, sẽ chủ động thi kỳ thi THPT.
Những thí sinh nào thi kỳ thi THPT chung, đăng ký vào các trường ĐH, CĐ khác mà muốn thi vào ĐHQG HN sẽ dự thi thêm đợt thi tháng 7 để nếu đã trượt các trường khác, chẳng hạn, thì vẫn có thể vào học qua kỳ thi tháng 7 này. Vì vậy, thực chất 2 kỳ thi, một của ĐHQG HN và kỳ thi THPT không liên quan tới nhau.
Không liên quan thì, nếu có trường hợp thí sinh vượt qua kỳ thi của ĐHQG HN nhưng lại không đủ điều kiện của kỳ thi THPT có được vào học ở ĐHQG HN không?
Không tốt nghiệp THPT thì không đủ điều kiện để học ĐH. Chúng tôi còn có đề xuất như sau: thí sinh trúng tuyển theo đề thi riêng của ĐHQG HN sẽ không phải thi kỳ thi THPT nữa nhưng Bộ GD&ĐT chưa có câu trả lời cho đề nghị này.
Ông có thể phác thảo dạng đề thi đặc biệt này không?
Đề thi của ĐHQG HN tổng hợp kiến thức của nhiều môn học như Toán, Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa… định dạng kiến thức theo 4 khối A, B, C, D. Đề thi sẽ gồm 50 câu Toán; 50 câu Ngữ văn; khối kiến thức các môn khoa học tự nhiên như: Lý, Hóa, Sinh, Địa gồm 40 câu hỏi; khối xã hội - nhân văn gồm kiến thức các môn Sử, Địa, Giáo dục công dân gồm 40 câu…
100 câu hỏi Văn Toán là bắt buộc; thí sinh nào đã ôn thi theo các khối A, B thì sẽ chọn trả lời 40 câu hỏi của khoa học Tự nhiên; thí sinh nào đã ôn thi theo khối C sẽ chọn trả lời thêm 40 câu hỏi của khoa học xã hội-nhân văn.
Thí sinh chọn học các ngành ngoại ngữ thi thêm một bài kiểm tra năng lực ngoại ngữ ngay sau bài kiểm tra năng lực nói trên. Như vậy, bài thi năng lực có 180 câu hỏi và thí sinh sẽ làm 140 câu trong 195 phút.
Tổ chức thi thế này có phức tạp không thưa ông?
Thi như thế này rất thuận lợi so với việc thí sinh phải thi 3 môn bắt buộc và 1 môn tự chọn để được tốt nghiệp THPT rồi sau đó sẽ phải chọn thêm nhiều môn khác trong số 8 môn thi để được vào ĐH (các em thi theo các khối A và D có vẻ được lợi; các em đã định hướng theo khối C sẽ phải chọn thi thêm Sử, Địa (có thí sinh có điều kiện sẽ thi cả 8 môn…) khiến cho kỳ thi THPT quốc gia sẽ kéo dài tới 4 ngày. Kỳ thi của ĐHQG chỉ kéo dài 195 phút, trong 1 buổi và thi trên máy tính, đảm bảo công bằng khách quan.
Thi trên máy tính, vấn đề nghe có vẻ phức tạp. Vậy ông có thể phác họa cách thức thi và liệu thí sinh vùng xa có làm được bài theo dạng thức mới này không, vì đây là phương án mà đề án đổi mới tuyển sinh của Bộ hướng tới sau khi học sinh THPT đã được học theo chương trình và sách giáo khoa mới.
Có thể hình dung cách thi như “chương trình triệu phú”. Vì vậy, quỹ thời gian cho một phần câu hỏi chỉ giới hạn trong một khoảng nhất định; hết thời gian đó máy sẽ đóng phần đó lại và chuyển sang phần khác.
Điều này đòi hỏi thí sinh phải vững kiến thức mới làm nhanh được. Cách thi trên máy tính thế này đảm bảo sự công khai, minh bạch và công bằng, cũng không sợ có hiện tượng “quay cóp”.
Để thí sinh làm quen với dạng thức thi mới này, thời gian tới ĐHQG HN sẽ đưa lên trang web để giúp thí sinh có thể luyện tập cho quen với dạng thức kỳ thi.
Giải pháp thứ 2 là ĐHQG tăng cường giới thiệu về hình thức thi khi tư vấn tuyển sinh tới thí sinh. Nhìn chung, chúng tôi có phần mềm riêng để hỗ trợ thí sinh giải quyết các vấn đề khi làm bài thi.
Cảm ơn ông.
"Thi xong thí sinh mới đăng ký xét tuyển vào ĐH, CĐ như hiện nay, thí sinh sẽ luôn có cơ hội và ở thế chủ động khi chọn trường học, ngành học phù hợp. Chỉ có các trường là ở thế bị động nhưng sẽ sinh ra một hệ quả tích cực: Các trường bắt buộc phải nâng cao chất lượng để được người học lựa chọn. Trước kia có thể có trường này trường kia đổ lỗi cho Bộ GD&ĐT vì khống chế điểm sàn nhưng năm tới sẽ phụ thuộc vào sự lựa chọn của thí sinh, không phân biệt trường công, trường tư". Vũ Viết Bình, Phó Ban Đào tạo ĐHQG HN |