Tuyển sinh ĐH - CĐ: Tỉ lệ “chọi” căng ở khối kinh tế

Sự kiện: Tỷ lệ chọi 2018

Số lượng hồ sơ đăng ký dự thi tại nhiều trường ĐH, CĐ giảm mạnh nhưng riêng khối kinh tế thì áp đảo, dẫn đến tỉ lệ “chọi” cao.

Ngày 13/5, nhiều trường ĐH, CĐ công bố số lượng hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) nhận được và tỉ lệ “chọi” vào từng ngành. Qua đó cho thấy khối kinh tế năm nay có lượng hồ sơ áp đảo và tỉ lệ “chọi” vượt trội so với năm ngoái.

Trung bình 1 “chọi” 5

Năm 2013, Trường ĐH Ngân hàng TP HCM chỉ nhận được 2.000 hồ sơ thì năm nay, số lượng tăng vọt với 13.739 hồ sơ/2.950 chỉ tiêu; trong đó khối kinh tế gồm các ngành tài chính - ngân hàng, quản trị kinh doanh, kế toán, hệ thống thông tin quản lý, kinh tế quốc tế có đến 11.374 hồ sơ/2.300 chỉ tiêu (tỉ lệ “chọi” các ngành này là 5/1, tăng gấp 3 lần so với năm ngoái). Bên cạnh đó, ngành ngôn ngữ Anh nhận được 1.565 hồ sơ/200 chỉ tiêu (tỉ lệ “chọi” là 7.8/1), ngành luật kinh tế 730 hồ sơ/150 chỉ tiêu (tỉ lệ “chọi” 4.8/1).

Trường ĐH Kinh tế TP HCM năm nay tuyển 4.000 chỉ tiêu nhưng tổng số hồ sơ nhận được là 14.201, tăng hơn 2.500 hồ sơ so với năm 2013. Các địa phương có đông học sinh nộp hồ sơ ĐKDT vào trường là TP HCM, Đắk Lắk, Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Định… Tỉ lệ “chọi” vào trường là 3,5/1.

Tuyển sinh ĐH - CĐ: Tỉ lệ “chọi” căng ở khối kinh tế - 1

Học sinh Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (TP HCM) nộp hồ sơ đăng kí dự thi ĐH-CĐ năm 2014 Ảnh: TẤN THẠNH

Trường ĐH Tài chính - Marketing nhận được 23.298 hồ sơ/3.900 chỉ tiêu (tỉ lệ “chọi” là 6/1), tăng hơn 2.500 hồ sơ so với năm ngoái. Trong đó, ngành quản trị kinh doanh nhận được 3.115 hồ sơ, quản trị khách sạn 236, marketing 4.158, bất động sản 415, kinh doanh quốc tế 1.900, tài chính - ngân hàng 2.050, kế toán 2.040.

Tại Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM, trong số 18.479 hồ sơ thu về, ngành quản trị kinh doanh nhận được 1.250 hồ sơ/250 chỉ tiêu (tỉ lệ “chọi” 5/1), kế toán 966 hồ sơ/200 chỉ tiêu (tỉ lệ “chọi” 5/1).

GS Nguyễn Quang Dong, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, cho biết lượng hồ sơ trường nhận được năm nay khoảng 18.000. Ngành có hồ sơ ĐKDT tăng mạnh so với năm trước là tiếng Anh quản trị kinh doanh với 1.300, marketing 800, kế toán 1.800, tài chính - ngân hàng 1.300. Theo đó, tỉ lệ “chọi” cao nhất là ngành tiếng Anh quản trị kinh doanh: 13/1, quản trị kinh doanh bằng tiếng Việt: 5/1, tài chính - ngân hàng: 3/1, kế toán: 6/1. Trong khi đó, tỉ lệ “chọi” chung của trường là 3,5/1.

Đón đầu dự báo kinh tế khởi sắc

Theo ông Nguyễn Mạnh Dũng, Trưởng Phòng Đào tạo Học viện Ngân hàng, lượng hồ sơ của trường năm nay tăng mạnh. “Số hồ sơ chúng tôi nhận được hơn 9.800 bộ, tăng 1.150 bộ so với năm ngoái. Sau 4 năm liền lượng hồ sơ giảm, năm nay số thí sinh vào trường đã tăng cao. Đây thực sự là điều bất ngờ với chúng tôi” - ông Dũng nói.

Tại Trường ĐH Ngoại thương, bà Lê Thị Thu Thủy, trưởng phòng đào tạo, cho biết số lượng hồ sơ ĐKDT năm nay tương đương năm trước với gần 11.000 bộ, ngành nhiều hồ sơ dự thi nhất vẫn là kinh tế đối ngoại. Chỉ tiêu vào Trường ĐH Ngoại thương năm nay là 3.200 so với số hồ sơ ĐKDT thì tỉ lệ “chọi” sẽ là 3,4/1.

Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM, dẫn đầu nhu cầu nhân lực TP giai đoạn 2014-2015, xu hướng đến 2020-2025 thì nhóm ngành tài chính - tín dụng - ngân hàng - bảo hiểm đứng vị trí số 1 với số chỗ việc làm 10.800 người/năm. Bên cạnh đó, marketing là ngành dự báo sẽ thu hút nhiều lao động với số chỗ việc làm 21.600 người/năm.

Các chuyên gia nhận định việc thí sinh quay trở lại khối ngành kinh tế là do trong quá trình hướng nghiệp, nhiều thông tin cho rằng kinh tế sẽ khởi sắc sau 3-4 năm nữa nên họ “đón đầu”. ThS Trương Tiến Sĩ, Phó trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP HCM, cho rằng thí sinh đã nắm được tình hình kinh tế có dấu hiệu phục hồi. Ngoài ra, năm nay trường tuyển thêm khối D1 và thêm 2 ngành mới là luật kinh tế và kinh tế quốc tế - 2 ngành hợp với xu thế - nên thí sinh quan tâm nhiều hơn. Bên cạnh đó, năm 2013 do nhiều ngành kinh tế ít thí sinh dự thi, điểm chuẩn không cao nên có thể họ thấy vừa sức nên nộp hồ sơ.

Bà Lê Thị Thu Thủy nhận định mặc dù đã có khuyến cáo về tình trạng thừa nhân lực ngành kinh tế nhưng số lượng hồ sơ ĐKDT vào trường vài năm trở lại đây luôn ổn định. Như vậy, các thí sinh ĐKDT vào trường đã có định hướng nghề nghiệp từ trước vì điểm chuẩn của trường hằng năm luôn cao. Bên cạnh đó, nhiều thí sinh cũng đã tính đến tương lai lâu dài mới thi vào ngành kinh tế. 

Công nghệ thực phẩm: 1 “chọi” 19

Tại Trường Công nghệ Thực phẩm TP HCM, ngành có tỉ lệ chọi dẫn đầu là công nghệ thực phẩm với 7.523 hồ sơ/400 chỉ tiêu (19/1); kế đến là công nghệ kỹ thuật môi trường (9/1) công nghệ chế biến thủy sản (8/1), đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm, công nghệ sinh học (7/1)…

Ông Nguyễn Đức Minh, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP HCM, cho biết trường nhận được 36.800 hồ sơ/8.000 chỉ tiêu ĐH, tăng 1.700 bộ so với năm 2013 (tỉ lệ “chọi” 4,6/1). Tại Trường ĐH Nông Lâm TP HCM, số lượng hồ sơ nhận được là 38.896 hồ sơ/5.300 chỉ tiêu (tỉ lệ “chọi” 7/1)...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Gia Thùy - Yến Trang (Người lao động)
Tỷ lệ chọi 2018 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN