Tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2018: “Nở rộ” ngành, khối xét tuyển mới

Sự kiện: Giáo dục

Một số trường vừa công bố phương án tuyển sinh ĐH,CĐ năm 2018. Theo đó, các trường dự kiến bổ sung phương thức xét tuyển, tuyển thẳng, tổ hợp khối môn thi xét tuyển mới… Đặc biệt, có rất nhiều ngành đào tạo được mở thêm nhằm phục vụ thí sinh có thêm cơ hội vào đại học.

Tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2018: “Nở rộ” ngành, khối xét tuyển mới - 1

Kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2018 sẽ có thêm nhiều ngành đào tạo mới để thí sinh lựa chọn. Ảnh: Q.Anh

Thêm nhiều ngành mới

Thời điểm này, Bộ GD&ĐT chưa có phương án chính thức cho kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2018 tuy nhiên, nhiều trường đã sớm có phương án tuyển sinh riêng. Đáng chú ý, rất nhiều trường đã có sự điều chỉnh mới so với kỳ tuyển sinh vừa qua như: Mở ngành đào tạo mới, xây dựng tổ hợp xét tuyển dựa trên các môn thi quốc gia… Theo danh mục giáo dục, đào tạo cấp 4 trình độ đại học vừa được Bộ GD&ĐT ban hành, có trên 100 ngành mới, tăng khoảng 40% so với danh mục năm 2010. Thí sinh sẽ có thêm nhiều cơ hội lựa chọn ngành đăng ký xét tuyển.

Đặc biệt, lần đầu tiên, việc đào tạo giáo viên có thêm nhiều ngành mới như có một loạt các ngành đào tạo sư phạm các tiếng dân tộc như: Tiếng Khmer, Jrai, X’đăng... và có thêm ngôn ngữ Ả Rập bên cạnh các ngành sư phạm ngoại ngữ truyền thống khác. Từ năm 2018, các trường sư phạm còn có thêm ngành sư phạm khoa học tự nhiên. Khối ngành khác cũng có nhiều ngành học lần đầu có mã ngành riêng như: Du lịch, an toàn thông tin, tổ chức và quản lý y tế, du lịch, bảo tồn di sản kiến trúc đô thị, quản lý đô thị và công trình…

Một số trường mở thêm nhiều ngành đào tạo mới như, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP HCM dự kiến thêm 6 ngành mới tuyển sinh năm 2018 bao gồm: Thiết kế đồ họa, Kiến trúc, Quản lý xây dựng, Năng lượng tái tạo, Quản trị nhà hàng và Dịch vụ ăn uống, Sư phạm công nghệ. Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM năm nay dự kiến tuyển 3.500 chỉ tiêu bậc ĐH và 500 chỉ tiêu bậc CĐ. Ngoài các ngành đã có năm nay trường có một ngành mới là Khoa học chế biến món ăn. Tương tự, Trường ĐH Sài Gòn cũng có thêm chuyên ngành sư phạm Tiếng Anh tiểu học (bậc ĐH). ĐH Công nghệ TP HCM dự kiến mở thêm 2 ngành mới: Ngôn ngữ Hàn Quốc và Việt Nam học…

Đáng chú ý, Trường ĐH Quốc gia TP HCM cũng đã có phương án tuyển sinh năm 2018 của trường, ngoài các phương thức tuyển sinh như năm 2017, dự kiến có thêm kỳ thi đánh giá năng lực. Lãnh đạo nhà trường cho biết, kết quả thi được sử dụng như một phương án tuyển sinh vào trường, kỳ thi đánh giá năng lực chú trọng đánh giá các năng lực cơ bản để học ĐH của thí sinh như: Năng lực sử dụng ngôn ngữ, năng lực tư duy lôgic, năng lực phân tích, tổng hợp giải quyết vấn đề. Bài thi có cách tiếp cận tương tự bài thi SAT của Hoa Kỳ và bài thi TSA của Anh.

Ưu tiên đối tượng tuyển thẳng

Có thể nói, việc Bộ GD&ĐT áp dụng kỳ thi THPT Quốc gia lên tới 9 môn, trong đó có cả môn như: Giáo dục Công dân để làm căn cứ tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH, CĐ khiến cho công tác xét tuyển có nhiều thay đổi so với những năm trước đây. Để đảm bảo nguồn tuyển cũng như chất lượng thí sinh phù hợp với các ngành đào tạo, nhiều trường ĐH, CĐ đã xây dựng tổ hợp môn hoàn toàn khác biệt so với các khối thi “truyền thống”. Tiêu biểu như: Trường ĐH Tài chính-Marketing bổ sung thêm tổ hợp xét tuyển D96 (Toán - Tiếng Anh - Khoa học xã hội) bên cạnh các khối truyền thống là A và D1.

Để đảm bảo nguồn tuyển, nhiều trường đại học tiếp tục giữ phương án xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi THPT Quốc gia 2018, ưu tiên tuyển thẳng và xét tuyển học bạ cho những trường hợp học lực khá, giỏi. ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM năm nay xét tuyển theo 2 phương thức: Xét tuyển kết quả thi THPT Quốc gia năm 2018 và ưu tiên xét tuyển thẳng. ĐH Tài chính - Marketing sẽ xét tuyển thẳng dựa vào kết quả học tập ở cấp THPT đối với học sinh các trường THPT trên toàn quốc có đủ 3 năm học THPT đạt danh hiệu học sinh giỏi. Một số trường thành viên của ĐH Quốc gia TPHCM cũng dành nhiều chỉ tiêu để tuyển thẳng học sinh các trường chuyên trong phạm vi cả nước.

Để thu hút và có thêm lựa chọn cho thí sinh, ĐH Mở TP.HCM đã vừa ra mắt chương trình đào tạo trực tuyến với 9 ngành: Kế toán, Kinh doanh Quốc tế, Quản trị nhân lực, Quản trị kinh doanh, Kiểm toán, Ngôn ngữ Anh, Tài chính - Ngân hàng, Luật học và Luật Kinh tế. Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo này, người học sẽ được nhận bằng Cử nhân theo hình thức đào tạo từ xa, được Bộ GD&ĐT công nhận. Dự kiến trong năm 2018, ĐH Mở TPHCM sẽ tuyển 1.000 sinh viên học theo chương trình đào tạo trực tuyến trong chương trình đào tạo trực tuyến.

Liên quan đến tổ chức kỳ thi quốc gia và công tác tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2018, Bộ GD&ĐT cho biết, Bộ đã có văn bản gửi các Sở GD&ĐT, các trường ĐH, CĐ trong cả nước. Theo đó, phương thức tổ chức Kì thi THPT Quốc gia trong các năm tới sẽ được giữ ổn định như năm 2017. Bộ sẽ tiếp tục xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa, nâng cao độ phân hóa của đề thi theo chương trình giáo dục phổ thông hiện hành. Rà soát lại các nhóm đối tượng ưu tiên, khu vực ưu tiên để điều chỉnh mức điểm ưu tiên trong tuyển sinh cho phù hợp với điều kiện thực tế và thực hiện tốt hơn công bằng xã hội.

Bộ GD&ĐT vừa ban hành Thông tư về Danh mục giáo dục, đào tạo cấp IV trình độ đại học. Cụ thể, Bộ thực hiện phân loại, thống kê, bổ sung các ngành mới vào danh mục. Căn cứ các ngành được phép đào tạo, các cơ sở giáo dục đại học chủ động phát triển các chuyên ngành đào tạo để đáp ứng nhu cầu xã hội. Theo danh mục mới này, có thêm hơn 100 ngành mới, tăng khoảng 40% so với danh mục năm 2010. Như vậy, tại kỳ tuyển sinh đại học 2018 các thí sinh sẽ có thêm nhiều cơ hội lựa chọn ngành đăng ký xét tuyển.

Tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2018 có gì mới?

Không chỉ thay đổi, bổ sung tổ hợp xét tuyển, nhiều trường đại học còn tăng cường phương thức tuyển sinh và mở thêm...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quang Anh (Gia Đình & Xã Hội)
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN