Tuyển sinh ĐH-CĐ 2016: Có nên bỏ cộng điểm ưu tiên khu vực?

Nhiều ý kiến cho rằng cách cộng điểm ưu tiên đối tượng và khu vực theo quy chế tuyển sinh hiện còn nhiều bất cập, không công bằng đối với thí sinh.

Dự thảo sửa đổi, bổ sung quy chế tuyển sinh ĐH-CĐ hệ chính quy ban hành kèm theo Thông tư số 03/2015/TT-BGDĐT ngày 26-2-2015 vừa được Bộ GD&ĐT đưa ra lấy ý kiến, trong đó có sự điều chỉnh về đối tượng và khu vực ưu tiên. Theo dự thảo sửa đổi, thí sinh (TS) học liên tục và tốt nghiệp THPT tại khu vực nào thì hưởng ưu tiên theo khu vực đó. Nếu trong ba năm học THPT có chuyển trường thì thời gian học ở khu vực nào lâu hơn được hưởng ưu tiên theo khu vực đó…

Tuyển sinh ĐH-CĐ 2016: Có nên bỏ cộng điểm ưu tiên khu vực? - 1

 Thí sinh đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH-CĐ năm 2015. Ảnh: P.ĐIỀN

Hộ khẩu miền núi, tính điểm đồng bằng

Chị Võ Thị Chế ở một bản xã vùng núi miền Trường Xuân, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình cho biết con gái chị hiện đang học tại Trường ĐH Quảng Bình, lúc trước khi nộp hồ sơ vào các trường ĐH chỉ được tính 1 điểm ưu tiên. Trong khi khu vực này thuộc diện khó khăn đầu tư thuộc Chương trình 134 và 135, lẽ ra phải được cộng 1,5 điểm theo diện khu vực (KV) 1. “Lúc đó tôi có hỏi cách tính điểm ưu tiên như vậy là chưa hợp lý, các thầy mới nói là do con tôi có hộ khẩu ở vùng núi nhưng trường học lại nằm ở đồng bằng nên không được ưu tiên KV1. Tôi nghe giải thích như thế nên không hỏi thêm, vì lúc đó con tôi không tính điểm ưu tiên vẫn thừa điểm vào các trường” - chị Chế giãi bày.

Chị Chế cho rằng học sinh sống tại vùng núi chịu thiệt hơn nhiều so với con em những nơi khác. Nên lẽ ra cần tính điểm ưu tiên tại KV sinh sống thì quy định lại tính điểm ưu tiên tại nơi học tập là không ổn lắm.

Lãnh đạo một trường ĐH tại TP.HCM cho rằng đây cũng là vấn đề cần đánh giá thấu đáo khi thực hiện chính sách ưu tiên. Vị này nhận xét dự thảo có sự điều chỉnh đối với KV1 quy định chỉ những người có hộ khẩu KV đó trong thời gian học THPT và phải trên 18 tháng. Tuy nhiên, có một số gia đình định cư tại các bản thuộc xã khó khăn diện đầu tư 134, 135 nhưng trên địa bàn không có trường phải đi học ở đồng bằng lại không được tính điểm ưu tiên tối đa theo KV1 cũng khiến các em thiệt thòi.

Điểm ưu tiên cũng chưa công bằng

Bà Lê Thị Bích Thủy (quận 5, TP.HCM) có con đang học lớp 12 Trường THPT Bùi Thị Xuân cho biết về lâu dài Bộ nên xem lại cách tính điểm ưu tiên. Mục đích của cộng điểm ưu tiên là để hỗ trợ TS vùng sâu nhưng thời gian qua phát sinh nhiều bất cập. Cái quan trọng là năng lực của bản thân TS được cộng điểm. TS có đủ trình độ theo học, có chịu được áp lực hay không? Hay lại trở thành gánh nặng cho nhà trường, gia đình, rồi vấn đề tâm lý, mặc cảm…? “Điểm cộng chỉ là tạm thời, lẽ ra Bộ phải có sự quy hoạch như thế nào để cơ bản là cân bằng trình độ giữa các vùng, có thể không phải là cân bằng tuyệt đối nhưng phải có sự rút ngắn khoảng cách” - bà Thủy góp ý. 

Sinh viên Nguyễn Quốc An (năm tư ĐH Bách khoa TP.HCM) cho biết nhiều bạn đậu vô ĐH nhờ được cộng điểm ưu tiên sau này học rất vất vả, thi lại triền miên trong khi nhiều TS ở KV3 điểm cao hơn lại bị đánh bật ra ngoài. “Theo tôi, cần phải phân loại các trường ĐH. Theo đó, đối với ĐH tốp trên không nên cộng điểm ưu tiên. Chính sách này chỉ nên dành cho các trường ĐH tốp dưới hay ở địa phương” - sinh viên An nói.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa - Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, với cách thi và xét tuyển như hiện nay, các TS điểm cao lại được ưu tiên đối tượng hoặc ưu tiên KV (hoặc cả hai) sẽ càng tận dụng ưu thế của mình để vào các trường lớn và những ngành hấp dẫn. Và ngược lại, nhiều TS điểm cao nhưng có nguy cơ bị loại cũng là điều có thể xảy ra.

Ông Phạm Thái Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cho rằng không nên xem điểm ưu tiên là cứu cánh, ban phát mà đó là điểm khuyến khích trong điều kiện học tập ở vùng sâu hạn chế hơn so với TS ở thành thị. Tuy nhiên, nếu duy trì chính sách ưu tiên mà không tính toán kỹ các điều kiện kinh tế-xã hội, về lâu dài sẽ khiến các trường ở địa phương khó tuyển được TS, không phát triển được nguồn nhân lực địa phương.

Điểm cộng cho thí sinh các khu vực theo dự thảo

- KV1 - cộng ưu tiên 1,5 điểm gồm: Các xã KV I, II, III thuộc vùng dân tộc và miền núi giai đoạn 2012-2015, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giai đoạn 2013-2015 và các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư của Chương trình 135 năm 2014 và năm 2015 theo quy định hiện hành.

- KV2 - nông thôn - cộng ưu tiên 1 điểm gồm: Các địa phương không thuộc KV1, KV2, KV3.

- KV2 cộng ưu tiên 0,5 điểm gồm: Các thị xã, TP trực thuộc tỉnh; các thị xã, huyện ngoại thành của TP trực thuộc trung ương (trừ các xã thuộc KV1).

- KV3 không cộng điểm ưu tiên gồm: Các quận nội thành của TP trực thuộc trung ương. TS thuộc KV3 không thuộc diện hưởng ưu tiên KV. 

Tiêu điểm

Trong kỳ xét tuyển ĐH-CĐ 2015, trong số gần 730.000 TS thi tại các cụm thi do các trường ĐH chủ trì, số TS không được ưu tiên (KV3) chỉ chiếm khoảng 15%; trong khi số TS được hưởng ưu tiên KV là 85% (KV1 được ưu tiên 1,5 điểm chiếm gần 32%, KV2 - nông thôn được ưu tiên 1 điểm chiếm 29% và KV2 được ưu tiên 0,5 điểm chiếm 24%).

Tiến sĩ NGUYỄN ĐỨC NGHĨA, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phong Điền (Pháp Luật TPHCM)
Kỳ thi tốt nghiệp THPT Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN