Tuyển sinh ĐH-CĐ 2015: Sốc với điểm ngành "hot"
Chỉ còn 4 ngày cuối cùng để thí sinh (TS) nộp hồ sơ xét tuyển ĐH-CĐ đợt 1 năm 2015 (từ nay đến hết ngày 20.8), thời điểm này điểm xét tuyển của nhiều trường càng tăng thêm khi những TS điểm cao mới bắt đầu “bung” hồ sơ hoặc rút hồ sơ từ các trường “top đầu” để chuyển sang “top giữa”.
Thí sinh thi THPT Quốc gia 2015
Ngành hot hút thí sinh điểm cao
Nếu chỉ tính tổng điểm 3 môn (không nhân hệ số) thì mức điểm “có khả năng” trúng tuyển vào ngành Bác sĩ đa khoa của ĐH Y Dược TP.HCM đang xếp đầu khu vực phía Nam. Cụ thể, theo mức điểm xét tuyển tối thiểu mà trường này mới công bố, ngành Bác sĩ đa khoa TS muốn trúng tuyển phải đạt từ 27,75 trở lên (năm 2014 là 26 điểm). Tuy nhiên, với các TS đồng mức điểm 27,75 này phải có điểm môn Sinh đạt từ 9,5 điểm trở lên mới có cơ hội trúng tuyển.
Ngoài ra, một số ngành thuộc trường này, TS muốn trúng tuyển phải đạt được mức điểm khá “khủng” với tiêu chí phụ đi kèm như: Bác sĩ răng hàm mặt từ 27,25 điểm với môn Sinh 9 điểm (năm 2014 là 24,5); Dược sĩ 26,25 điểm với môn Hóa 8,75 trở lên (năm 2014 là 25 điểm); Xét nghiệm y học 25 với môn Sinh 8,25 điểm trở lên (năm 2014 là 23,5)... Các ngành còn lại điểm xét tuyển dự kiến trong khoảng 22,25 - 24,5 điểm.
Tương tự, nhiều ngành “hot” của ĐH Sư phạm TP.HCM đến ngày 17.8 rất cao. Chẳng hạn, ngành Sư phạm Toán học 34 điểm (tổ hợp Toán, Lý, Hóa) và 32,25 điểm (tổ hợp Toán, Lý, tiếng Anh); ngành Sư phạm tiếng Anh 33,75 điểm; Sư phạm Hóa 33,3 điểm… Đáng chú ý, một số ngành sư phạm khối xã hội nhân văn cũng có điểm khá cao như: Sư phạm Địa lý 30-32 điểm; Sư phạm lịch sử 31,17 (tổ hợp Văn, Sử, Địa) và 22,25 (tổ hợp Văn, Sử, tiếng Anh).
Còn tại ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, ngành Báo chí có 408 hồ sơ đăng ký nhưng số TS đạt 25,25 điểm trở lên có tới 108 TS (chỉ tiêu 130); ngành Ngôn ngữ Anh có 515 hồ sơ nhưng đạt 31,5 điểm trở lên có 302 TS (270 chỉ tiêu); ngành Quan hệ quốc tế có 338 hồ sơ nhưng ở khối D01 có 157 TS đạt 23,55 điểm trở lên, 20 TS đạt 23,5 điểm ở khối D14 (160 chỉ tiêu)…
Còn nhiều cơ hội vào trường công
Dù mức điểm chuẩn đang tăng từng ngày nhưng tại nhiều trường ĐH công lập lớn khu vực phía Nam, một số ngành đến thời điểm hiện tại vẫn khá ít hồ sơ đăng ký xét tuyển dù cơ hội việc làm những năm qua khá cao. Tại ĐH Bách khoa TP.HCM, dù một trong những trường “top trên”, nhưng vẫn có một số ngành khó tuyển sinh như: Bảo dưỡng công nghiệp (hệ CĐ) tới thời điểm hiện tại chỉ nhận được 52 hồ sơ trên tổng số 173 chỉ tiêu; ngành Kỹ thuật trắc địa bản đồ 39 hồ sơ/58 chỉ tiêu.
Đặc biệt ở trường này, các ngành thuộc chương trình chất lượng cao và chương trình quốc tế đến ngày hôm nay (17.8) cũng nhận được rất ít hồ sơ. Cụ thể, ở chương trình chất lượng cao các ngành ít hồ sơ gồm: Kỹ thuật dầu khí (27 hồ sơ/52 chỉ tiêu); Quản lý và công nghệ môi trường (14 hồ sơ/35 chỉ tiêu); Kỹ thuật cơ khí (12 hồ sơ/35 chỉ tiêu); Kỹ thuật Máy tính (16 hồ sơ/35 chỉ tiêu)…
Tương tự, với chương trình quốc tế, tình trạng còn “thảm hơn” khi đa số các ngành chỉ 2-3 hồ sơ như: Kỹ thuật địa chất và dầu khí (3 hồ sơ/52 chỉ tiêu); Kỹ sư công nghệ hóa (5 hồ sơ/52 chỉ tiêu); Kỹ sư Xây dựng (2 hồ sơ/52 chỉ tiêu); Cử nhân công nghệ thông tin (2 hồ sơ/52 chỉ tiêu); Kỹ sư công nghệ thông tin (2 hồ sơ/52 chỉ tiêu); Cử nhân quản trị kinh doanh (2 hồ sơ/52 chỉ tiêu)…
Tại ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM cũng có nhiều ngành ít hồ sơ như: ngành Thông tin học (36 hồ sơ/100 chỉ tiêu); Nhân học (13 hồ sơ/60 chỉ tiêu); Văn hóa học (19 hồ sơ/70 chỉ tiêu); Đô thị học (32 hồ sơ/80 chỉ tiêu); Ngôn ngữ Nga (35 hồ sơ/70 chỉ tiêu); Ngôn ngữ Italia (18 hồ sơ/50 chỉ tiêu); Giáo dục học (49 hồ sơ/120 chỉ tiêu)…
Trong khi đó, ở khối ngành nông lâm những năm gần đây mức “cầu” lao động khá lớn ở các chuyên ngành Chế biến lâm sản, thủy sản, Phát triển nông thôn và khuyến nông, Cơ khí nông lâm, Cơ khí chế biến bảo quản nông sản thực phẩm... nhưng các thí sinh lại khá thờ ơ. Tại ĐH Nông lâm TP.HCM, theo ông Trần Đình Lý, Trưởng phòng đào tạo nhà trường: Một số ngành như Bản đồ học, nhóm ngành lâm nghiệp, phát triển nông thôn dù có việc làm ngay sau khi ra trường, đáp ứng nhu cầu hết sức lớn cho thị trường lao động vốn đang rất lớn và sẽ còn rất lớn trong tương lai, vậy mà vẫn liên tục gặp khó khăn về đầu vào.
Cụ thể, hiện ngành Phát triển nông thôn mới chỉ có 13 hồ sơ đăng ký (60 chỉ tiêu). Một số ngành khác như: Kinh doanh nông nghiệp cũng chỉ có 12 hồ sơ đăng ký (60 chỉ tiêu); Công nghệ chế biến lâm sản 42 hồ sơ đăng ký (chỉ tiêu 180); Công nghệ chế biến thủy sản 38 hồ sơ (80 chỉ tiêu); Công nghệ rau hoa quả và cảnh quan chỉ 21 hồ sơ (160 chỉ tiêu); Lâm nghiệp 42 hồ sơ (240 chỉ tiêu)…