Tuyển sinh ĐH-CĐ 2015: Cuộc chơi của thí sinh điểm cao

Qua 10 ngày xét tuyển đầu tiên, sân chơi thuộc hẳn về các trường ĐH công lập với số lượng hồ sơ đăng ký xét tuyển nhiều áp đảo và thu hút các thí sinh đạt điểm cao.

Hôm nay, 10.8, đã qua nửa thời gian của đợt xét tuyển nguyện vọng (NV) 1 vào các trường ĐH, CĐ. Khác với những năm trước, kỳ thi THPT quốc gia năm nay đã tách riêng khâu thi (1-4.7.2015) và khâu xét tuyển (1.8-15.11.2015). Chính vì vậy, việc đăng ký xét tuyển (ĐKXT) của thí sinh cũng khác khá nhiều so với những năm trước.

Điểm cao vẫn rớt nếu không cân nhắc

Ngoại trừ một vài trường có số hồ sơ ĐKXT cao hơn nhiều so với chỉ tiêu, phần lớn các trường chỉ mới nhận được số lượng hồ sơ xấp xỉ với chỉ tiêu tuyển của trường. Tuy nhiên, trong cùng một trường, rõ ràng là các ngành “hấp dẫn” như nhóm ngành sư phạm, công nghệ thông tin, kiến trúc xây dựng, tài chính ngân hàng, y dược vẫn thu hút nhiều thí sinh hơn và hầu hết là thí sinh có điểm cao, trong khi ở những ngành ít hấp dẫn hơn ở cùng trường lại có ít thí sinh đăng ký. Đây chính là nguy cơ “có điểm cao mà vẫn rớt” nếu thí sinh không cân nhắc và tìm hiểu đầy đủ thông tin về chỉ tiêu tuyển, điểm xét tuyển, điểm chuẩn trúng tuyển của ngành mà mình muốn ĐKXT ở các năm trước...

Tuyển sinh ĐH-CĐ 2015: Cuộc chơi của thí sinh điểm cao - 1

Thí sinh nộp hồ sơ vào Trường ĐH Ngoại thương, cơ sở 2 Ảnh: TẤN THẠNH

Ghi nhận trong tuần lễ đầu tại nhiều trường, số hồ sơ ĐKXT nộp trực tiếp là chủ yếu, trong khi số hồ sơ nộp qua đường bưu điện  chiếm không đến 10%. Tuy nhiên, từ cuối tuần qua, số lượng hồ sơ các trường nhận qua dịch vụ chuyển phát nhanh hồ sơ ĐKXT đã dần nhiều lên, chứng tỏ sau thời gian thăm dò và thu thập thông tin, các thí sinh ở xa đã có quyết định của mình.

Thách thức cho các trường địa phương

Thống kê tuần đầu cho thấy phần lớn thí sinh nộp hồ sơ khá sớm có phổ điểm trong khoảng trung bình cao từ 17 đến 22 điểm. Ngoại trừ nhóm ngành y dược thu hút quá đông lượng thí sinh từ 26 điểm trở lên, những ngành hấp dẫn còn lại ở các trường cũng chỉ có mức cao nhất trong tầm 23-25 điểm. Viễn cảnh điểm chuẩn trúng tuyển dự kiến của nhóm ngành y dược ở một vài trường lên đến 26-27 điểm chắc chắn sẽ làm chùn bước nhiều thí sinh và trong thời gian tới, số thí sinh điều chỉnh nguyện vọng hoặc rút hồ sơ nộp qua trường khác phần lớn sẽ là thí sinh điểm cao chứ không phải điểm thấp. Thống kê từ Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục cho thấy thật ra số thí sinh có tổ hợp 3 môn toán, lý, hóa hoặc toán, sinh, hóa (là những tổ hợp môn xét tuyển chủ yếu cho nhóm ngành y, dược, răng hàm mặt,...) có điểm từ 26 trở lên không nhiều, chỉ vào khoảng 6.500 thí sinh trên cả nước nhưng do thí sinh tập trung ĐKXT vào những trường lớn như Trường ĐH Y Hà Nội, Trường ĐH Dược Hà Nội, Trường ĐH Y Dược TP HCM... Hiện tượng “anh hùng hội tụ” này làm tăng nguy cơ “có điểm cao vẫn rớt” như đã nói trên, nhưng sâu xa hơn là các trường ĐH lớn ở những thành phố lớn (Hà Nội và TP HCM) sẽ hút hết thí sinh giỏi của các địa phương.

Ưu thế thuộc hẳn về trường công lập

Thật ra, nếu chỉ căn cứ trên số liệu thống kê, thí sinh sẽ rất an tâm vì số thí sinh đạt đủ mức điểm ngưỡng để đua tranh vào các trường ĐH chỉ vào khoảng 530.000, trong khi tổng chỉ tiêu xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ năm 2015 lên đến hơn 600.000. Ngoài ra, có đến gần 200 trường ĐH, CĐ bên cạnh xét tuyển theo kết quả kỳ thi THPT quốc gia (tức là xét tuyển theo giấy chứng nhận kết quả thi) còn xét tuyển dựa trên học bạ THPT. Do vậy có thể nói cơ hội có một chỗ học ĐH, CĐ cho học sinh sau lớp 12 chưa bao giờ được rộng mở như thế.

Tuy nhiên, rõ ràng cải tiến thi và tuyển sinh có tác động mạnh đến xét tuyển khi mà trong 10 ngày xét tuyển đầu tiên, sân chơi thuộc hẳn về các trường ĐH công lập với số lượng hồ sơ ĐKXT nhiều áp đảo và thu hút các thí sinh đạt điểm cao. Dự báo trong 10 ngày cuối, các thí sinh có điểm xấp xỉ ngưỡng (từ 15-17 điểm) sẽ có quyết định ĐKXT vào ngành nào, trường nào để có cơ hội cao nhất phù hợp với điểm thi của mình.

Nhưng không phải vì thế mà các trường tư thục, ngoài công lập kém thế hơn. Hiện có nhiều trường đã nhận hàng ngàn hồ sơ ĐKXT bằng học bạ THPT, có lẽ phần lớn là các học sinh cảm thấy không thể tham gia vào cuộc đua mà sân chơi thuộc về những thí sinh có điểm cao hơn mình rất nhiều.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo TS NGUYỄN ĐỨC NGHĨA ([Tên nguồn])
Kỳ thi tốt nghiệp THPT Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN