Tuyển sinh ĐH 2024: Thí sinh băn khoăn ‘đặt cửa’ xét tuyển
Dù đã có tấm vé vào đại học bằng phương thức xét tuyển sớm nhưng rất nhiều thí sinh vẫn băn khoăn không biết đăng kí nguyện vọng như thế nào cho đúng trên hệ thống tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT.
Hôm nay, 20/7, ngày hội Lựa chọn nguyện vọng xét tuyển đại học, cao đẳng do Báo Tuổi Trẻ TPHCM chủ trì phối hợp cùng Vụ Giáo dục Đại học (ĐH), Bộ GD&ĐT, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức tại Hà Nội.
Ngày 17/7, thí sinh trên cả nước đã nhận được kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Nhiều thí sinh cũng đã nhận được thông báo đủ điều kiện trúng tuyển từ các cơ sở đào tạo, nhưng các em còn băn khoăn khi lựa chọn thứ tự ưu tiên nguyện vọng vào các ngành, các trường ĐH khác nhau.
Các thí sinh sẽ có một khoảng thời gian để nghiên cứu, tìm hiểu các thông tin và chính thức đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống xét tuyển của Bộ GD&ĐT từ ngày 18 đến 17h00 ngày 30/7.
Ngày hội Lựa chọn nguyện vọng xét tuyển ĐH, CĐ năm nay nhận được sự quan tâm của đông đảo phụ huynh. Có phụ huynh theo con từ Thái Bình, Ninh Bình, Phú Thọ đến với ngày hội để tìm hiểu thông tin, giúp con lựa chọn được nguyện vọng học tập chắc chắn. Có phụ huynh băn khoăn đặt câu hỏi đến các chuyên gia tư vấn các nguyện vọng có được ưu tiên theo thứ tự khi xét tuyển vào các trường ĐH. Ví dụ, Trường ĐH Ngoại thương nhận được 1.500 thí sinh đăng kí nguyện vọng 1 nhưng chỉ có 1.000 chỉ tiêu. Vậy nhà trường xét tuyển trong số những thí sinh đăng kí nguyện vọng 1 hay như thế nào?
Để cho phụ huynh, thí sinh hiểu tường minh nhất về vai trò của thứ tự nguyện vọng trong đăng kí tuyển sinh, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH cho biết việc lọc ảo thực chất là sắp xếp nguyện vọng của thí sinh, để chỉ xác nhận thí sinh trúng tuyển 1 nguyện vọng trong số các nguyện vọng đủ điều kiện trúng tuyển. Do vậy, với hệ thống lọc ảo, tất cả các nguyện vọng của thí sinh đăng kí vào một ngành nào đó ở mỗi trường ĐH là bình đẳng như nhau.
Thứ tự nguyện vọng chỉ có ý nghĩa khi xác định thí sinh trúng tuyển ở thứ tự cao nhất. Ví dụ 1 thí sinh đăng kí 10 nguyện vọng. Thí sinh này đủ điều kiện trúng tuyển từ nguyện vọng 3 đến nguyện vọng 7. Khi đó, hệ thống lọc ảo sẽ dừng lại ở nguyện vọng 3 và xác định thí sinh này trúng tuyển. Những nguyện vọng còn lại dù đủ điểm chuẩn nhưng không được hệ thống công nhận. Như vậy mỗi thí sinh nếu đủ điều kiện sẽ chỉ trúng tuyển 1 nguyện vọng duy nhất trong lần xét tuyển đầu tiên. Lần xét tuyển này không phân biệt trúng tuyển sớm hay trúng tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT. Vì dữ liệu đã được các trường đưa lên hệ thống. Hệ thống sẽ xét tổng thể trên cơ sở dữ liệu của trường ĐH và thí sinh cung cấp.
Do đó, bà Thủy khuyên thí sinh cần xếp thứ tự các nguyện vọng của mình theo thứ tự ưu tiên (sự mong muốn, yêu thích).
Bà Thủy cũng cho biết thí sinh không nhất thiết phải xếp các nguyện vọng đã trúng tuyển sớm lên đầu, mà có thể xếp sau nếu đó chưa phải nguyện vọng mình thích nhất.
Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh, thí sinh quan tâm đến chứng chỉ IELTS còn giá trị xét tuyển trong thời điểm hiện tại hay không?
PGS.TS Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Ngoại thương cho biết tùy theo quy định của mỗi trường sẽ vẫn có thể xét tuyển theo phương thức kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế như IELTS với một tổ hợp điểm thi tốt nghiệp THPT.
Ngoài ra các trường cũng có thể xét tuyển phương thức điểm thi. Với các tổ hợp có ngoại ngữ, các trường có thể sẽ cho phép thí sinh sử dụng chứng chỉ IELTS để quy đổi thay thế cho môn thi ngoại ngữ trong tổ hợp xét tuyển có ngoại ngữ. Việc quy đổi sẽ tùy theo mỗi trường quy định.
TS Lê Anh Đức, Phòng Đào tạo, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân khẳng định nhà trường không xét chứng chỉ ngoại ngữ trong thời điểm này.
Lưu ý thêm với thí sinh, PGS Nguyễn Thu Thủy cho biết trong ngày đầu hệ thống xét tuyển mở, đã có nhiều thí sinh đăng kí nguyện vọng lên hệ thống. Tuy nhiên còn 10 ngày nữa để thí sinh cân nhắc kĩ để lựa chọn và sắp xếp các nguyện vọng.
Đối với các em đã có kết quả trúng tuyển sớm của các trường vẫn phải đăng ký nguyện vọng lên hệ thống xét tuyển của Bộ GD&ĐT.
"Năm trước chúng tôi đã phải xử lý các trường hợp thí sinh yên tâm với việc đã trúng tuyển sớm nên đi du lịch mà không đăng ký nguyện vọng đã trúng tuyển lên hệ thống. Khi biết việc phải đăng kí thì hệ thống đã đóng lại", bà Thủy cho biết.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cũng lưu ý thí sinh cần bảo mật tài khoản truy cập vào hệ thống, vì nếu để lộ có thể sẽ bị người khác điều chỉnh, thay đổi nguyện vọng xét tuyển của mình.
Bà Thủy tư vấn không nên đăng kí quá nhiều nguyện vọng, mà nên cân nhắc, phân bổ số nguyện vọng (có các ngành mình yêu thích và có các ngành có cơ hội đậu cao) để hạn chế rủi ro trượt tất cả các nguyện vọng.
Nguồn: [Link nguồn]
Nhiều trường đại học nhận hồ sơ xét tuyển chỉ từ mức điểm 15 đến 17, theo tổ hợp ba môn thi của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.