Tuyển sinh ĐH 2023: Nước rút đăng ký nguyện vọng
Thí sinh chỉ còn 2 ngày cuối cùng để đăng ký nguyện vọng (đến 17h00 ngày mai, 30/7), tuy nhiên mới có gần 70% số thí sinh có nhu cầu xét tuyển đại học đăng ký nguyện vọng lên hệ thống tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT.
Vẫn còn băn khoăn
Theo quy định, thí sinh được đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển đến 17 giờ ngày 30/7. Sau thời gian này, hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ sẽ khóa và thí sinh hết quyền đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng.
Thí sinh tham gia ngày hội tư vấn đăng ký nguyện vọng xét tuyển ĐH, CĐ 2023. Ảnh: Mạnh Thắng
Thực tế, còn khá nhiều thí sinh vẫn chưa thực hiện đăng ký nguyện vọng trên hệ thống. Nguyễn Văn Tú, cựu học sinh Trường THPT Nguyễn Huệ, Hà Nội vẫn chưa quyết định đăng ký nguyện vọng trên hệ thống xét tuyển chung dù đã trúng tuyển ngành Ngôn ngữ Anh, Trường Đại học (ĐH) Kinh tế Quốc dân và ngành Thương mại điện tử, Trường ĐH Thương mại bằng phương thức xét tuyển sớm. Nhưng ngành mà Tú thích là ngành Kinh tế quốc tế hoặc marketing.
Tú tìm cơ hội ở xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, kết quả thi không đạt được như mong muốn, nên em đang băn khoăn nếu lựa chọn ngành Ngôn ngữ Anh, vào trường rồi thi chương trình chất lượng cao của ngành yêu thích hay học Thương mại điện tử. Trong khi thi vào lớp chất lượng cao là một lựa chọn mạo hiểm. Chính vì vậy Tú vẫn bối rối chưa đăng ký.
GS.TS Đào Văn Đông, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hòa Bình, Hà Nội, cho hay, một số thí sinh chưa xác định được ngành học, trường học phù hợp nên lúng túng khi thực hiện đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống.
Kinh nghiệm cũng cho thấy, năm trước có thí sinh không cẩn thận, không đọc hướng dẫn đăng ký nguyện vọng nên thực hiện không đúng, đầy đủ hết quy trình đăng ký, hoặc không kiểm tra lại thông tin sau khi hoàn tất việc đăng ký trên hệ thống, dẫn đến những sai sót không đáng có.
Khuyên thí sinh không nên để đến phút chót mới “chốt” việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển, GS Đào Văn Đông phân tích, nhận thức là một quá trình, vì vậy việc đăng ký ngành học, trường học được thí sinh tư duy, nghiên cứu từ trước. Nay chỉ là bước để các em rà soát, củng cố lại niềm tin và khẳng định sự chắc chắn của mình.
Lưu ý học phí
Dự báo điểm chuẩn ngành Y khoa, Trường ĐH Y Hà Nội năm nay, PGS.TS Lê Đình Tùng, Phòng Đào tạo của trường chia sẻ, theo lộ trình, năm nay, Trường ĐH Y Hà Nội tăng học phí từ 14,5 triệu đồng/năm/sinh viên lên 55,2 triệu đồng/năm/sinh viên đối với ngành Y khoa. Chính vì vậy, học phí cũng sẽ ảnh hưởng đến sự lựa chọn ngành học, trường học của thí sinh. Phổ điểm tổ hợp B00 năm nay cao hơn năm trước nhưng ông Tùng dự đoán điểm chuẩn chỉ dao động trong biên độ nhỏ.
Từ đầu mùa tuyển sinh, lãnh đạo Vụ ĐH, Bộ GD&ĐT đã nhắc nhở thí sinh khi tìm hiểu ngành học ngoài các thông số như chất lượng, cơ hội việc làm, năng lực của bản thân cần đặc biệt lưu ý vấn đề học phí. Vì thí sinh và gia đình phải chuẩn bị tài chính trong khoảng 4-6 hay thậm chí 9 năm học như ngành Y khoa.
Hiện nay, tại cơ sở đào tạo ĐH tồn tại hai tên ngành này giống nhau nhưng học phí khác nhau một trời một vực, thậm chí gấp đôi hay gấp ba là chương trình thường và chương trình chất lượng cao. Những năm trước, có thí sinh đăng ký xong, khi thông báo trúng tuyển mới biết vào hệ chất lượng cao, thí sinh này đã phát hoảng vì không thể trang trải vấn đề về học phí. Tuy nhiên, thí sinh không có cơ hội để sửa chữa sự cố này. Vì hệ thống chỉ cho phép thí sinh trúng tuyển 1 nguyện vọng ở 1 trường ĐH duy nhất. Muốn thay đổi, thí sinh tìm cơ hội ở lần xét tuyển sau hoặc đợi năm sau thi lại.
Trong đề án tuyển sinh, trường ĐH, học viện thông báo tăng học phí từ 10-20% từ năm học 2023-2024 do đó thí sinh cần cân nhắc một cách nghiêm túc vấn đề học phí để tránh tình trạng đứt gánh giữa đường.
Thí sinh cần đặc biệt lưu ý khi đăng ký nguyện vọng là mã một số trường gần giống nhau và có những ngành học trùng nhau. Ví dụ Trường ĐH Bà Rịa -Vũng Tàu có mã là BVU, còn Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông có mã là BVH (cơ sở Hà Nội) hay BVS (cơ sở TPHCM). Một loạt trường ĐH khác có mã xét tuyển na ná nhau như Trường ĐH Bình Dương (DBD); Trường ĐH Nông lâm Bắc Giang (DBG); Trường ĐH Bắc Hà (DBH); Trường ĐH Bạc Liêu (DBL)… Mặt khác, thí sinh cần chú ý tên viết tắt tiếng Anh và mã trường của các trường ĐH hoàn toàn khác nhau. Ví dụ, tên viết tắt tiếng Anh của ĐH Bách khoa Hà Nội là HUST, còn mã trường đăng ký xét tuyển là BKV hay Trường ĐH Kinh tế Quốc dân có tên viết tắt tiếng Anh là NEU còn mã đăng ký là KHA; Học viện Ngoại giao tên viết tắt tiếng Anh là DAV còn mã đăng ký là HQT… |
Nhiều chuyên gia khuyên các học sinh không nên chạy theo ngành “hot”, thay vào đó căn cứ năng lực, sở thích của cá nhân để lựa chọn ngành nghề theo học tại các trường đại...
Nguồn: [Link nguồn]