Tuyển sinh ĐH 2023: Lúng túng đăng ký nguyện vọng
Chỉ còn một tuần nữa là hết hạn đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT. Thực tế cho thấy, không phải thí sinh nào cũng hiểu đầy đủ về quyền lợi, trách nhiệm khi thực hiện đăng ký nguyện vọng.
Điểm chuẩn một đằng, điểm sàn một nẻo
Tại ngày hội tư vấn nguyện vọng xét tuyển ĐH, CĐ 2023 vừa được tổ chức cuối tuần tại Hà Nội, một số phụ huynh, thí sinh đã chia sẻ băn khoăn, lo lắng khi đăng ký nguyện vọng lên hệ thống xét tuyển chung. Một phụ huynh nhìn nhận, quy trình lọc ảo của Bộ GD&ĐT giống như quay xổ số nên dù con đã trúng tuyển 15 trường ĐH bằng phương thức xét tuyển sớm vẫn lo sợ trượt ĐH.
Phụ huynh này băn khoăn trong quá trình đặt thứ tự nguyện vọng nếu những nguyện vọng xét tuyển sớm không đặt ở những thứ tự nguyện vọng cao, liệu con có trượt hết tất cả các nguyện vọng. PGS. TS Nguyễn Phú Khánh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Phenikaa cho hay, nếu nguyện vọng trúng tuyển sớm chưa được như mong muốn thí sinh có thể đặt thứ tự ở phía dưới, ưu tiên những nguyện vọng yêu thích lên trên. Sau khi lọc ảo, nếu những nguyện vọng đầu trượt, thí sinh vẫn trúng tuyển ở những nguyện vọng tiếp theo, đó là những nguyện vọng đã trúng tuyển sớm.
Thí sinh tại Ngày hội tư vấn nguyện vọng xét tuyển ĐH, CĐ 2023. Ảnh: Mạnh Thắng
Năm nay, ngưỡng đảm bảo đầu vào (điểm sàn) của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân đối với phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT là 20 điểm/tổ hợp, trong khi điểm chuẩn năm 2022 vào trường thấp nhất là trên 26 điểm.
Trước câu hỏi của phóng viên thí sinh nên dựa vào điểm chuẩn năm trước hay điểm sàn năm nay để đăng ký nguyện vọng, PGS. TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Quản lý Đào tạo, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho biết, điểm sàn chỉ là điều kiện căn bản để nộp hồ sơ xét tuyển của thí sinh, giống như để vào ĐH, phải tốt nghiệp THPT.
Lý giải nguyên nhân điểm chuẩn- điểm sàn của trường dường như không liên quan đến nhau, ông Triệu khẳng định do số lượng hồ sơ đăng ký quá lớn, trong khi chỉ tiêu tuyển sinh của phương thức này vào trường có giới hạn (25% tổng chỉ tiêu).
Ông Triệu lấy ví dụ, trường vừa công bố điểm chuẩn phương thức xét tuyển kết hợp nhóm thí sinh 4, 5 (kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ với điểm thi hai môn tốt nghiệp THPT và thí sinh trường THPT chuyên toàn quốc). Ở phương thức xét tuyển này có khoảng 18.000 hồ sơ, trong khi chỉ tiêu chỉ khoảng 4.200, chênh lệch trên 4 lần và tăng 30% so với năm 2022. Do đó điểm chuẩn hai nhóm đối tượng này đều tăng 1 điểm so với năm 2022.
“Hiện nay, chúng tôi nhận được phản ánh có thí sinh khi quay lại hệ thống thấy nguyện vọng đã đăng ký không còn. Nguyên nhân của tình trạng này có thể thí sinh chưa thực hiện đúng, đầy đủ hết quy trình để hệ thống ghi nhận. Thí sinh cần lưu ý thực hiện theo đúng quy trình. Ngoài ra Bộ đã cung cấp số điện thoại trực kỹ thuật, bất cứ lúc nào thí sinh cũng có thể gọi tới để được hỗ trợ”.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy
Vì vậy, ông Triệu lưu ý thí sinh điểm sàn chỉ là điều kiện kỹ thuật, thí sinh phải sử dụng điểm chuẩn của các năm trước đó để tham chiếu, từ đó có những lựa chọn “sát sườn” nhất. Đồng thời đưa ra dự báo năm nay do điểm ưu tiên giảm tuyến tính nên điểm chuẩn các ngành từ 28 điểm, xác suất tăng sẽ thấp, còn mức điểm chuẩn thấp hơn sẽ vẫn giữ ổn định.
Đừng để nước đến chân mới nhảy
PGS TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT cho biết, hiện hệ thống đăng ký nguyện vọng ghi nhận có khoảng trên 40% thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2023 đăng ký nguyện vọng. Đây là con số tương đối thấp. “Con số này khiến những người làm công tác tuyển sinh lo ngại phải chăng có một bộ phận thí sinh nhầm lẫn đã trúng tuyển phương thức xét tuyển sớm, không cần đăng ký trên hệ thống chung”, bà Thủy nói.
Đồng thời nhấn mạnh thí sinh lưu ý dù đã trúng tuyển sớm vẫn phải thực hiện quy trình cuối cùng là đăng ký trên hệ thống chung của Bộ GD&ĐT để chạy lọc ảo xác định nguyện vọng cao nhất, duy nhất mỗi thí sinh trúng tuyển. Nếu thí sinh chưa đăng ký, cần truy cập vào tài khoản của mình thực hiện từ đầu đến cuối, không bỏ sót bất kỳ bước nào, cung cấp dữ liệu đầy đủ mà hệ thống có thể sử dụng. Phải kết thúc quy trình để hệ thống ghi nhận được nguyện vọng đăng ký của thí sinh.
Một lưu ý nữa được bà Thủy nhắc đến là có hơn 72.000 thí sinh chỉ đăng ký 1 nguyện vọng. Đây là lựa chọn tương đối rủi ro. Có thể thí sinh tin tưởng mình đã lựa chọn ngành học trúng tuyển sớm. Nhưng lưu ý phải nghiên cứu kỹ đề án tuyển sinh của trường đã trúng tuyển. Vì có thể có những tiêu chí phụ, hoặc điều kiện sơ tuyển sau này tiến hành hậu kiểm, thí sinh không đáp ứng được, lúc đó do chỉ đăng ký 1 nguyện vọng nên không có cơ hội xét nguyện vọng tiếp.
Với những thí sinh đăng ký nguyện vọng vào trường công an hoặc quân đội, bà Thủy cho rằng ngoài nguyện vọng 1 bắt buộc theo yêu cầu, thí sinh đừng quên đăng ký thêm nguyện vọng để đề phòng tình huống không trúng tuyển vào nhóm trường này.
Theo kinh nghiệm của bà Thủy, thí sinh nên đăng ký trên dưới 10 nguyện vọng. Nên san sẻ nguyện vọng vào top trường khác nhau.
Mới chỉ có gần 390.000 thí sinh đăng ký xét tuyển đại học trên trên hệ thống xét tuyển chung của Bộ GD-ĐT. Con số này khiến Bộ GD-ĐT lo lắng vì có thểthí sinh hiểu lầm khi...
Nguồn: [Link nguồn]