Tuyển sinh ĐH 2023: Cẩn trọng đăng ký xét tuyển ngành mới

Năm nay, nhiều trường đại học (ĐH) công bố mở thêm các ngành học mới, tăng cơ hội trúng tuyển cho thí sinh. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng đưa ra một số khuyến cáo đối với thí sinh khi lựa chọn ngành học mới.

Mở ngành theo nhu cầu xã hội

Năm 2023, Trường ĐH Ngoại thương bắt đầu tuyển sinh ngành mới là Kinh tế chính trị, chương trình Kinh tế chính trị quốc tế tại trụ sở chính Hà Nội. Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội dự kiến mở mới các ngành/chương trình gồm: Năng lượng tái tạo, Kỹ thuật sản xuất thông minh, Công nghệ kỹ thuật điện tử y sinh, Ngôn ngữ học. Nhà trường giữ ổn định 6 phương thức tuyển sinh đại học chính quy. Trường ĐH Thủy lợi dự kiến mở 3 ngành mới gồm Luật kinh tế, Ngôn ngữ Hàn và Ngôn ngữ Trung. Tổng chỉ tiêu 39 nhóm ngành năm 2023 là 5.500 theo

5 phương thức xét tuyển.

Thí sinh tham gia ngày hội tư vấn tuyển sinh năm 2022 tại Hà Nội Ảnh: Nghiêm Huê

Thí sinh tham gia ngày hội tư vấn tuyển sinh năm 2022 tại Hà Nội Ảnh: Nghiêm Huê

ĐH Quốc gia TPHCM đã đồng ý chủ trương mở mới nhiều ngành bậc ĐH ở các trường thành viên, như thí điểm ngành trí tuệ nhân tạo (Trường ĐH Công nghệ Thông tin), ngành Quản lý tài nguyên và Môi trường, thí điểm mở ngành Công nghệ Vật lý điện tử và Tin học (Trường ĐH Khoa học tự nhiên), ngành Đảm bảo chất lượng và An toàn thực phẩm và ngành Thú y (Trường ĐH An Giang), giao nhiệm vụ cho Khoa Y triển khai đào tạo ngành Y học cổ truyền và ngành Điều dưỡng. Trường ĐH Kinh tế TPHCM vừa công bố mở mới năm chương trình đào tạo gắn liền với kỷ nguyên số, gồm các ngành học Công nghệ tài chính (Fintech), Marketing công nghệ (Martech), Kinh doanh số (Digital business), Robot và Trí tuệ nhân tạo (Robot & AI), Công nghệ logistics (Logtech), và chương trình song bằng mới về Kinh tế chính trị - Luật và Quản trị địa phương. Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TPHCM cho biết năm nay sẽ mở ngành đào tạo mới là Digital marketing.

Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM dự kiến mở năm ngành học mới trong năm 2023, gồm Công nghệ tài chính, Khoa học dữ liệu, Luật, Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, Thương mại điện tử.

Tiềm ẩn rủi ro

PGS. TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học giáo dục -Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội nói: “Khi chọn trường, các em phải hướng tới thị trường lao động 5-7 năm tới”. Ông đưa ra năm nguyên tắc chọn nghề: chọn nghề phù hợp với sở thích; không chọn nghề không đủ điều kiện đáp ứng; chỉ chọn khi đã hiểu biết đầy đủ về nghề (điều kiện, môi trường, tính chất, khó khăn, thách thức...); không chọn nghề mà xã hội không còn nhu cầu; chọn nghề đáp ứng được những giá trị mà bản thân coi là quan trọng. Khi áp dụng các nguyên tắc này, cần dựa trên những số liệu khách quan hoặc mô hình khoa học thực chứng, thay vì theo cảm tính. Ngoài ra, để chọn đúng, thí sinh cũng nên biết thị trường lao động đang cần những nhân lực có trình độ như thế nào.

Thí sinh ngày càng có nhiều cơ hội lựa chọn nghề nghiệp, nhưng cần nắm bắt được thông tin về ngành mới, xu hướng mới, uy tín của cơ sở đào tạo cũng như thông tin dự báo về nhân lực trong thời gian tới để đưa ra sự lựa chọn phù hợp nhất, tránh lựa chọn theo trào lưu.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, nhìn nhận việc mở ngành mới ở một số trường tại Việt Nam mới chỉ dừng lại ở mức độ “thời trang” vì để mở một ngành học mới cần thời gian, công sức. Như về con người, yêu cầu có ít nhất 1 tiến sĩ ngành phù hợp là giảng viên cơ hữu, có kinh nghiệm quản lý đào tạo hoặc giảng dạy ĐH tối thiểu từ 3 năm trở lên chịu trách nhiệm chủ trì xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình đào tạo; có ít nhất 5 tiến sĩ là giảng viên cơ hữu có chuyên môn phù hợp để chủ trì giảng dạy chương trình. Nhiều ngành mới Việt Nam chưa đào tạo nên không có chuyên gia đầu ngành; đa số phải tuyển từ những người học ở nước ngoài hoặc phải gửi đi đào tạo ở nước ngoài từ nhiều năm trước và không phải ngành nào cũng có doanh nghiệp phù hợp để sinh viên thực tập. Theo ông Dũng, phần lớn các ngành học mới chương trình đều cóp nhặt từ giáo trình nước ngoài trong khi đáng ra phải do các doanh nghiệp sử dụng nguồn nhân lực những ngành học mới này xây dựng. “Do vậy, tôi cho rằng số trường đủ điều kiện đảm bảo chất lượng mở ngành mới không nhiều. Khi đăng ký ngành học mới, thí sinh cần cân nhắc các nội dung: ngành đã mở được bao lâu; tìm hiểu đội ngũ giảng viên của ngành được công bố công khai trong đề án tuyển sinh. Sau đó tìm trên Google Scholar xem những giảng viên này có công trình nào liên quan đến ngành; đánh giá của dư luận về ngành như thế nào”, ông Dũng nói.

Những trường đại học nào xét học bạ THPT năm 2023?

Trong mùa tuyển sinh năm 2023, tính đến thời điểm này, nhiều trường đại học trên cả nước vẫn ưu tiên phương thức xét học bạ THPT.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo NGHIÊM HUÊ ([Tên nguồn])
Những điều cần biết về tuyển sinh đại học, cao đẳng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN