Tuyển sinh ĐH 2017: Kết quả thi sẽ trung thực hơn?

Thi THPT quốc gia 2017, mỗi địa phương chỉ còn một cụm thi do các Sở GD&ĐT chủ trì. Các trường Đại học (ĐH), Cao đẳng (CĐ) chỉ tham gia với vai trò phối hợp.

Tuyển sinh ĐH 2017: Kết quả thi sẽ trung thực hơn? - 1

Kỳ thi THPT quốc gia 2017 mỗi địa phương chỉ còn một cụm thi do các sở GD&ĐT chủ trì (trong ảnh, thí sinh dự thi THPT quốc gia 2016). Ảnh: Như Ý

Chính vì vậy, là những đơn vị sử dụng kết quả của kỳ thi, không ít các trường ĐH còn băn khoăn về chất lượng kết quả thi THPT quốc gia sắp tới. Nhưng với giải pháp mà Bộ GD&ĐT đưa ra, các trường cũng đã vững tâm hơn phần nào.

Bà Nguyễn Thị Lanh, một giáo viên nghỉ hưu có tiếng của Hà Nội, hiện đang luyện thi  tại lò luyện thi khu vực Cầu Giấy  cho biết, năm nay các môn trắc nghiệm nhiều, thí sinh, giáo viên đều phải “xoay” cho phù hợp. “Nhưng qua các lớp ôn luyện, tôi thấy, thí sinh của chúng ta tính toán chậm, các em bị phụ thuộc vào máy tính quá nhiều. Chính vì vậy, với môn Toán thi trắc nghiệm, không hiểu trong thời gian ngắn, với nhiều câu hỏi, các em có xoay sở kịp không” – bà Lanh cho hay.  

Nhưng  điều bà Lanh lo lắng hơn đó là tính công bằng trong phòng thi và giữa các vùng miền. “Năm 2016, một sự việc hy hữu đã xảy ra tại Hội đồng thi ĐH Vinh, Nghệ An (có thí sinh Toán 0 nhưng Vật lý lại 10). Năm nay, giao cho các Sở GD&ĐT chủ trì, dù nhiều mã đề thi nhưng làm sao đảm bảo được sự nghiêm túc? Đó còn chưa kể mức độ coi chặt, coi lỏng tại mỗi địa phương cũng khác nhau” – bà Lanh băn khoăn.

Gian lận trong phòng thi rất khó. Chỉ còn lại là vấn đề thi hộ, việc trao đổi trong phòng thi cũng rất khó do thời gian thi ngắn”.

Phó hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội Trần Văn Tớp

Một chuyên gia giáo dục của một trường ĐH lớn tại Hà Nội cũng cho rằng nhiều trường rất quan tâm đến chất lượng kết quả thi THPT quốc gia. Bộ GD&ĐT cũng đưa ra các giải pháp để đảm bảo độ chính xác của kết quả. Chính vì vậy, các trường đều phải “tạm tin” vào kết quả đó để tuyển sinh.

Trong khi đó,  ông Lê Xuân Quốc, trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Sở GD&ĐT  Lào Cai cho biết, những năm trước cụm thi do Sở GD&ĐT chủ trì có ban chỉ đạo thi của tỉnh. Trong ban chỉ đạo thi đó, các thành phần tham gia phối hợp có các trường  ĐH. “Tôi khẳng định điểm thi tất cả các môn, kể cả ngoại ngữ tại các điểm thi của Lào Cai là chính xác” – ông Quốc cho hay. Ông Quốc cũng cho hay, năm nay nhiều môn thi trắc nghiệm hơn nên trong công tác tổ chức thi phải tham mưu với lãnh đạo tốt hơn.

“Có cơ sở để tin”

Ông Trần Văn Tớp, Phó hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội, khẳng định năm nay do các môn thi đều trắc nghiệm (trừ môn Ngữ văn) nên công tác chấm thi sẽ rất nhanh. Nhưng quan trọng  nhất là khâu chuẩn bị thi bao gồm đề và  in sao đề thi. 

Theo ông Tớp, kỳ thi THPT quốc gia 2017, các trường ĐH không tham gia vào công tác in sao đề nhưng với cách thức năm nay các sở GD&ĐT sẽ rất vất vả, vì  mỗi phòng thi có 24 thí sinh thì tương đương 24 mã đề khác nhau. 

Trong khi đó, những năm trước, với các môn thi trắc nghiệm chỉ có 6 mã đề khác nhau.  Nên khả năng 2 thí sinh cùng một mã đề là không có. “Như vậy, gian lận trong phòng thi rất khó. Chỉ còn lại là vấn đề thi hộ, việc trao đổi trong phòng thi cũng rất khó do thời gian thi ngắn” – ông Tớp nói.

Mặt khác, ông Tớp cho hay  từ ngày tổ chức thi THPT quốc gia, các  thí sinh đăng ký xét tuyển sinh vào 1 trường ĐH có thể không ngồi cùng nhau trong phòng thi nên không có cạnh tranh mà đôi khi còn có sự “cộng sinh” để cùng làm bài.  

“Tôi được biết, những năm trước, khi nhận xong số báo danh, các thí sinh lên mạng trao đổi thống nhất kế hoạch cùng nhau hỗ trợ làm bài trong phòng thi. Năm nay thì việc này trở lên khó khăn hơn vì mã đề không giống nhau” – ông Trần Văn Tớp khẳng định.  Chính vì vậy, ông cho rằng nếu thực hiện được tất cả các quá trình như Bộ chỉ đạo, thì năm nay có cơ sở để các trường tin rằng kết quả thi sẽ trung thực hơn.

Ông Đoàn Quang Vinh, Phó giám đốc ĐH Đà Nẵng cho rằng, năm nay chỉ còn 1 loại cụm thi và do Sở GD&ĐT chủ trì nên các trường ĐH cũng có băn khoăn nhất định về kết quả thi. Để tạo sự công bằng và đánh giá đúng chất lượng đầu vào, quan trọng nhất chính là khâu coi thi. 

Quy định của Bộ GD&ĐT về mỗi thí sinh có một mã đề thi riêng và mỗi phòng thi có 1 cán bộ coi thi của trường ĐH  là một trong các biện pháp cần thiết để đảm bảo tính nghiêm túc. Ngoài ra, với  sự phối hợp cùng các trường ĐH trong việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia trong 2 năm vừa qua, các Sở GD&ĐT đã có thêm kinh nghiệm để tổ chức tốt kỳ thi năm nay.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nghiêm Huê (Tiền phong)
Tuyển sinh đại học cao đẳng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN