Tuyển sinh đại học năm 2025: Các trường vẫn lúng túng

00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Quy chế tuyển sinh đại học (ĐH) năm nay có nhiều điểm mới, đến giờ này, các cơ sở đào tạo vẫn lúng túng, cần Bộ GD&ĐT hướng dẫn.

Trường ĐH thông tin tuyển sinh năm 2025 tới thí sinh. Ảnh: HOA BAN

Trường ĐH thông tin tuyển sinh năm 2025 tới thí sinh. Ảnh: HOA BAN

Băn khoăn điểm quy đổi, điểm thưởng

Một quy định mới nhưng chưa được đề cập trong dự thảo hướng dẫn tuyển sinh ĐH, CĐ vừa được Bộ GD&ĐT đưa ra lấy ý kiến nên nhiều trường cũng băn khoăn là chuyển đổi điểm của chứng chỉ ngoại ngữ thành điểm xét tuyển ĐH đối với môn này. Quy chế tuyển sinh ĐH 2025 quy định các chứng chỉ ngoại ngữ được Bộ cho phép dùng để miễn thi tốt nghiệp THPT, cơ sở đào tạo được quy đổi thành điểm môn ngoại ngữ để đưa vào tổ hợp môn xét tuyển, với trọng số tính điểm xét không vượt quá 50%.

Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Công, Phó Giám đốc ĐH Thái Nguyên, nếu để nhà trường tùy ý quy định việc quy đổi, sẽ dẫn đến tình trạng mỗi trường một giá trị. Ví dụ, có trường quy định chứng chỉ IELTS 7.0 tương đương 10/10 điểm nhưng có trường lại quy đổi 7.5 là 10 điểm. Thậm chí không loại trừ có trường hợp quy đổi IELTS 4.0 tương đương điểm 10. Ông Công đề xuất Bộ GD&ĐT nên hướng dẫn thực hiện các trường quy đổi theo khung thống nhất trong toàn quốc, ví dụ có thể chia thành các mức điểm của chứng chỉ ngoại ngữ để quy đổi ra điểm tương đương của môn học này trong tổ hợp xét tuyển. Như thế, trường ĐH vận dụng phù hợp, công bằng, đỡ loạn.

Trước thực tế này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn yêu cầu Vụ Giáo dục ĐH bổ sung vào hướng dẫn theo tinh thần đảm bảo có sự phân hóa đối với chứng chỉ ngoại ngữ khi quy đổi điểm tương đương trong tuyển sinh. “Không nên đánh đồng IELTS 7.0 trở lên là được 10 điểm. Cần có sự phân biệt, để đảm bảo có sự công bằng, có độ tin cậy. Vì chứng chỉ ngoại ngữ có nhiều dạng khác nhau, và còn tùy ưu tiên của từng trường, nên cần dựa trên nguyên tắc công bằng khi quy đổi”, ông Sơn nói.

Quy định về điểm cộng, điểm thưởng, điểm khuyến khích trong xét tuyển cũng là nội dung chưa được thể hiện rõ trong dự thảo hướng dẫn tuyển sinh ĐH năm 2025 của Bộ GD&ĐT. TS Trần Đình Khôi Quốc, Trưởng Ban Đào tạo, ĐH Đà Nẵng đặt câu hỏi, điểm cộng, điểm khuyến khích, điểm thưởng (gọi là điểm thưởng) được quy định trong Quy chế tuyển sinh là không quá 10% tổng số điểm xét tuyển ở mỗi tổ hợp, có giảm dần như điểm khu vực hay không (hiện nay, điểm ưu tiên khu vực giảm tuyến tính khi thí sinh đạt từ 22,5/30 điểm)? Nếu điểm thưởng là 3 (điểm tối đa đối với thang điểm 30) cùng với điểm ưu tiên khu vực, ưu tiên đối tượng nên điểm xét tuyển của thí sinh vượt quá 30 sẽ như thế nào, trong khi Bộ quy định điểm xét tuyển không được vượt quá thang điểm tối đa? Bộ sẽ có hướng dẫn cách làm hay giao cho các trường tự chủ khi xử lí?

TS Khôi Quốc góp ý, nên hướng dẫn các trường cộng điểm ưu tiên trước, sau đó mới cộng điểm thưởng. Vì điểm ưu tiên được tính theo công thức thống nhất trên toàn quốc, điểm thưởng lại tùy thuộc quy định từng trường. Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, băn khoăn của Ban Đào tạo, ĐH Đà Nẵng là gợi ý rất hay để Bộ GD&ĐT lưu ý bổ sung hướng dẫn. Khi xét tuyển sẽ cộng điểm ưu tiên khu vực và đối tượng trước, điểm thưởng (nếu có), cộng sau. Ông Sơn khẳng định, điểm thưởng cũng sẽ có quy định giảm tuyến tính như điểm ưu tiên khu vực.

Theo quy chế tuyển sinh ĐH 2025, trong xét tuyển, điểm thưởng sẽ bị “chặn” bởi 2 điều kiện: tỉ lệ không quá 10% tổng điểm xét tuyển và tổng điểm xét tuyển của thí sinh không vượt quá thang điểm của trường. Điều này tránh tình trạng nhiều trường cộng đủ các loại điểm thưởng, điểm khuyến khích nên điểm xét tuyển của thí sinh vượt thang điểm, gây nhiễu tuyển sinh.

Cần thêm thời gian

Theo dự kiến của Bộ GD&ĐT, thí sinh bắt đầu đăng kí nguyện vọng xét tuyển từ 16-28/7. Từ 13/8, trường ĐH tải dữ liệu, thông tin xét tuyển trên hệ thống. Ngày 20/8, các trường ĐH công bố kết quả trúng tuyển đợt 1 theo lịch chung.

Theo PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng ban Đào tạo, ĐH Quốc gia Hà Nội, năm nay dữ liệu được tải lên hệ thống rất nhiều, các trường ĐH cần có thời gian để kiểm tra lại trước khi chạy lọc ảo chính thức. Do đó, các trường cần nhiều thời gian hơn so với lịch dự kiến được Bộ đưa ra.

PGS.TS Nguyễn Minh Tâm, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM đồng tình với đề xuất thêm thời gian cho trường ĐH xử lí dữ liệu. Theo ông, trường cần thời gian trong khoảng 10 ngày, tính cả thời gian dự phòng. Năm nay, do cả hệ thống tập trung xét tuyển một đợt nên dữ liệu rất lớn, phần mềm của Bộ GD&ĐT cố gắng hỗ trợ kịp thời cho các trường ĐH. Ông Tâm cho rằng, cần làm rõ hơn những nội dung thuộc trách nhiệm của các trường ĐH trong quá trình tham gia xét tuyển để trường kịp thời điều chỉnh phần mềm, phối hợp với phần mềm của Bộ GD&ĐT, cũng như để có cơ sở dữ liệu đảm bảo đầy đủ và chính xác.

TS Trần Đình Khôi Quốc khẳng định, năm nay các trường sẽ rất mất thời gian để rà soát hồ sơ, kiểm dò, nên đề xuất Bộ GD&ĐT cho các trường được tải dữ liệu trước ngày 13/8, để các trường có thêm thời gian ráp nối dữ liệu. Mặt khác, các trường mong dữ liệu từ Bộ GD&ĐT cung cấp cần chính xác tuyệt đối.

Theo ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT, thời gian xét tuyển kéo dài trong bao lâu phụ thuộc vào các trường. Bộ sẽ cố gắng giảm thời gian lọc ảo. Vấn đề còn lại là thời gian xử lí dữ liệu thô của trường ĐH. Vì thế, Bộ tiếp tục xin ý kiến các trường để quy định về lịch trình xét tuyển có tính khả thi cao, nếu thuận lợi cho nhà trường, Vụ Giáo dục ĐH sẽ tham mưu để lãnh đạo Bộ GD&ĐT điều chỉnh lịch.

Những thay đổi về nhu cầu tuyển dụng, xu hướng chọn nghề của giới trẻ đã tác động đến việc tuyển sinh của các trường đại học (ĐH) năm 2025. Ngành báo...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo NGHIÊM HUÊ ([Tên nguồn])
Tuyển sinh đại học cao đẳng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN